Chưa từng một ngày học về chữa bệnh hay thuốc men, nhưng một số người vốn chân lấm tay bùn, thậm chí thất nghiệp bỗng dưng xưng “Thánh” và trở thành “thầy bùa” chữa bách bệnh bằng các phương pháp kỳ dị: thổi hơi, phun nước, quơ nhang, niệm chú…
Năm nay 56 tuổi, “thầy” Năm, tức Nguyễn Văn Danh có hơn 20 năm hành nghề chữa bệnh bằng phương pháp thổi hơi, nên ông còn được gọi là “Thần gió”. “Thầy” Năm còn được biết đến với biệt danh “mình trần, chân đất”, bởi quanh năm suốt tháng cởi trần và đi chân đất khám chữa bệnh.
Cơ sở chữa bệnh của “thầy” Năm nằm trên con đường đất mịt mù bụi, cách UBND xã và Trạm y tế xã Khánh Bình (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chưa đến 500m. Nhà “thầy” Năm lúc nào cũng có hàng chục người từ khắp nơi đến ở điều trị, ra vô tấp nập.
Thổi liền 3 hơi
Trong vai người bệnh, chúng tôi tìm đến nhà “thầy” Năm xin chữa trị. Khi bước vào, chúng tôi thấy đa số những người điều trị ở đây là phụ nữ, độ tuổi khoảng 40 trở lên, ai cũng được bôi thứ thuốc màu hồng nhạt trên người. Thấy người lạ đến, “thầy” Năm do dự và giả vờ lờ đi, rồi “phát tín hiệu” để chúng tôi hiểu rằng hôm nay nhà cúng giỗ nên không chữa bệnh. Tuy nhiên, ngay sau đó, một phụ nữ tầm tuổi 40 dẫn đứa con trai 7 tuổi bước vào. Người mẹ cho biết, con trai bị đau khớp gối, đến xin thầy thổi cho vài hơi để kịp giờ cháu đi học. Không do dự, “thầy” Năm liền thổi 3 hơi rồi hỏi han qua loa về đứa bé.
“Thầy” Năm thổi chữa bệnh cho bé trai 7 tuổi.
Thấy chúng tôi không thuyết phục được “thầy” Năm, một phụ nữ tỏ vẻ ái ngại và hỏi thăm: “Cô chú ở đâu tới đây, bị bệnh gì? Hôm nay nhà thầy đám giỗ nên thầy nghỉ một bữa”. Chúng tôi trả lời: “Tụi em ở xa tới, bị đau khớp vai gần năm nay, chạy chữa đủ chỗ mà vẫn không hết. Nghe người ta giới thiệu ở đây có thầy Năm chữa bệnh hay lắm nên mới tìm đến chữa thử…”. Chưa kịp dứt lời, người phụ nữ này cùng một số người ngồi xung quanh hốt hoảng, vội ra dấu ngăn lại và nói nhỏ: “Ở đây thầy chữa bệnh không được nói thử này, thử nọ. Đã tới đây thì phải tin thầy mới hết bệnh, thầy mà nghe cô chú nói tới thử, thầy giận không trị thì mất công”. Người vừa cảnh báo chúng tôi là bà Lê Thị Sáu, từ Chợ Mới (An Giang) đến đây điều trị ung thư vú được chừng 4 tháng.
Sau một hồi trình bày về lai lịch, bệnh tình, chúng tôi được một người đàn ông đứng tuổi tên Tư, khuyên: “Cô chú sắp xếp ở đây trị ít nhất vài tháng mới bớt được chứ thổi một vài lần không hết đâu”. Nói xong, ông Tư bước tới giúp chúng tôi thuyết phục “thầy” Năm. Ông Tư, nhà ở Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đưa vợ đến chữa trị thần kinh tọa gần một năm nay. Năn nỉ mãi, cuối cùng chúng tôi cũng được “thầy” Năm nhận lời thổi cho. “Sau lần này,về sắp xếp việc nhà để đến nhà thầy ở điều trị lâu dài” - “thầy” Năm dặn. Nói rồi, ông bảo người xin ông trị bệnh - một trong hai chúng tôi, cởi áo ra rồi ông thổi liền 3 hơi lên vai khiến toàn thân sởn gai ốc. Tiếp sau đó, ông dùng cọ quét thứ thuốc màu hồng lạnh ngắt, nồng nặc mùi dầu lên người. Vừa quét, ông vừa nói: “Bệnh này nặng lắm, để lâu nguy hiểm. Tôi thổi đỡ cho lần này rồi về sắp xếp việc nhà lên ở đây tôi thổi vài tháng là hết”.
Chỉ sau chưa đầy một phút, việc quét thuốc kết thúc. Thấy tôi quay ra, mọi người xúm lại hỏi han, động viên: “Thầy Năm chịu thổi là may rồi. Chú có thấy nhẹ chút nào không?”. Chưa kịp trả lời, “thầy” Năm bảo chúng tôi trở vào mài một ít thuốc đem về thoa đỡ một tuần. Chúng tôi răm rắp làm theo.
Chúng tôi quan sát thấy nơi bào chế thuốc ngay tại chỗ ngồi thổi khi nãy, bên trái có nhiều bao tải chất thành đống chứa những thứ mà vợ “thầy” Năm, bà Nguyễn Thị Nhợ nói là thuốc Nam. Cạnh đó là một bao nang mực, một thành phần không thể thiếu trong bài thuốc trị bá bệnh của “thầy” Năm. “Thầy” Năm bảo chúng tôi làm theo hướng dẫn của ông Tư người giúp việc. Vừa làm, ông Tư vừa giải thích: “Các vị thuốc bao gồm nang mực, thạch cao, long não, son tàu và châu thần. Thuốc này phải tự làm rồi xức thì mới có tác dụng”. Bốn vị thuốc trên được trộn sẵn để trong hộp, riêng miếng nang mực thì phải mài trên nắp lu. Vừa mài miếng nang mực, ông Tư vừa hướng dẫn chúng tôi múc một ít nước và một muỗng thuốc màu hồng trong hộp đổ vào nắp lu. “Mài đến khi hỗn hợp hơi sệt lại là được”- ông Tư nói.
Lưu trú tại nhà “thầy” Năm có khoảng vài chục người, cùng ở trong căn nhà ba gian, hai bên không có vách. Về chi phí ăn ở và thuốc men điều trị tại đây, ông Tư cho biết: “Bệnh nhân và người nhà tự mình góp vô, thầy Năm không đòi hỏi tiền bạc. Mỗi người bỏ vô vài trăm để thầy có kinh phí mà xoay xở, mua thuốc…”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một vị lãnh đạo Trạm y tế xã Khánh Bình, (đề nghị không nêu tên), cho biết: “Năm 2015, Phòng y tế huyện phối hợp với trạm đã đến kiểm tra và lập biên bản đối với hành vi chữa bệnh không có cơ sở khoa học của ông Danh, sau đó giao lại cho địa phương giám sát. Đến năm 2016, địa phương phát hiện ông Danh vẫn tiếp tục hành nghề, chúng tôi lập biên bản và vận động lần nữa nhưng không ăn thua. Hiện tại chúng tôi đang chờ chỉ đạo của huyện để có hướng giải quyết trường hợp này”.
Thầy bùa nước lã
Đang là một lái buôn lúa, thợ sửa điện thoại, Huỳnh Tấn Phát (năm nay 31 tuổi, ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đột nhiên xưng “Thánh” và chữa bá bệnh bằng việc cho bệnh nhân… uống nước lã. Chính vì vậy, ông Phát còn được người dân trong vùng gọi là “Thầy bùa nước lã”.
Ông Phát dùng hoa vẫn thọ trị bệnh
Chúng tôi đến nhà ông Phát đúng lúc chỉ có một mình mẹ ông ấy ở nhà. Bà cho biết, ông Phát tý nữa về và đề nghị chúng tôi ngồi đợi. Qua mấy vòng hỏi han thăm dò, rồi bấm tay kiểm tra, bà nói: “Ở đây “xác” (thầy Phát -PV) chữa bằng cách làm phép, bệnh ở đâu vuốt ở đó hoặc thổi hơi gió rồi cho người bệnh uống nước lã suối chừng năm, mười bữa là hết, nhưng phải làm liên tục không được nghỉ ngày nào mới có kết quả”.
Mẹ ông Phát cho biết: “Trước đây ông Phát làm thương lái thu mua lúa ở Đồng Tháp, thậm chí sang tận Campuchia… rồi đem về kho của người cậu ruột, chứ chẳng biết gì về chữa bệnh. Sau đó, đột nhiên có người ứng, Phát lẩm bẩm một mình rồi 7 ngày sau là biết chữa bệnh. Khi mới ra “cứu nhân độ thế” nhiều người đến chữa bệnh nói rằng nằm mơ thấy xác nên tìm đến”. Bà còn khoe: “Lúc mới ra làm, mỗi ngày có tới 400 – 500 người đến chữa. Ngoài người ở đây còn có cả người Sài Gòn, Bình Dương và cả tận từ Đà Nẵng,…vô, xe đậu chật hết hai bên đường”.
Để tạo lòng tin về sự linh nghiệm trong cách chữa bệnh của con mình, ai đến chữa bệnh bà cũng nói: “Xác được bề trên ứng vào người nên dù là con nhưng tôi không thể gọi con hay xưng hô mầy tao được, mà phải gọi bằng “thầy” hay “xác” vì lúc nào các vị cũng thường trực trong người xác”.
Trong nhà ông Phát có 3 cái lu đặt ở một góc, dùng để chứa “nước trị bá bệnh”. Mẹ ông Phát cho biết thực chất đó chỉ là nước lọc, nhưng sau khi khấn vái ơn trên, Phát múc nước trong lu ra nhúng hoa vạn thọ, hoặc hoa sen vào rồi dùng hai ngón tay chỉ trỏ, miệng lầm bầm “phù phép”, lập tức ly nước trở thành “nước Thánh” chữa được bá bệnh. Ly nước này sẽ được “xác” cầm quơ khắp người bệnh rồi sau đó cho họ uống.
Ông Tư hướng dẫn phóng viên mài thuốc.
Hỗ trợ cho Phát có ba người, hai nữ và một nam. Cả ba đều được mẹ Phát cho là người được bề trên phái xuống giúp Phát cứu đời chứ họ không theo Phát học chữa bệnh ngày nào. Ba đệ tử của Phát cũng chữa bệnh bằng cách bắt người bệnh vén quần lên khỏi đầu gối, áo lên tận ngực, vừa vuốt vừa xoa, rồi dùng hai ngón tay di chuyển lên xuống trên người bệnh.
Theo lời mẹ ông Phát kể thì cơ sở này nhiều lần bị chính quyền địa phương đến vận động, lập biên bản, và ông Phát hứa sẽ ngừng, nhưng sau đó vẫn hoạt động cho đến nay. “Chính quyền mời thì mời, còn làm cứ làm, nhưng phân tán bà con ra không để tụ tập đông người như trước nữa. Lúc trước đông vài trăm người mỗi ngày, giờ thì vài chục đến trăm người. Sứ mạng cứu nhân độ thế, chữa bệnh không lấy đồng nào, được ơn trên độ nên cấm thì cấm, “xác” đều làm được hết, không nghỉ ngày nào, làm luôn cả lễ tết”-mẹ ông Phát nói. Bà còn cho hay, việc chữa bệnh bắt đầu từ 11 giờ trưa đến 17 giờ chiều hằng ngày, nhưng 7 giờ sáng đã có người đến bóc số giống như ở bệnh viện rồi tản sang những nhà gần đó chờ, khi nào đến lượt thì đưa người bệnh đến để qua mặt cơ quan chức năng.
(Còn nữa)
Nói về góc độ chuyên môn, vị lãnh đạo trạm y tế khẳng định: “Các loại thuốc mà ông Danh dùng bôi ngoài da cho bệnh nhân chỉ có khả năng làm mát ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh”. Ông còn cho biết: “Tôi có hỏi ông Danh rằng: “Ông chữa bệnh như vậy lỡ chết người thì sao?”. Ổng trả lời: “Tôi có cho uống gì đâu mà chết người. Người ta tự tìm tới nhờ tôi thổi thì tôi thổi vậy thôi”. Tôi cũng hỏi ổng về những loại thuốc bôi lên da mọi người, ổng nói cũng không biết nó có tác dụng gì, người ta tới thì ổng cứ bôi cho”. |