Theo cập nhật giá vàng hôm nay, ngày 11/11, thị trường vàng trong nước tiếp tục giảm cực mạnh giá vàng miếng và giá vàng nhẫn.
Giá vàng hôm nay ngày 11/11 vẫn giảm cực mạnh giá vàng nhẫn và miếng
Tin tức giá vàng hôm nay, ngày 11/11, có xu hướng như thế nào? Cập nhật mới nhất giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hôm nay sẽ cung cấp thêm thông tin cho độc giả.
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng ngày 11/11 tiếp tục giảm cực mạnh giá vàng miếng xuống mức 85,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo cập nhật giá vàng hôm nay mới nhất tính đến chiều tối 11/11, giá vàng trong nước ngày 11/11 được niêm yết cụ thể bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Theo đó, giá vàng SJC hôm nay ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 81,9 triệu đồng/lượng mua vào và 85,4 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 11/11 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng Doji hôm nay tại khu vực Hà Nội đang là 81,9 triệu đồng/lượng mua vào và 85,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 11/11 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 81,9 triệu đồng/lượng mua vào và 85,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82,1 triệu đồng/lượng mua vào và 85,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm nay, ngày 11/11, tiếp tục giảm mạnh cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước ở một số thương hiệu vàng lớn, tại phiên giao dịch đầu tuần.
Giá vàng hôm nay, ngày 11/11, tiếp tục giảm mạnh giá vàng nhẫn và giá vàng miếng trong nước.
Giá vàng nhẫn hôm nay
Giá vàng nhẫn hôm nay, ngày 11/11, vẫn chưa ngừng giảm dữ dội ở một số thương hiệu vàng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 83,15 – 84,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 81,8 – 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở ngưỡng 83,08– 84,93 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 340.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 190.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Giá vàng thế giới hôm nay
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 11/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 11/11 có xu hướng phục hồi với giá vàng giao ngay tăng 2,3 USD so với mức chốt phiên tuần trước, lên 2.686,9 USD/ounce.
Sau một tuần bị chi phối bởi các sự kiện quan trọng, thị trường vàng thế giới trong tuần này được dự báo sẽ trầm lắng hơn khi đón nhận ít dữ liệu quan trọng.
Xu hướng giá vàng
Dự báo về xu hướng giá vàng, sau tuần nhảy múa điên loạn, giá vàng thế giới nhận dự báo kém lạc quan trong ngắn hạn từ các chuyên gia.
14 nhà phân tích đã tham gia khảo sát vàng của Kitco News. Tuần này chỉ có 3 chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tăng, có tới 9 nhà phân tích dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm. Hai nhà phân tích còn lại cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Darin Newsom - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Barchart.com - cho biết: "Mặc dù thị trường sẽ tìm thấy sự quan tâm mới về phòng ngừa rủi ro dài hạn của nhà đầu tư, hợp đồng vàng tương lai tháng 12 vẫn chưa kết thúc xu hướng giảm ngắn hạn. Điều này mở ra cánh cửa cho đợt bán ra mới vào đầu tuần này".
Đồng quan điểm, David Morrison - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation - cho biết, bức tranh kỹ thuật cho thấy giá vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm.
Ở chiều ngược lại, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex James Stanley thuộc nhóm thiểu số lạc quan. Theo ông, giá vàng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 trông có vẻ bấp bênh khi dao động quanh 2.650-2.700 USD/ounce.
Với giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.686,9 USD/ounce (tương đương gần 82,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giá vàng ngày 11/11 giữa thị trường vàng trong nước và thế giới là khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Cập nhật giá vàng hôm nay mới nhất của giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ngày 11/11 sẽ được thông tin đầy đủ, chính xác, nhanh chóng đến độc giả.
Thông tin mới nhất về kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán 2025
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ làm rõ phương án đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày liên tục đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là công chức, viên chức).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo nghiên cứu, làm rõ phương án nghỉ Tết.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp Tết Âm lịch là 5 ngày.
Cùng với đó, Điều 1 Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg quy định chế độ tuần làm việc đối với công chức, viên chức là 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần đối với công chức, viên chức.
Ảnh minh họa: TL
Theo đó, phương án Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tại công văn số 5152/LĐTBXH-CATLĐ dịp nghỉ Tết Âm lịch công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục trong 1 tuần từ thứ Hai ngày 27/1/2025 (28 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết thứ Sáu 31/1/2025 (mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ) là đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định của Chính phủ.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, do đặc điểm năm 2025, trước và sau ngày nghỉ Tết Âm lịch đều là thứ Bảy và Chủ nhật, đây đều là ngày nghỉ hằng tuần của công chức, viên chức. Do đó, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần. Tổng cộng Tết Nguyên đán người lao động được nghỉ 9 ngày.
Theo quy định, người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm dịp này được hưởng mức lương cụ thể:
- Đi làm vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 390% lương của ngày làm việc bình thường. (300% (tiền lương làm thêm giờ ngày lễ, tết) + 30% (làm việc vào ban đêm) + 20% x tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết (300%) = 390%)
Lưu ý: Mức lương này chưa kể tiền lương ngày Tết nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài lịch chung được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.
Bão số 7 áp sát vùng biển Quảng Nam - Bình Định
Vào 16 giờ chiều nay (11/11), tâm bão trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Những giờ qua, bão di chuyển khá nhanh theo hướng tây nam với tốc độ khoảng 15-20km/h. Do ảnh hưởng của bão số 7, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong đêm nay, bão số 7 sẽ đi vào vùng biển khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ sáng mai (12/11), tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Quảng Nam đến Bình Định với cường độ cấp 6, giật cấp 8.
Trong ngày mai (12/11), áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ chiều mai, tâm vùng áp thấp trên Quảng Ngãi - Phú Yên với cường độ dưới cấp 6 và tan dần.
Dự báo bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong đêm nay và đi vào đất liền trong sáng mai. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.
Do ảnh hưởng của bão số 7, một số khu vực ở Trung Trung Bộ đã xuất hiện mưa rải rác. Dự báo từ đêm 11/11 đến đêm 12/11, khu vực Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, cục bộ xảy ra mưa rất to và dông với lượng mưa từ 70-150mm, có nơi trên 250mm. Nguy cơ xuất hiện mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong 6 giờ.
Ngày và đêm 12/11, khu vực Tây Nguyên cũng có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 40-90mm, cục bộ có nơi trên 180mm. Từ ngày 13/11 mưa lớn giảm dần.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 7, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Đêm nay và ngày mai, vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế đến Bình Định (bao gồm vùng biển huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh và sóng lớn.
Cũng trong chiều nay, bão Toraji vượt qua đảo Luzon, dự báo vào Biển Đông trong đêm nay, trở thành bão số 8. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, cơn bão này có thể tan dần khi áp sát đảo Hải Nam của Trung Quốc vào khoảng ngày 15-16/11, ít khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Trên Biển Đông đang xảy ra tình trạng bão chồng bão, dự báo sau bão số 7, bão số 8, Biển Đông có thể đón thêm bão số 9 trong thời gian tới khi ngoài khơi của Philippines có một áp thấp nhiệt đới và một cơn bão đang hoạt động.
Từ nay đến tháng 12 chưa xuất hiện rét đậm, rét hại
Không khí lạnh hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời kỳ từ ngày 11/11-10, nhiệt độ trung bình trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-1,5 độ C; khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ
Tổng lượng mưa trong thời kỳ này tại khu vực Bắc Bộ phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%; khu vực Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30%; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Dự báo rét đậm rét hại chưa xuất hiện từ nay đến tháng 12.
Đáng chú ý, theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, trong thời kỳ từ ngày 11/11-10/12, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên khu vực Biển Đông: 1,4 cơn; trung bình nhiều năm đổ bộ: 0,7 cơn).
Ngoài ra, hoạt động của không khí lạnh tại khu vực Bắc Bộ trong thời kỳ từ ngày 11/11-10/12 có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt, khu vực Trung Bộ tiếp tục xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng (tập trung chủ yếu từ Quảng Bình đến Khánh Hòa). Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vào cuối tháng 11 còn xuất hiện mưa rào và dông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to, sang tháng 12 trên khu vực ít có khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng.
Cảnh báo, trong thời kỳ từ ngày 11/11-10/12, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh, đặc biệt tại khu vực Trung Trung Bộ trở vào phía nam.
Tháng 10 ghi nhận nhiều nơi nhiệt độ cao vượt giá trị lịch sử
Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời kỳ từ ngày 11/10-10/11, trên Biển Đông đã xuất hiện 2 cơn bão, d. Hiện tại (sáng ngày 11/11) bão số 7 đang hoạt động trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, di chuyển theo hướng Tây Nam. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang tiếp tục theo dõi diễn biến cơn bão này.
Thời kỳ này có có 4 đợt không khí lạnh vào các ngày 23/10, 31/10, 2/11 và 4/11 hầu hết các khu vực thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ thấp nhất ngày xuống dưới 20 độ, có nơi dưới 13 độ C như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 11,5 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 11,2 độ C; Sìn Hồ (Lai Châu) 11,8 độ C,…
Thời kỳ từ ngày 11/10-10/11, nắng nóng đã suy giảm trên hầu khắp cả nước, chỉ còn xuất hiện cục bộ ở Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy nhiên trong thời kỳ này, có một số trạm khí tượng đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ như Tam Đường (Lào Cai), tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang (gồm Bắc quang và Hàm Yên, Định Hóa), Quảng Ninh (Móng Cái, Bãi Cháy), Bến Tre (Ba Tri), Đồng Nai (Trị An), Đồng Nai (Biên Hòa), Kon Tum, Phan Rang (Ninh Thuận).
Giai đoạn này có 3 đợt mưa lớn diện rộng diễn ra chủ yếu tại khu vực Trung Bộ: Ngày 20-22/10 tại các tỉnh Thanh Hóa-Bình Định, ngày 26-30/10 tại các tỉnh Hà Tĩnh-Đà Nẵng và từ ngày 3-8/11 tại các tỉnh từ Hà Tĩnh-Khánh Hòa. Trong đó, đợt mưa từ ngày 3-8/11, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam áp cao lục địa kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên khu vực có tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi cao hơn trên 400mm như: Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 446mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 405mm.
Đặc biệt tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) tổng lượng mưa đạt 552mm. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trên cả nước đã quan trắc được một số trạm khí tượng xảy ra giá trị lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử so với cùng thời kỳ như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng.
Tháng 10, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5- 1,0 độ C; riêng khu vực Bắc Bộ cao hơn từ 1,0-2,0 độ C, có nơi cao hơn.