Từ 1/7, cơ hội nào cho người thuê nhà ở Hà Nội, TP.HCM có "hộ khẩu thành phố"?

Ngày 23/04/2021 21:00 PM (GMT+7)

Từ 1/7, muốn thường trú ở các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thì người dân không cần đáp ứng điều kiện về thời hạn tạm trú như trước đây.

Sự ra đời của Luật Cư trú 2020 được nhiều người dân mong đợi, đặc biệt là người dân các tỉnh về sinh sống tại thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành rất nhiều thay đổi liên quan đến chính quyền lợi của họ.

Cụ thể, từ 1/7/2021, quản lý thường trú, tạm trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang phương thức quản lý bằng sổ định danh cá nhân. Đặc biệt, bỏ điều kiện nhập hộ khẩu thường trú riêng của các thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghĩa là, muốn nhập hộ khẩu thường trú vào các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thì người dân sẽ không cần đáp ứng điều kiện về thời hạn tạm trú như trước đây.

Từ 1/7, cơ hội nào cho người thuê nhà ở Hà Nội, TP.HCM có amp;#34;hộ khẩu thành phốamp;#34;? - 1

Theo đó, công dân chỉ cần mua nhà ở hợp pháp sẽ được đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

Ngoài ra, nếu chưa mua được nhà, theo Khoản 3 Điều 20 Luật này, người dân vẫn được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong một số trường hợp hoặc chỉ cần có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu) mà được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại đó…

Cũng theo Luật Cư trú 2020, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì bị xóa đăng ký thường trú.

Đặc biệt, tại Luật Cư trú 2020 có thêm một trường hợp mà người thuê nhà có thể bị xóa đăng ký thường trú tại nhà thuê.

Cụ thể, người đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó thì bị xóa đăng ký thường trú.

Thủ tục đăng ký thường trú từ 1/7/2021

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Tùy từng trường hợp mà công dân chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú khác nhau. Cụ thể, trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thu sổ hộ khẩu, công dân sẽ sử dụng mã số định danh để giao dịch
Từ 1/7, người dân không phải sao y các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, chỉ cần mang căn...
Theo Hoàng Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h