Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân làm nô lệ ở Anh vào năm 2013. Các nạn nhân thường đến từ các nước Albania, Nigeria, Romania và Việt Nam.
Trong mấy năm gần đây, luật sư Philippa Southwell, ở phía nam London, Anh trở thành đại diện cho một nhóm khách hàng đặc biệt: những thanh thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh làm nô lệ trong các trại cần sa.
Thường các gia đình nghèo coi phương Tây như một cửa ngõ của sự thịnh vượng và trẻ em mang gánh nặng trên vai khi phải kiếm tiền để cung cấp cho cha mẹ, anh chị em mình.
Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân làm nô lệ ở Anh vào năm 2013. Các nạn nhân thường đến từ các nước Albania, Nigeria, Romania và Việt Nam.
Nhiều trẻ em Việt Nam vượt hàng ngàn cây số bằng thuyền, xe tải và đi bộ. Họ mất cả tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể đặt chân đến bờ biển nước Anh.
Một xưởng cần sa bị phát hiện ở thủ đô London, Anh (Ảnh: Reuters)
"Trẻ em được buôn bán thông qua các nước Nga, Đức, Pháp. Một số người phải đi bộ qua rừng trong nhiều ngày. Họ ngủ trong các trại tạm và trốn trong thùng các xe tải hôi thối, bẩn thỉu. Các em phải giữ im lặng, không thể cử động, có khi ngạt thở vì thiếu không khí và phải tiểu tiện ngay trong thùng xe", Southwell chia sẻ.
Khi đến các trại trồng cần sa, các em bị cai quản như tù nhân của những kẻ buôn người và buộc phải làm việc dưới hệ thống sưởi ấm và đèn công suất lớn để trả nợ. Được biết, số nợ có khi lên tới 30.000 bảng Anh (khoảng 1 tỷ đồng).
"Môi trường làm việc rất nguy hiểm. Điện công suất lớn được sử dụng đến bỏng da và dây điện ở khắp mọi nơi. Cửa sổ thì luôn đóng kín để tránh việc nô lệ bỏ trốn", luật sư Southwell cho biết thêm.
Nơi trồng cần sa nóng nực và bịt kín.
Mặc dù cần sa được xem là bất hợp pháp ở Anh kể từ năm 1928, tuy nhiên, đây là loại thuốc phổ biến nhất trong nước. Thống kê của Cơ quan Theo dõi Ma túy Độc lập (IDMU), ước tính có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với số tiền gần 6 triệu bảng Anh mỗi năm.
Cảnh sát London thừa nhận, cần sa tiêu thụ tại Anh là "cây nhà lá vườn" và chỉ trong 4 năm từ 2008-2012, số lượng các nhà máy sản xuất cần sa tăng hơn gấp đôi lên gần 8.000. Các xưởng sản xuất nằm rải rác khắp đất nước và cách xa các thành phố lớn để tránh radar theo dõi của lực lượng cảnh sát.
Tuy nhiên, sau khi bị cảnh sát đột kích, những nô lệ trẻ em này lại bị đối xử như tội phạm chứ không phải là nạn nhân, luật sư Southwell bày tỏ.
Trong năm 2013, Anh và xứ Wales đã phán quyết 3 người Việt không bị truy tố tội phạm ma túy. Song không có nhiều chính sách thay đổi kể từ sau đó. Cảnh sát vẫn bắt giữ những người chưa thành niên vì tội trồng cần sa nhưng lại thất bại trong việc tìm kiếm tung tích những kẻ cầm đầu buôn bán. Ví dụ như cảnh sát hiếm khi điều tra các số trong điện thoại bị tịch thu của những người trồng cần sa bị bắt.
Bên cạnh đó, những nô lệ trẻ em này luôn luôn nhận tội sản xuất ma túy nhưng không nhận thức được mình là đối tượng bị mua bán. Luật sư Southwell luôn tạo niềm tin cho khách hàng với nhận thức "Vâng, tôi là một nạn nhân và tôi không phải là tội phạm". Bởi vì một khi bị gắn tội liên quan đến cần sa, nhiều người Việt Nam ở Anh phải đối mặt với lệnh trục xuất trái phép trở về nhà.