Trong tư tưởng của người Việt, quan niệm về trinh tiết của trẻ em khá nặng nề, điều này cũng chính là rào cản khiến trẻ không dám đề cập với chính người thân nếu bị lạm dụng.
Thời gian gần đây, thông tin Minh Béo bị bắt giữ ở Mỹ vì liên quan đến quấy rối tình dục trẻ em khiến dư luận xôn xao. Cùng thời điểm, người dân Việt hoảng hốt khi hay tin đối tượng Đỗ Văn Nam (34 tuổi, bảo vệ Trường tiểu học La Pan Tẩn, tỉnh Lào Cai) bị hơn 20 học sinh có độ tuổi 9 đến 11 tuổi, đang học lớp 3 đến lớp 5 của trường bị giở trò đồi bại.
Điều đáng nói, sự việc này xảy ra suốt hai năm mới bị phát hiện. Mỗi lần dâm ô, gã mua kẹo, bim bim để dụ dỗ hoặc dọa nạt khiến các học sinh không dám kể lại sự việc. Vấn đề đáng đặt ra là tại sao trẻ em nước ta không dám lên tiếng khi trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục?
Đối tượng Nam lạm dụng nhiều học sinh trong khoảng thời gian 2 năm
Bà Cao Thị Ngân (chuyên viên tâm lý) cho rằng, trẻ em ở nước ta ngại ngần, không dám lên tiếng, tố cáo về việc bị xâm hại tình dục do nhiều nguyên nhân mà trước hết chính là cách giáo dục của gia đình và nhà trường. Các bậc phụ huynh chủ yếu để mắt đến sức học của trẻ hơn là tâm lý, sự thay đổi của con. Một minh chứng rõ nhất là mỗi khi gặp con, phụ huynh chủ yếu hỏi về việc hôm nay trẻ học tốt không? Bài vở thế nào? Đồng thời, giữa cha mẹ và con cái cũng hiếm khi ngồi lại trò chuyện về những chuyện liên quan đến tình cảm.
Ở nước ta, rất ít phụ huynh đề cập chuyện giáo dục giới tính với con cái. Thậm chí, nhiều phụ huynh lại lựa chọn cách cấm tiệt trẻ tìm hiểu đến giới tính. Chính vì điều này, trẻ không được chuẩn bị sẵn tinh thần về sự thay đổi trong cơ thể của chính mình cũng như người xung quanh. Do đó, trẻ không hiểu rõ về việc tránh và phải hành xử như thế nào khi rơi vào trường hợp bị lạm dụng hay xâm hại tình dục.
Bà Ngân chia sẻ, trong số những đứa trẻ được gia đình đưa đến nhờ tư vấn tâm lý, có rất nhiều đứa trẻ thừa nhận cha mẹ không bao giờ đề cập đến chuyện giới tính hay cách tránh bị lạm dụng tình dục. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng có rất nhiều thắc mắc về các vấn đề này nhưng không biết phải chia sẻ, tâm sự cùng ai. Và phương tiện mà chúng tìm để để thỏa mãn câu trả lời của mình chính là mạng internet hay bạn bè.
Một số em cho hay có biết đến về việc lạm dụng tình dục và cách tránh bị xâm hại tình dục nhờ vào những điều được đọc trên sách báo. Tuy nhiên, khi lâm vào cảnh ấy thì không biết phải xử lý như thế nào. Trẻ cũng không dám thừa nhận với cha mẹ và người thân. Do đó, cách trẻ đối mặt với điều này là gặm nhấm một mình và tự dằn vặt bản thân.
Theo bà Ngân, trong chương trình dạy học ở Việt Nam có đề cập đến vấn đề giới tính. Tuy nhiên, hầu hết các trường trong khi dạy đều đề cập một cách sơ sài, bởi chính giáo viên cũng còn ngại ngùng khi nhắc đến. Vấn đề cách tránh bị xâm hại và cách xử trí như thế nào khi lâm vào trường hợp đấy thì không bao giờ được dạy.
Một điều đáng nói hơn là trong tư tưởng của người Việt, trinh tiết của trẻ em nói chung mà với bé gái là nặng nề hơn cả. Điều này cũng chính là rào cản khiến trẻ không dám đề cập với chính người thân nếu bị lạm dụng. Bởi trẻ nhận định điều này là rất nặng nề, có thể ảnh hưởng đến suốt đời. Trẻ sợ lời dị nghị, phán xét của mọi người. Do đó, cách trẻ lựa chọn nếu lỡ trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục là im lặng, cam chịu.
Phụ huynh cần kết hợp với nhà trường dạy con về giới tính cũng như cách phát hiện, xử lý nếu vô tình bị lạm dụng
Chị Nguyễn Lý Hiền Nga (Cán bộ chương trình Quản trị quyền trẻ em) cho hay, trong quá trình công tác đã rút ra bốn nguyên tắc mà các bậc cha mẹ cần nắm.
Nguyên tắc 1: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Bất kỳ ai, dù người đó nhiều tuổi hơn đều không có quyền: đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ em; yêu cầu trẻ em đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của họ; chụp hình, quay phim, vẽ những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ em.
Nguyên tắc 2: Khi có ai đó cố gắng đụng chạm những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ, hoặc yêu cầu trẻ đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của họ, hoặc muốn chụp hình/quay phim những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ thì trẻ hãy nói: “KHÔNG”. Đồng thời, hãy chạy đến tìm một người đáng tin cậy và kể cho người đó nghe những chuyện vừa xảy ra.
Nguyên tắc 3: Trẻ em luôn là nạn nhân. Việc các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ em bị đụng chạm không bao giờ là lỗi của trẻ em. Vì vậy, bất kỳ ai cũng không nên đổ lỗi hay lên án nạn nhân.
Nguyên tắc 4: Không bao giờ giữ bí mật khi 3 nguyên tắc trên bị vi phạm.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần dạy cho trẻ biết về các hành vi động chạm thế nào là an toàn và không an toàn. Tại Việt Nam, việc lạm dụng, quấy rối tình dục không còn là điều xa lạ. Do đó, điều tốt nhất là chính phụ huynh phải định hướng, giúp con mình để nhìn nhận rõ vấn đề chứ không phải vì ngại ngùng mà cấm trẻ tìm hiểu để rồi khi xảy ra điều đáng tiếc mới thấy hối hận.