Mẹ mất sớm, cô gái trẻ 21 tuổi ở Thanh Hóa đã phải gác lại việc học hành, ra Hà Nội tìm việc làm phụ giúp bố nuôi 2 em ăn học
Quê nhà tiễn biệt cô gái trẻ xinh đẹp bị sát hại, giấu thi thể
Ngày 21-2, gia đình, người thân và bà con chòm xóm đã tiễn đưa chị L.T.T.L. (SN 2003; ngụ thôn Thành Thắng, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) - cô gái trẻ bị sát hại, giấu thi thể trong một phòng trọ ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội hôm mùng 7 Tết (tức ngày 16-2 dương lịch) - về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang quê nhà.
Ông L.X.S. cùng 2 con gái (em của nạn nhân) trước di ảnh của con gái - người bị sát hại, giấu thi thể ở Cầu Giấy, Hà Nội
Trong căn nhà nhỏ mái ngói đơn sơ, rất đông người thân, hàng xóm tới thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình ông L.X.S. (SN 1982; ngụ thôn Thành Thắng). Ai cũng tiếc thương cho cô gái trẻ xinh đẹp, hiếu thuận nhưng đoản mệnh.
"Cháu ngoan hiền, biết lo cho bố và 2 em nhỏ. Cứ tưởng có công việc ổn định để giúp bố và các em ăn học. Ai ngờ, cháu nó lại chịu cảnh đau lòng đến vậy"- bà L.T.O. (cô ruột của nạn nhân) đau buồn nói.
Theo ông Cầm Bá Tâm, trưởng thôn Thành Thắng, gia đình nạn nhân là hộ nghèo của xã, có hoàn cảnh khó khăn. Vợ ông S. mất cách đây 4 năm do tai nạn giao thông, ông S. phải một mình nuôi 3 con ăn học. L. là chị cả trong nhà. "Khi vợ anh S. mất, lúc đó L. mới 17 tuổi nhưng cháu nó đã phải nghỉ học giữa chừng, ra Hà Nội tìm việc làm để hỗ trợ bố nuôi 2 em ăn học"- ông Tâm chia sẻ.
Bà con làng xóm tới chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân.
Cũng theo ông Tâm, kể từ ngày vợ mất, ông S. sức khỏe không ổn định. "Công ăn việc làm không có nên gia đình anh S. chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Giờ người con gái đầu qua đời, không biết gia đình anh ấy có vượt qua được khó khăn này không"- ông Tâm thương cảm.
Trước cái chết của chị L., bà con hàng xóm ai cũng bàng hoàng, thương xót cho cô gái phải chết oan uổng khi tuổi đời còn rất trẻ. "Cháu nó mới hơn 20 tuổi, tương lai tươi sáng đang còn ở phía trước, vậy mà sao nó (nghi phạm sát hại nạn nhân - PV) nỡ xuống tay tàn độc với cháu. Chúng tôi mong cháu ra đi bình an, gia đình sớm vượt qua mất mát này"- bà O. chia sẻ.
Diễn biến mới vụ cô gái "tố" tài xế xe khách sàm sỡ
Ngày 21-2, chị Q. (21 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trong vài ngày tới sẽ về lại Đắk Lắk để làm rõ vụ việc tài xế của nhà xe N.T. (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột) có hành vi sàm sỡ mình trên xe.
Chị Q. đăng tải lên mạng xã hội "tố" hành vi sàm sỡ của tài xế.
Theo chị Q., sau khi chị đăng tải thông tin trên mạng xã hội về việc tài xế tên B. (52 tuổi) của nhà N.T. sàm sỡ mình, phía nhà xe đã gọi điện thoại xin lỗi. Tuy nhiên, nhà xe vẫn rất bênh vực tài xế và xin lỗi cho qua chuyện. Do đó, chị Q. quyết định sớm về Đắk Lắk nhờ chính quyền địa phương vào cuộc, đến nhà xe làm việc.
"Việc nhà xe giải thích tài xế đã lớn tuổi để cho rằng không có việc sàm sỡ là không thể chấp nhận được. Tôi rất buồn khi nhiều người nghĩ bản thân tôi dựng chuyện nhưng là con gái không ai dại làm như vậy" - chị Q. chia sẻ.
Đại diện nhà xe N.T. xác nhận mình và tài xế đã gọi điện xin lỗi cô gái. Tuy nhiên, vị này cho rằng không có chuyện sàm sỡ mà có thể do tài xế mệt quá nên trong cơn ngủ mơ đã quơ tay trúng hành khách.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tối 16-1, chị Q. cùng em gái bắt xe khách từ Đắk Lắk đi TP HCM. Chị Q. và em gái được bố trí nằm ở ghế số 5 và cách với nhau đường luồng.
Theo chị Q. đêm đến, tài xế B. đã tới nằm giữa đường luồng rồi đưa tay vào chăn sờ mông chị. Lập tức, chị Q. hất tay ra và phản ứng nhưng người này vẫn có hành vi sờ tay, quàng ôm nên chị đã hét toáng lên cho mọi người biết. Bức xúc, khi xe đến trạm dừng nghỉ tại tỉnh Bình Phước, chị và em gái đã xuống xe, đi xe khác.
Trong khi đó, tài xế B. cho rằng do mấy ngày Tết chạy quay đầu xe liên tục nên rất mệt, có thể trong lúc ngủ mơ đã quơ tay đụng trúng cô gái chứ không có ý gì.
Bộ Công an: Cần cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu, bia
Nhằm chuẩn bị cho Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) sắp tới, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình quy định hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” trong dự luật, được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Tham gia giao thông ở nước ta phải “tỉnh táo và phản xạ nhanh”
Theo Bộ Công an, hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm hai nhóm.
Nhóm thứ nhất, các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: mức chuẩn, người lái xe thương mại và người mới lái xe.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Ảnh: P.HÙNG
"Với điều kiện văn hóa và giao thông Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần kiểm soát nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện"- Bộ Công an khẳng định và lý giải nguyên nhân do giao thông ở Việt Nam có nhiều đặc thù.
Chẳng hạn, ở các nước phát triển chủ yếu xe ôtô đi đúng theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ, như quy định tại Australia xe sau cách xe trước một khoảng an toàn hai giây. Tức là nếu xe trước đi qua một mốc nào đó thì ít nhất hai giây sau, xe đi sau mới vượt qua mốc đó.
Quy định trên cho phép lái xe có khoảng 0,5 giây để nhận biết tình huống khẩn cấp, 0,5 giây tiếp theo để có phản xạ và phương án phù hợp, một giây cuối cùng để thực hiện phương án như phanh gấp hay đánh lái sang làn. Như vậy, nếu có vi phạm xảy ra tai nạn cũng hạn chế tai nạn liên hoàn.
“Theo khoảng cách này, nếu ôtô đi với vận tốc 40 km/h thì khoảng cách giữa hai xe là hơn 22 m. Điều này là không tưởng ở Việt Nam, nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét, dù vẫn di chuyển với vận tốc 40 km/h. Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra…”- Bộ Công an cho hay.
Người Việt thường ép nhau, quy định ngưỡng sẽ khó
Dẫn chứng khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Bộ Công an cho rằng Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia), đây là tỉ lệ rất đáng báo động.
Rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Điều này được chứng minh qua con số với hơn 50% các vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Vì vậy, Bộ công an cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm TTATGT còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Kết quả đo nồng độ cồn của một người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: P.HÙNG
Thêm vào đó, Bộ Công an nhận định văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng lại, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì.
"Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua…”- Bộ Công an dẫn chứng.
Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý.
“Một khi ý thức kém có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc…”- Bộ Công an nhấn mạnh.
Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
“Luật này không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông…”- Bộ Công an giải thích thêm.
Bé gái 14 tuổi mất tích bí ẩn từ mùng 6 Tết sau khi bắt xe khách từ Hà Nam lên Hà Nội
Công an TP Hà Nội đã phát đi thông báo tìm kiếm một bé gái 14 tuổi mất liên lạc với gia đình sau khi bắt xe khách từ quê nhà tại tỉnh Hà Nam lên Hà Nội.
Theo thông tin từ phía gia đình cung cấp, chiều 15/2 (tức mùng 6 Tết), cháu Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 2010, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đi xe khách từ quê ở tỉnh Hà Nam đến bến xe Giáp Bát (Hà Nội) để về nhà. Nhưng sau đó gia đình gọi điện thì không liên lạc được.
Khi đi cháu Trang mặc áo khoác đen ống tay trắng, quần đen dép đen, có xách túi bóng quần áo màu trắng.
Cháu Nguyễn Thị Quỳnh Trang.
Chia sẻ thêm với PV, mẹ cháu Trang cho biết, do là xe khách quen đi qua nhà ở quê nên con gái một mình tự bắt xe lên Hà Nội. Phía nhà xe cũng xác nhận, cháu Trang xuống tại bến xe Giáp Bát, còn đi đâu thì không nắm được. Suốt từ mùng 6 Tết tới thời điểm hiện tại, gia đình đã nhiều lần gọi điện vào số máy di động của Trang, nhưng lúc có chuông, lúc không và đầu dây bên kia không ai nhấc máy.
"Trước đó, Trang có đi làm gần nhà. Tuy vậy, do tính chất công việc mất nhiều thời gian nên cách đây vài tháng, tôi đã xin cho cháu nghỉ ở nhà. Còn về việc Trang đã có bạn trai hay chưa, thì tôi cũng không nắm được vì cháu rất kín tiếng, không tâm sự, chia sẻ gì với gia đình về chuyện riêng tư", người nhà cháu Trang thông tin thêm.