Từ 31/3, nắng nóng xuất hiện tại khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Từ 1/4, mở rộng ra Đông Bắc Bộ trong đó có thủ đô Hà Nội. Nhiệt độ cao nhất khu Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ 36-38 độ, có nơi trên 38 độ, các khu vực khác từ 35-37 độ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây gây ra hiệu ứng phơn nên ngày 31/3, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%
Ngày 1/4, khu vực phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.
Cũng từ 1/4, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ.
Cơ quan khí tượng nhận định, nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 5/4. Ở phía Đông Bắc Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 4/4.
Miền Bắc sắp đón nắng nóng gay gắt.
Tại Nam Bộ nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày tới. Tây Nguyên cũng có nắng nóng cục bộ trong nhiều ngày tới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, năm nay nắng nóng đến khá sớm, dự báo gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có thể xuất hiện các kỷ lục nhiệt độ.
Những ngày đầu tháng 3, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên cũng xuất hiện những ngày nắng nóng cục bộ, riêng ngày 5/3, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng diện rộng, sang ngày 6/3 nắng nóng duy trì ở khu vực Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ. Trong đó, nhiệt độ đo tại Hà Tĩnh ngày 5/3 là 38.5 độ, là mức nhiệt cao nhất trong tháng 3 ghi nhận tại khu vực được coi là chảo lửa miền Trung.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, từ tháng 4-6/2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng về phạm vi ở miền Bắc, miền Trung. Tại Nam Bộ, nắng nóng kéo dài tới nửa đầu tháng 5.
Trong tháng 7-8, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.
Nữ tiếp viên hàng không bị người lái Mercedes tông đã nhận được hơn 1 tỉ đồng tiền thi hành án
Ngày 30-3, theo nguồn tin của PLO, sau nhiều lần rao bán đấu giá, căn hộ A14-9 chung cư Dream Home (phường 14, quận Gò Vấp) của Nguyễn Trần Hoàng Phong - người lái xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không đã có người trúng đấu giá.
Theo đó, ông NVS (ngụ Hải phòng) là người mua được căn hộ A14-9 chung cư Dream Home (tài sản bán đấu giá) với giá 1,609 tỉ đồng. Chi cục thi hành án dân (THADS) quận Gò Vấp cũng đã thực hiện các thủ tục theo đúng quy định để giao căn hộ cho ông NVS.
Chị Nguyễn Thị Bích Hường
Đối với số tiền 1,609 tỉ đồng từ bán đấu giá căn hộ, Chi cục THADS quận Gò Vấp trích lại một khoản tiền để trừ chi phí cưỡng chế, trích lại tiền thuê nhà cho người phải thi hành án theo quy định; thực hiện nghĩa vụ thanh toán còn lại của Nguyễn Trần Hoàng Phong đối với căn hộ…
Sau đó, Chi cục THADS quận Gò Vấp đã chia tiền theo tỉ lệ để thi hành án đợt một cho hai người được thi hành án là chị Nguyễn Thị Bích Hường (khi bị tai nạn là tiếp viên hàng không) và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Mạnh Thường - tài xế Grab.
Theo đó, thi hành án đợt một, chị Nguyễn Thị Bích Hường đã nhận được 1,059 tỉ đồng. Phía những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Mạnh Thường nhận hơn 200 triệu đồng.
Đợt thi hành án tiếp theo sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Vụ án người lái xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Vietnam Airlines thương tật 79% và khiến tài xế lái Grabbike tử vong vào tháng 1-2020 từng thu hút dư luận quan tâm.
Tháng 7-2022, TAND quận Phú Nhuận xét xử sơ thẩm tuyên phạt Phong bảy năm tù, buộc bồi thường 1,5 tỉ đồng cho chị Hường và 417 triệu đồng cho gia đình ông Thường. Tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán căn hộ giữa Phong và mẹ ruột; duy trì lệnh kê biên căn hộ chung cư.
Sau khi bản án có hiệu lực, Chi cục THADS quận Gò Vấp đã tiến hành các thủ tục để thi hành án. Tháng 8-2023, Chi cục THADS quận Gò Vấp đã cưỡng chế thi hành án bổ sung bằng biện pháp kê biên căn hộ A14-09 chung cư Dream Home của Phong để đảm bảo cho việc thi hành án.
Sau khi cưỡng chế thi hành án bổ sung bằng biện pháp kê biên căn hộ, từ tháng 9-2023 đến tháng 1-2024 Chi cục THADS quận Gò Vấp đã nhiều lần rao bán đấu giá căn hộ A14-09 chung cư Dream Home (giá từ 2 tỉ đồng giảm xuống còn 1,6 tỉ đồng qua nhiều lần rao bán đấu giá) để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án.
Lại xảy ra tai nạn ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn, 1 người bị thương
Chiều 30-3, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 1 tài xế bị thương.
Theo đó, vào khoảng 13 giờ 40 phút, tài xế Phạm Hồng Sơn (33 tuổi, quê Hà Nam) điều khiển ô tô tải 29H-794.58 lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng Bắc - Nam và khi đến Km62+680 đoạn qua địa phận thị xã Hương Trà thì xảy ra tai nạn với xe đầu kéo 43C -003.58 kéo theo rơ mooc 43R -001.79 do tài xế Trà Ngọc Huy (45 tuổi, ngụ ở TP Đà Nẵng) điều khiển.
Vụ tai nạn khiến tài xế Sơn nhập viện. Ảnh: BT
Vụ tai nạn khiến tài xế Phạm Hồng Sơn bị thương, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, lực lượng C08 Bộ Công an, văn phòng QLĐB II.5 cùng chính quyền địa phương đến hiện trường điều tra, làm rõ vụ tai nạn.
Thấy thông tin "tìm người thân", sinh viên năm nhất liên hệ lừa đảo 65 triệu đồng
Ngày 30-3, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Hoàng Khang (19 tuổi, quê Khánh Hoà, sinh viên năm nhất một trường đại học ở TP.HCM) thực hiện.
Theo thông tin, sáng 28-3, anh Đặng Quang V (27 tuổi, ngụ quận Bình Tân) mất liên lạc với gia đình. Sau đó, mẹ anh V đã đăng bài viết tìm kiếm anh V trên mạng xã hội.
Sau đó, gia đình anh V nhận được một cuộc gọi từ một thanh niên nói anh V đang ở Campuchia, yêu cầu chuyển 6.000 USD để chuộc anh V về.
Do không lo đủ tiền, gia đình anh V xin đưa 65 triệu đồng thì được thanh niên bên kia đồng ý và đề nghị gia đình đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh để thực hiện giao dịch.
Khang bị Công an bắt giữ ngay khi nhận tiền từ nạn nhân. Ảnh: ĐC
Tuy nhiên, nam thanh niên đã đổi điểm hẹn và yêu cầu gặp tại một địa chỉ trên đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh.
Đến khoảng 12 giờ 30 ngày 29-3, người nhà anh V đến Công an phường 25, quận Bình Thạnh để trình báo vụ việc.
Sau đó, ngay khi thanh niên vừa nhận 65 triệu đồng tiền chuộc từ người nhà anh V tại địa chỉ trước số 70 đường D5 thì bị công an ập vào bắt giữ.
Tại cơ quan công an, thanh niên này khai tên Nguyễn Hoàng Khang, đang là sinh viên tại 1 trường trên địa bàn TP.HCM. Khang thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia đình anh V.
Kiểm tra trong balo màu đen có quai đeo, Công an phát hiện số tiền mặt 65 triệu đồng vừa chiếm đoạt của gia đình anh V.
Hiện vụ việc đang được Công an quận Bình Thạnh tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hà Nội: Hỗ trợ 2.000 lao động khó khăn dịp tháng công nhân
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5.
Trong đó, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 có chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng", còn chủ đề của Tháng Công nhân năm 2024 là “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”. Dự kiến, sẽ có 1.000 người tham gia lễ phát động.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã và đang hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động của các đơn vị, triển khai kiểm tra liên ngành về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ…
Đặc biệt, Liên đoàn triển khai hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, người lao động thuộc các cấp Công đoàn thành phố, người lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn nhưng đã đóng kinh phí Công đoàn theo quy định.
Liên đoàn Lao động thành phố đề nghị, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ nguồn tài chính hiện có và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Chủ trường Quốc tế Mỹ kêu gọi phụ huynh đóng 125 tỷ
Thông tin được nêu trong cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của thành phố với bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cùng phụ huynh, chiều 30/3.
Lúc 14h, hội trường 800 chỗ của AISVN gần như chật kín. Mở đầu, thượng tá Vũ Thị Thúy Hà, Phó phòng An ninh chính trị nội bộ (PA 03), Công an TP HCM, cho biết chủ đầu tư của trường hiện không còn khả năng tài chính.
"Hôm qua, đội ngũ giáo viên nước ngoài rất căng thẳng, hiệu trưởng khẳng định nếu không đảm bảo tài chính sẽ nghỉ việc", bà Hà nói.
Theo bà, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hoạt động của bà Út Em. Mọi cuộc đàm phán giữa chủ trường với các nhà đầu tư đều chưa có kết quả. Nhà đầu tư do phụ huynh giới thiệu cũng dừng ở mức tìm hiểu, nghe những lùm xùm đều rút lui.
Khi làm việc với một số đối tác, các bên cho rằng trường lỗ một phần do học phí đang "rất thấp" so với các trường cùng chất lượng. Do đó, bà Út Em đề nghị xin hỗ trợ từ phụ huynh, là khoản chênh lệch để bù giá học phí mà thời gian qua bà không bù nổi. Đây là phương án ngắn hạn đến tháng 6.
Còn về dài hạn, phương án mà bà Út Em đưa ra là cổ phần hóa doanh nghiệp. Phụ huynh đóng tiền, thực tế sẽ là hợp đồng góp vốn, dân sự, phù hợp với pháp luật. Khi cổ phần hóa thì phụ huynh được hưởng giá trị cổ phần tương đương. Với các khoản vay từ đợt 1 cho đến nay, ai có nhu cầu thì sẽ chuyển tiền thành cổ phần. Nếu không thì khi nhà trường có phương án, như bán cổ phần, sẽ trả lại.
"Tóm lại, phương án dài hạn mà bà Út Em đưa ra là cổ phần hóa, kể cả khoản đóng góp cấp cứu, và tiếp tục kêu gọi đầu tư, đàm phán bán", bà Hà nói.
Bà cho biết cơ quan chức năng đánh giá phương án cổ phần hóa là khả thi, song sẽ phải xây dựng chi tiết, tính toán phần góp của phụ huynh và chủ đầu tư cũng như phương án kêu gọi đầu tư.
Quang cảnh buổi họp phụ huynh trường AISVN, chiều 30/3. Ảnh: Lệ Nguyễn
Bà Út Em giọng yếu, xin lỗi phụ huynh và run run trình bày phương án kêu gọi phụ huynh đóng góp. Bà mong mở tài khoản để phụ huynh đóng góp, do nhà nước quản lý. Dự kiến, kinh phí để duy trì dạy học từ 1/4 đến hết năm là 125 tỷ đồng.
Mức hỗ trợ mà bà đề nghị phụ huynh là 9,5 triệu đồng ở bậc mầm non, tiểu học 14,5 triệu, khối 6-8 là 20,5 triệu mỗi tháng. Từ khối 9 tới 12 là 22,5 triệu đồng.
Phụ huynh có thể cử đại diện, cùng các ban ngành giám sát xem có tiết giảm được thêm chi phí nào không. Khoản hỗ trợ, theo bà có thể là phí IB (chương trình Tú tài quốc tế) hoặc phí cơ sở vật chất. Đây là các khoản mà nhiều trường quốc tế hiện nay đang thu.
Một phụ huynh hỏi bà Út Em về số nợ của trường. Anh cho hay nghe nói trường nợ hơn 3.000 tỷ, đứng trên bờ vực phá sản và đề nghị công khai thực trạng để phụ huynh biết trước khi đóng góp.
"Tôi có thể đóng tiền nhưng tôi cần biết có khả quan không, hay chuyển trường luôn", anh nói.
Bà Út Em không đề cập số nợ, song nói phụ huynh yên tâm là khi cổ phần hóa trường thì các cơ quan chức năng sẽ xác định giá trị. Dù nhà đầu tư là ai thì cần đảm bảo giữ vững chất lượng đào tạo và quyền lợi của học sinh.
Một phụ huynh khác băn khoăn liệu số tiền đóng có đủ vận hành, trả lương cho giáo viên không, những gia đình từng hỗ trợ trường trước đây có cần đóng nữa không.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho rằng 125 tỷ là tính toán sơ bộ của trường. Nếu đóng góp, phụ huynh sẽ là người giám sát quỹ này, cơ quan chức năng cử người hỗ trợ.
Ông nhấn mạnh trước mắt cần làm sao để học sinh trở lại học tập bình thường vào ngày 1/4 và phương án phụ huynh đóng tiền tiếp tương đối hợp lý. Bởi nếu chuyển trường, phụ huynh cũng phải nộp học phí ở nơi mới. Theo khảo sát mà trường thực hiện hôm 29/3, gần 85% phụ huynh tham gia muốn con tiếp tục học tại AISVN.
"Chúng tôi đã hứa với giáo viên là phải giải quyết vấn đề lương, bảo hiểm, nếu không họ sẽ nghỉ việc ngay. Nhiều người đau ốm không thể đi khám vì bảo hiểm đã bị cắt, về nước cũng không được nên tình cảm với trường đã không còn nguyên vẹn", ông cho hay.
Sau các ý kiến, nhà chức trách tổ chức biểu quyết với phương án đóng thêm tiền. Phần lớn phụ huynh có mặt trong hội trường giơ tay đồng thuận.
Ông Hiếu cho biết các cơ quan và trường sẽ lập danh sách, phụ huynh đóng tiền ngay cuối tuần này để Sở làm việc với giáo viên vào thứ 2 tới. Ông nói thời gian rất gấp rút, đề xuất phụ huynh cử người, tốt nhất là có nghiệp vụ tài chính, để cùng quản lý số tiền.
Học sinh AISVN trong một hoạt động, năm 2022. Ảnh: AISVN
Lùm xùm ở AISVN căng thẳng cách đây hai tuần, toàn bộ học sinh phải nghỉ học do phần lớn giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương. Ngày 20/3, số giáo viên nghỉ việc lên đến 85 người. Nhiều phụ huynh mắc kẹt vì đã đóng học phí theo gói hàng tỷ đồng, mà chuyển trường khi học kỳ II sắp kết thúc không dễ.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, thành phố cho biết các cơ quan chức năng đang áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân. AISVN sẽ bị đình chỉ tuyển sinh năm học 2024-2025, cho đến khi nhà đầu tư giải quyết các vấn đề tài chính, nhân sự, ổn định dạy học.
AISVN thành lập năm 2006, hiện có hơn 1.210 học sinh theo học chương trình Tú tài quốc tế. Học phí của trường là 280-350 triệu đồng một năm với bậc mầm non, 450-500 triệu đồng với bậc tiểu học và 600-725 triệu ở bậc trung học.
Trường có 129 giáo viên nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam và 103 nhân viên. Hiện, các giáo viên bị nợ lương tháng 2. Riêng giáo viên nước ngoài còn bị nợ thêm 30% lương tháng 1.
Hồi tháng 10 năm ngoái, AISVN gây chú ý khi bị phụ huynh tụ tập đòi nợ. Những phụ huynh này nói cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất, không tài sản thế chấp, thông qua các hợp đồng vay vốn, đầu tư. Bù lại, con em họ được học miễn phí, trường cam kết trả tiền sau khi học sinh tốt nghiệp hoặc chuyển trường. Tuy nhiên, sau đó họ không được nhận lại tiền.