Sau khi gây án, Dương Văn Nhất lấy đi 1 triệu đồng trong túi áo cùng đôi khuyên tai của nạn nhân. Để che giấu hành vi phạm tội, đối tượng đã phi tang thi thể cụ bà xuống một cái giếng bỏ hoang.
Thi thể cụ bà dưới giếng bỏ hoang, tố cáo tội ác “kinh hoàng” của gã đàn ông 53 tuổi
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đối với Dương Văn Nhất (SN 1971, trú tại thôn Nà Thoi, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) về tội Giết người và Cướp tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng 15h ngày 22/1, Nhất đang ở nhà bà Đào Thị Nghì (là mẹ đẻ, ở thôn Tiên Hóa 1, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa) thì thấy bà Phạm Thị T. (SN 1953, trú tại thôn Tiên Hóa 1) đến chơi.
Do không có người ở nhà, Nhất đã nảy sinh ý định chiếm đoạt đôi khuyên tai của bà T. đang đeo. Nghĩ là làm, đối tượng tiếp cận, đẩy bà T. ngã xuống sàn nhà, dùng tay bóp cổ nạn nhân tới tử vong. Sau khi gây án, Nhất lấy đi 1 triệu đồng trong túi áo của nạn nhân.
Đối tượng Dương Văn Nhất tại cơ quan điều tra. (Ảnh: VKSND tỉnh Tuyên Quang)
Tới khoảng 18h cùng ngày, thấy gia đình bà T. đi tìm người, đối tượng đã đưa thi thể nạn nhân ra giếng nước bỏ hoang trong thôn để phi tang. Trước khi rời đi, Nhất đã tháo và lấy đôi khuyên tai của bà T.
Thi thể bà T. sau đó được người dân phát hiện và trình báo cơ quan công an. Bằng việc áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, công an nhanh chóng bắt giữ Dương Văn Nhất vào sáng ngày 23/1, đồng thời thu giữ toàn bộ vật chứng của vụ án.
Vụ án đang được Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hà Nội: Thu giữ hơn 40 tấn thịt lợn nhiễm 2 chủng virus nguy hiểm
Ngày 25/1, Ban Chỉ đạo 389 huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tổ chức tiêu hủy hơn 40 tấn thịt lợn nhiễm bệnh. Đây là số thịt lợn cơ quan chức năng thu giữ tại kho đông lạnh của ông N.B.M (SN 1976, trú tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Trước đó, Đội QLTT số 25 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra 2 kho đông lạnh của ông M. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có khoảng 40 thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Số thịt lợn trong kho đông lạnh được cơ quan chức năng phát hiện và tiêu hủy
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lấy 2 mẫu thịt tại 2 kho đông lạnh để phân tích, giám định. Hai kho hàng cũng được niêm phong cho đến khi có kết quả.
Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho thấy, cả hai mẫu thịt được lấy đều dương tính với virus bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, 1 mẫu dương tính virus PRRS dòng Bắc Mỹ (bệnh tai xanh).
Ông N.B.M sau đó khai nhận đã thu gom số thịt trên từ tháng 7/2023 tại các chợ trên địa bàn xã Hữu Văn và một số xã lân cận thuộc huyện Chương Mỹ với giá vài nghìn đồng/kg. Thịt được tích trữ tại các kho đông lạnh để làm thức ăn nuôi cá và bán cho các hộ gia đình nuôi cá có nhu cầu mua thịt làm thức ăn cho cá.
Nữ sinh lớp 6 bị bạn đánh, 'dùng dao rọc giấy rạch lên mặt', nhà trường nói gì?
Nữ sinh lớp 6 bị bạn đánh vì mâu thuẫn tình cảm
Mới đây, một vụ việc gây xôn xao dư luận khi phụ huynh em T.A (học sinh lớp 6 Trường THCS Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ bức xúc khi đến trường đón con gái thì thấy mặt của con đầy những vết rách dài, chảy máu.
Phụ huynh em T.A cho biết, vụ việc xảy ra vào chiều 26/1. Cụ thể, khi gia đình đến trường đón con thì thấy mặt con đầy vết thương và chảy máu. Trong đó có 1 vết rách da dài khoảng 3cm trên trán và 1 vết rách da dài khoảng 5cm ở má.
Vết thương trên mặt học sinh T.A.
Theo lời của phụ huynh, em T.A bị bạn cùng lớp gọi chị gái đang học lớp 8 cùng trường xuống và dùng dao rọc giấy để rạch lên mặt. Nguyên do là bạn gái kia nghi ngờ bạn trai thích T.A. Phụ huynh em T.A cũng cho biết, T.A. và bạn học không có mâu thuẫn trước đó. "Ngay khi nhìn thấy tình trạng của con, tôi lập tức đưa con đến công an phường Kiến Hưng trình báo. Đây không phải là lần đầu tiên con bị bạn đánh. Trước đó 3 ngày, T.A cũng đã bị các bạn cùng lớp đánh".
Nhà trường đang phối hợp cùng công an để điều tra vụ việc
Trao đổi với báo chí, cô Nguyễn Thị Bạch Loan - Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội xác nhận vụ việc xảy ra tại trường vào cuối giờ chiều ngày 26/1 nên chỉ còn vài học sinh trên lớp. Do mâu thuẫn tình cảm nên một bạn nữ đã gọi chị học lớp 8 đến lớp xô xát.
Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Hưng chia sẻ, trong sáng nay, nhà trường tiếp tục làm việc với công an và đến thăm hỏi sức khỏe em T.A. Ngay khi sự việc xảy ra, nhà trường đã nắm được nhưng chưa kịp xử lý thì phụ huynh đã đưa con ra công an phường trình báo. Hiện tại nhà trường vẫn phối hợp cùng công an, cơ quan công an vẫn đang điều tra vụ việc, xác minh, lấy lời khai từ hai bên.
"Sự việc xảy ra không hoàn toàn đúng như những gì phụ huynh phản ánh. Không có chuyện học sinh dùng dao rọc giấy rạch mặt. Công an lấy lời khai cả 3 lần khi các em bình tĩnh thì đều khẳng định chỉ xảy ra xô xát chứ không dùng dao, trên tay không có gì. Bên cạnh đó, trong tường trình em T.A cũng viết là không có việc bị chị P. dùng dao rọc giấy rạch lên mặt mà chỉ nêu là do chị P. cào vào mặt, xô xát", cô Loan cho biết.
Về thông tin em T.A. bị 4 bạn nam đánh 3 ngày trước đó, bà Loan cho biết, theo giáo viên chủ nhiệm lớp thì em T.A. và một bạn nam mâu thuẫn dẫn tới hai bên va chạm. Nhận thấy sự việc không quá nghiêm trọng, giáo viên đã làm việc với các gia đình và dàn hòa.
Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Hưng khẳng định: "Nhà trường không dung túng, không bưng bít, không bao che các vụ việc bạo lực học đường. Các vấn đề liên quan tới bạo lực học đường nếu có sẽ được nhà trường xử lý nghiêm trên cơ sở giúp các con học sinh nhận thức được lỗi lầm, giáo dục các con biết sửa lỗi, ngăn ngừa tái diễn hành vi phạm lỗi, dần dần thay đổi và hoàn thiện bản thân. Nhà trường đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết. Ngay khi có kết quả từ phía công an, nhà trường sẽ có phương án kỷ luật thích hợp với các học sinh liên quan".
Học sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật như thế nào?
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau:
- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì sao đổi tiền mới dịp Tết có thể bị phạt xử phạt lên đến 80 triệu đồng?
Đổi tiền mới, hưởng chênh lệch, thu lợi bất chính
Theo báo Công an nhân dân đưa tin, thời gian gần đi cùng với sự phát triển của công nghệ, hoạt động đổi tiền mới cũng phát triển mạnh trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ tìm kiếm dòng chữ “đổi tiền lẻ, tiền mới”, sẽ hiện ra hàng loạt các trang rao bán dịch vụ này và nhiều hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới lên tới 20 – 30 nghìn thành viên.
Không chỉ đổi tiền mới thông thường, nhiều hội, nhóm chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền mới có số xê ri đẹp cũng đua nở trên mạng xã hội. Các hội nhóm này còn được phân chia theo khu vực với các tên gọi như: Đổi tiền lẻ, tiền mới giá rẻ Hà Nội, Đổi tiền mới quận Tân Phú, TPHCM; Đổi tiền lẻ, tiền mới - khu vực HCM, SG…
Hầu hết trên các hội nhóm, phí đổi tiền được nhiều người công khai với mức khá cao tùy theo mệnh giá, càng nhỏ thì phí càng cao. Các mệnh giá 5.000, 10.000, 20.000, 50.000 đồng là khoảng 60.000 đồng/triệu đồng; mệnh giá 100.000 đồng, phí đổi tiền là 55.000 đồng/triệu đồng, giảm còn 100.000 đồng/2 triệu đồng; giá đổi USD mới là 60.000 - 70.000 đồng/tờ 2 USD, nếu đổi nhiều thì giá giảm xuống dưới 60.000 đồng/tờ 2 USD... Riêng tiền 500 đồng là hàng hiếm, nên phí đổi lên tới 350 nghìn cho 100 tờ, tức tới… 700%.
Tuy nhiên, đổi tiền mới qua mạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chia sẻ về trải nghiệm của bản thân, chị Hương Dịu (Hà Nội) cho biết do có nhu cầu phục vụ đám hiếu cần tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, chị đã lên mạng tìm đổi, với mức phí cực “chát” 150%. "Tức để đổi lấy 1 cọc tiền 1.000 đồng, tương đương với 100.000 đồng, tôi đã phải trả 250.000 đồng. Lúc trao đổi, người đổi tiền khẳng định tiền mới 100% có seri, song khi nhận tiền, thì phía bên trong “độn” rất nhiều tiền cũ, nát, chưa kể còn bị “rút ruột” gần chục tờ. Cũng may tôi chỉ đổi một khoản tiền nhỏ, và cũng do nhu cầu cần gấp, nên tôi phải chấp nhận thiệt hại. Tuy nhiên bài học cho thấy đừng đặt niềm tin vào những lời cam kết trên mạng”, chị Dịu chia sẻ.
Hoạt động đổi tiền mới có thể bị xử phạt. Ảnh minh họa.
Theo một số chuyên gia, giao dịch đổi tiền trên không gian mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có trường hợp khách nhận được vài tờ tiền mới ở phía ngoài cọc tiền, còn lại bên trong là tiền cũ nát, thậm chí tiền giả.
Làm dịch vụ đổi tiền dịp Tết có thể bị xử phạt
Thông tin trên báo Công thương, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn chỉ đạo hệ thống Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh toán, công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa - tiền tệ, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.
Do đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và rao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Hiện nay pháp luật chỉ quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư này thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi mà không thuộc trường hợp được phép đổi tiền theo quy định có thể coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Đối với hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định này
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88 cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, khi tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.