Hàng nghìn tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn; hàng chục nghìn người được di dời khỏi vùng nguy hiểm; nhiều hoạt động công cộng tạm ngưng; công sở đóng cửa sớm… đó là những gì người dân miền Nam đang phập phồng chờ đón cơn bão số 13 dự báo sẽ quét qua…
TP.HCM: Công sở đóng cửa sớm
Tại TP.HCM, nhiều công sở, cơ quan, công ty đóng trên địa bàn đã phát thông báo cho cán bộ, nhân viên về sớm từ 16h chiều nay.
Đến 16h chiều nay, khu vực trung tâm TP.HCM trời khá âm u, bầu trời chuyển mây đen. Số lượng người dân rời công sở bắt đồng đông, các trường học đã cho phép phụ huynh đón con em về từ đầu giờ chiều nay.
Nhằm đối phó với cơn bão số 13 có khả năng đổ bộ vào TP.HCM, từ sáng sớm ngày 6/11, tại huyện Cần Giờ, gần 4.000 người dân cư ngụ tại các nơi nguy hiểm, có khả năng bị cơn bão đe dọa được cơ quan chức năng di tản đến nơi an toàn.
Người dân Cần Giờ được cung cấp suất ăn, nước uống đầy đủ đón bão số 13. Ngoài ra có khoảng 800 chiếc mền được đưa đến cho bà con di tản bão.
Ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết: “Từ lúc 5h đến gần 9h sáng đã có hơn 1.600 người dân ở xã đảo Thạnh An được di tản vào bờ. Tại thị trấn Cần Thạnh và 6 xã còn lại, 2.000 người được di chuyển tránh xa các khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao, gần bờ biển được đưa đến nơi an toàn. Hơn 1.300 tàu cá, trong đó có 40 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi đến nơi trú bão an toàn”.
Cũng theo ông Thơm, tất cả người dân được di tản đến các khu trung tâm như nhà văn hóa, trường học, khâu bố trí hậu cần để lo ăn uống, dịch vụ, y tế cũng đã hoàn tất. Máy phát điện có sẵn để dự phòng khi có cúp điện xảy ra và khoảng 800 chiếc mền được phát cho người dân”.
Tại các trường học trên địa bàn huyện Cần Giờ tất cả đều cho học sinh được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào.
Khánh Hòa: Hai tàu cá gặp nạn trên biển
Chiều 6/11, ông Nguyễn Ngọc Dũng, chánh văn phòng Sở GDĐT Khánh Hòa cho biết, chiều nay hơn 250.000 học sinh trong tỉnh đã được cho học sinh nghỉ học để đề phòng bão số 13. Đồng thời yêu cầu các trường khẩn trương triển khai các phương án phòng tránh bão.
Từ 20 giờ ngày 5/11 UBND tỉnh Khánh Hòa cấm các phương tiện xuất bến khai thác thủy sản, cảnh báo người dân và du khách không tắm biển.
Đối với 2 tàu cá của Khánh Hòa gặp nạn, đến chiều nay, đã có tàu cứu nạn ra ứng cứu.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Hủy hàng loạt chuyến tàu cánh ngầm
Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đã ký công điện gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố yêu cầu: Các địa phương thông tin thường xuyên về tin bão số 13 qua mọi phương tiện để nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Các địa phương thực hiện việc sơ tán dân cư các vùng có nguy cơ cao ven biển xong trước 13 giờ ngày 6/11. Các tàu chở khách, chở hàng hóa ngưng hoạt động từ 13 giờ ngày 6/11. Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các địa phương thông báo các trường cho học sinh nghỉ học buổi chiều ngày 6/11.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới và bão, bắt đầu từ 13 giờ ngày 6/11, tất cả các tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh đã phải tạm ngưng hoạt động.
Tàu cánh ngầm ngừng chở khách từ 13g ngày 6/11
Ông Bùi Thanh Việt, Trưởng văn phòng đại diện số 1 Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh BR-VT (đơn vị quản lý việc xuất nhập bến tại cảng Cầu Đá, TP.Vũng Tàu), cho biết: Có tất cả gần 10 chuyến tàu từ Vũng Tàu đi TP.Hồ Chí Minh đã phải hủy trong buổi chiều ngày 6/11. Hiện toàn bộ tàu cánh ngầm đã di chuyển về TP.Hồ Chí Minh để tránh trú bão.
Cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu, trưa 6/11, Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh cũng chính thức tạm dừng hoạt động của tàu cánh ngầm chiều từ Bến Bạch Đằng đi cảng Cầu Đá.
“Việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách là trên hết. Do vậy, chỉ khi nào thời tiết thuận lợi, chúng tôi mới cấp lệnh rời bến cho tàu cánh ngầm”, ông Bùi Thanh Việt cho biết.
Đến 14 giờ, tác cả các khu du lịch, resort, bãi tắm dọc chiều dài 100km đường bờ biển trên toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác dọn dẹp cơ sở vật chất, phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 13. Một số đơn vị không nhận khách trong hai ngày 6 và 7/11.
Tiền Giang: Nín thở đón bão
Chiều ngày 6/11, ông Nguyễn Thiện Pháp - Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Tiền Giang cho biết: Công tác phòng chống bão số 13 đang được các địa phương khẩn trương tiến hành, đặc biệt là các địa phương ven biển: Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Các địa phương đang rà soát, di dời toàn bộ các hộ dân sống ngoài đê biển đưa vào nơi an toàn. Tỉnh đang kêu gọi 491 tàu đánh bắt xa bờ với 4.248 ngư dân và 18 tàu khai thác ven bờ với 144 ngư dân vào nơi trú tránh bão an toàn.
Kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, trú ẩn an toàn tránh bão
Các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh được thông báo phải tạm ngưng hoạt động khi thời tiết mưa bão nguy hiểm. Đặc biệt từ 6 giờ sáng nay, tuyến đò từ vàm láng (gò công đông) đi vũng tàu đã tạm ngưng hoạt động. từ chiều ngày 6-11, toàn bộ học sinh huyện gò công đông, tân phú đông và 2 xã ven biển của thị xã gò công là bình đông và bình xuân tạm nghỉ học tránh bão. Đặc biệt, toàn bộ 62 phương tiện đóng đáy sông cầu (huyện tân phú đông) với hàng trăm ngư dân được lệnh sơ tán khẩn cấp vào đất liền trước 15 giờ. Đến 14 giờ 30 có 54 tàu thuyền đóng đáy sông cầu đã vào bờ… Thời tiết chiều ngày 6/11 tại Tiền Giang nắng nhẹ, chưa có mưa gió lớn.
Bến Tre: Sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre đã bố trí lực lượng hơn 400 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện chuyên dụng, xe cấp cứu sẵn sàng ứng phó, giúp dân phòng chống bão số 13.
Chiều 6/11, thời tiết tại các đại phương ven biển Bến Tre vẫn chưa diễn biến phức tạp. Kiểm tra thực tế tại vùng biển huyện Bình Đại, chiều nay, ông Nguyễn Khánh Hoan - Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bến Tre cho biết: “Thời tiết tại địa phương khá tốt, nắng nhẹ, vùng biển ven bờ chưa có sóng lớn. Toàn huyện đã kêu gọi 300 phương tiện đánh bắt vào bờ tránh bão an toàn”.
Học sinh được cho nghỉ học, trường học làm nơi tránh bão của người dân
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng nông nghiệp, thường trực ban chỉ huy PCLB huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, từ tối ngày 5/11, toàn bộ lực lượng PCLB của huyện và các xã, thị trấn đã triển khai xuống túc trực 24/24 giờ tại các vùng trọng yếu để sẵn sàng giúp dân phòng tránh bão. đến chiều ngày 6/11, công tác chuẩn bị sơ tán dân tại cồn ngoài (xã phú thuận), cồn hố (xã an thủy), cù lao đất (xã an hiệp) đã hoàn tất, đang sẵn sàng chờ lệnh. Đến 15 giờ cùng ngày, có 400 phương tiện đánh bắt hải sản với 2000 ngư dân vào nơi tránh tránh bão an toàn, hiện còn 100 tàu đang trên đường vào bờ.
Cà Mau: Kêu gọi gần 4.500 tàu đánh cá tránh bão
Ngày 6/11, Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cựu hộ cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết, tính đến 15 giờ chiều cùng ngày, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau đã thông báo cho 4.489 tàu cá (với 23.637 lao động theo tàu) biết hướng di chuyển ATNĐ gần Biển Đông và sức mạnh của cơn bão số 13 để chủ động phóng tránh.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực biên giới biển, nhất là các cửa biển không có trạm kiểm soát. Tiếp tục rà soát, thống kê, kiểm đếm số lượng người, phương tiện đang hoạt động trên biển, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ.
Tàu thuyền vào bờ trú bão tại Cà Mau
Cụ thể, có tổng số 1.521 tàu (với 10.967 lao động) đang hoạt động trên biển (trong đó, tàu cá trong tỉnh là 1.320 tàu, với 9.774 lao động; ngoài tỉnh tạm trú trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 201 tàu, với 1.193 lao động). Hoạt động xa bờ: 1.477 tàu, với 10.803 lao động. Khu vực đông nam Hòn Khoai đến bãi cạn Cà Mau có 258 tàu, với 1.940 lao động; khu vực Thổ Chu có 1.219 tàu, với 8.863 lao động. Hoạt động gần bờ có 44 tàu, với 164 lao động.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sau khi nhận được công điện của Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương, tỉnh đã tổ chức họp Ban chỉ đạo vào sáng ngày 5/11 và đã chỉ đạo các đồn biên phòng tiến hành thông báo cho toàn bộ 1.376 phương tiện đang hoạt động khai thác trên biển để di chuyển vào nơi trú an toàn. Thông báo các chủ đáy biển, rà soát các tuyến đê biển, đê sông, cửa sông để di chuyển dân vào nơi an toàn. Vận động người dân bồi trúc lại bờ bao để bảo vệ sản xuất, hạn chế tác hại do triều cường.
Bạc Liêu: Còn 2.700 thuyền viên trên biển
Ban chỉ huy PCLB tỉnh cho biết, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã ra thông báo nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi hoạt động từ 18h ngày 5/11 cho đến khi có thông báo chính thức của ngành chức năng về cơn bão số 13. Ngoài ra, Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan kiểm đếm chính xác số tàu thuyền và thủy thủ đi trên thuyền chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm.
Chỉ đạo, các đồn biên phòng mở các cột đèn tín hiệu báo bão và bố trí người trực 24/24 để phục vụ tàu thuyền, bố trí phương tiện sẵn sàng phục cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bạc Liêu, tính đến 7h sáng ngày 6/11, còn 384 tàu thuyền hoạt động trên biển, với hơn 2.700 thuyền viên (tàu xa bờ là 335 tàu, khoảng 2.500 lao động). Đã liên lạc được 100% số phương tiện hoạt động trên biển.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 13h chiều nay vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11.5 độ Vĩ Bắc, 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật trên cấp 9. Đêm nay hoặc sáng ngày mai, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, đi và đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. TP.HCM là một trong những địa phương được dự báo là có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 13. Vì vậy 5h sáng nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP đã có công điện khẩn gửi các sở, ngành chủ động ứng phó với bão. Đầu năm 2012, người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng của cơn bão Pakhar, gần 500 mái nhà bị tốc mái, hơn 400 cây xanh bị đổ ngã, 11 tàu thuyền bị nhấn chìm, hệ thống dây điện bị hư hỏng.... Cũng trong công tác phòng tránh bão, nhiều trường học tại địa bàn các quận 2, quận 9, Thủ Đức... và người dân Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre được di tản, học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. |