“Chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ”.
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện ngày 9/11 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với siêu bão HaiYan.
Công điện nêu: Siêu bão số 14 đã vào Biển Đông đang di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Bắc, có khả năng đổi hướng di chuyển dọc theo các tỉnh Trung Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ.
Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến rất phức tạp. Để chủ động đối phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú ẩn an toàn.
Chủ động thực hiện cấm biển và kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu du lịch, vận tải; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Nhiều nhà dân đã di dời khỏi nơi ở để tránh bão
“Tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi; có phương án cụ thể để sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ”, Công điện nêu yêu cầu của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ đê điều, đập thủy lợi, thủy điện; thực hiện xả nước đón lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kiểm tra thực hiện tốt phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du khi xả lũ.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ sau bão; triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm sản xuất vụ Đông.
Bên cạnh đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi cần thiết...
Haiyan đã trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất trên trái đất, có lúc mạnh tới cấp 17, giật trên cấp 17, vượt tất cả các cấp trong các thang đo bão của các cơ quan dự báo trên thế giới. Hôm qua, (8/11), siêu bão này đã đổ bộ vào Philippin, phá hủy tới 90% cơ sở hạ tầng mà nó càn quét. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Bão Hải Âu có cấp gió lớn nhất từ trước đến nay, di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp và hướng đi dự báo vào các tỉnh miền Trung. Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới cơ sở phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bằng mọi biện pháp có thể giảm thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân. Dự báo ngày mai (10/11), siêu bão cập bờ biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị sau đó đổi hướng và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, tiến lên các tỉnh khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ. Xem thông tin về diễn biến "Bão số 14" tại Eva.vn |