Mỗi khi Tết đến, chủ đề lương và thưởng Tết cuối năm lại rộ lên trong sự chờ đợi, e dè, thắc thỏm với bao tràn trề hy vọng và cả không ít thất vọng, ủ ê của những người lao động.
1. Năm 2013 là năm kinh tế Việt Nam và thế giời “bắt đáy” trì trệ và suy giảm. Trên 70% doanh nghiệp (DN) trong nước không có lãi, trong đó 1/3 DNNVV rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, với trên 50.000 DN phá sản và nhiều DN nợ đọng lương, BHXH. Những khó khăn chung của kinh tế vĩ mô khiến tình hình kinh tế - tài chính vi mô của các DN và nhiều gia đình cũng không mấy khả quan. Những đơn vị có khó khăn, phập phù tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm, thì lương “hẻo” và khoản thưởng cuối năm cũng khiêm tốn, thậm chí có như không….
Công ty tư vấn nhân sự Mercer và đại diện tại Việt Nam – Công ty Talentnet - vừa công bố kết quả khảo sát lương và phúc lợi năm 2013. Theo đó, mức tăng lương của các DN FDI ở Việt Nam giảm liên tục 3 năm qua với mức 12,7% năm 2011, còn 12,3% năm 2012 và 11,1% năm 2013. Khối các DN trong nước còn sụt giảm mạnh hơn, tương ứng là 15,2%; 13,4% và 11,3%. Dự báo, năm 2014 tỷ lệ tăng lương ở mức 11,1% cho cả khối DN trong nước và ngoài nước.
Đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn trong khi mức thưởng tết bị suy giảm.
Điều đáng lưu ý, mặc dù coi trọng quản lý quỹ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội cho hiệu quả, nhưng suốt 2 năm qua, DN cả 2 khu vực đều giữ nỗ lực duy trì tỉ lệ tăng lương cao hơn tỷ lệ lạm phát. Hơn nữa, nhiều DN đã quan tâm đảm bảo chính sách lương bổng, phúc lợi nhằm hỗ trợ đời sống NLĐ, ổn định nhân sự, tăng thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là NLĐ chuyên môn cao và các cấp quản lý như là động lực phát triển của DN.
Kể từ 1/1/2014, lương tối thiểu DN sẽ tăng thêm 15% so với hiện nay, nhiều DN đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh lương, thưởng cho Tết Giáp Ngọ, Tuy vây, theo Tổng Liên đoàn Lao động Viet Nam, việc điều chỉnh lương tối thiểu không ảnh hưởng nhiều đến lương, thưởng Tết bởi thực tế nhiều DN đã trả cao hơn mức Nhà nước quy định. Ngay khu vực ngân hàng tình trang cũng không mấy khả quan. Thậm chí, có ngân hàng đã bỏ chế độ thưởng Tết do quy hết thu nhập vào mức lương.
Tuy vậy, nhiều DN FDI tại TP.HCM và Bình Dương đã lên kế hoạch thưởng Tết cho NLĐ trung bình một tháng lương và công đoàn tặng thêm quà Tết (gồm dầu ăn, gạo, đương, bột ngọt…) trị giá từ 200-500 ngàn đồng/người theo thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận giữa ban giám đốc và công đoàn cơ sở…
2. Trong kinh tế thị trường, mức lương, thưởng khác nhau tùy thuộc trình độ phát triển kinh tế-xã hội, mức sống tối thiểu của NLĐ, mức lạm phát, kết quả thu NSNN và tình hình tài chính DN, áp lực cung cầu về việc làm, cũng như vị trí, năng lực chuyên môn và đóng góp thực tế của mỗi NLĐ…
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đối với DN trong nước, lương cho người quản lý cao nhất là 37 triệu đồng/người/tháng. Đối với khu vực công ích, lương của công nhân thoát nước khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ở khu vực DN FDI, tình hình lương, thưởng tốt hơn khu vực DN trong nước, với mức lương cho người quản lý là 80 triệu đồng/ người/tháng/; Lương NLĐ từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Đối với DN FDI, mức thưởng cao nhất là 217,4 triệu đồng, thấp nhất là 2,3 triệu đồng. Bình quân mức thưởng cao nhất là 5 triệu đồng của ngành điện – điện tử, ngành cơ khí thưởng 3,5 triệu đồng, ngành may mặc da giày thưởng 3,4 triệu đồng, ngành chế biến thực phẩm thưởng 2,5 triệu đồng.
Kinh tế khó khăn, áp lực thất nghiệp gia tăng nên khu vực kinh tế Nhà nước vẫn là lựa chọn hàng đầu của NLĐ. Hơn nữa, với hàng chục ngàn NLĐ dôi dư do tái cơ cấu các tập đoàn và DNNN đã, đang và sẽ tiếp tục khiến đời sống nhiều gia đình và áp lực đảm bảo an sinh xã hội gia tăng.
Theo quy định hiện hành (nghị định 49/201/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về tiền lương, Nghị định 50/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ Quy định quản lý lao động, tiêng lương và tiền thưởng đói với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, và các Thông tư hướng dẫn thực hiện, như Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH ngày 09/9/2013 của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội), mức lương cao nhất mà một Chủ tịch Tập đoàn DNNN được hưởng chỉ là 54 triệu đồng/tháng, lương cho Tổng giám đốc tập đoàn DNNN chỉ được mức tối đa 52.5 triệu đồng/tháng, với điều kiện phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý điều hành DN, năng suất lao động tăng, lợi nhuận cao hơn năm trước, nộp ngân sách tăng… Tuy nhiên, việc thi hành quy định trên thực tế còn tùy thuộc vào nhận thức và chỉ đạo của lãnh đạo DNNN và sự kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời của cấp trên.
Khi cả hai cơ chế này hoạt động “dưới chuẩn”, sẽ xuất hiện tình trạng lãnh đạo nhận “lương khủng” và tiền thưởng tới hàng trăm triệu, thậm chỉ hàng tỷ đồng, còn NLĐ thì nhận mức lương “bèo bọt” tối thiểu hoặc thưởng tượng trưng, như báo chí đã nêu đích danh với một số DNNN công ích ở TP.HCM.
Người ta có thể biện minh mức lương cao đó là từ lãi do công ty nỗ lực (kiểu xin-cho) mà có và do thỏa ước tập thể quy định. Nhưng khi một bên là tập thể lãnh đạo đủ “quyền sinh quyền sát”. với một bên là người lao động chỉ được kí hợp đồng ngắn hạn và có thể bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào, thì liệu thỏa ước về mức lương , thưởng mà DN tổ chức lấy ý kiến tập thể đó có thực sự bình đẳng, thể hiện nguyện vọng tâm phục khẩu phục của cộng đồng người lao động và đúng luật, hay chỉ hợp pháp hóa cái gọi là ý chí và lợi ích nhóm của ai đó…
3. Vấn đề đáng lo ngại nhất năm nay chính là lương, thưởng cuối năm tại các DN đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản, thậm chỉ chủ bỏ trốn. Riêng Hà Nội, trong năm 2013 đã có khoảng 12.000/140.000 doanh nghiệp bị phá sản, kéo theo hàng nghìn NLĐ không được đảm bảo về lương, thưởng tết.
Để giải quyết hệ lụy tình thế này một cách chủ động và bền vững, đòi hỏi nhiều giải pháp tổng thể, quyết liệt và chặt chẽ hơn cả về pháp lý và tổ chức thực tế. Điểm tích cực và đáng ghi nhận ở góc độ nhân văn là UBND và Liên đoàn Lao động TP.HCM đã chủ động dùng nguồn NSNN thành phố để ứng lương cho NLĐ tại một số DN FDI trên địa bàn có chủ bỏ trốn; ban hành kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2014 cho nhóm đối tượng là những NLĐ bị mất việc làm do DN giải thể hoặc chủ bỏ trốn, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không được DN thưởng tết. Về tổng thể, sống được bằng với mức lương cơ bản, thưởng Tết cuối năm và tổng thu nhập đã, đang và vẫn sẽ còn là mơ ước cháy bỏng của đại đa số NLĐ…
Theo kết quả khảo sát mức sống tối thiểu của NLĐ năm 2013 do Viện Công nhân- Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) đã thực hiện tại 68 doanh nghiệp, tiền lương trung bình của NLĐđạt 3,667 triệu đồng/ người/tháng. Trong đó, vùng 1 là 4,037 triệu đồng/tháng, vùng II là 3,830 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,480 triệu đồng /tháng và vùng IV là là 3,312 triệu đồng/tháng. NLĐcó mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng chiếm 62%, trong đó có 5,2% lao động có mức lương dưới 2 triệu đồng. Mức sống tối thiểu chung năm 2013 (chưa tính nuôi con) là 1,928 triệu đồng/ tháng và nếu tính cả nuôi con là 3,278 triệu đồng/tháng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhucầu lương thực, thực phẩm tại vùngI và II thấp hơn nhiều nhu cầu phi lương thực (thuê nhà, điện, nước…).