Sau sư cố rơi bánh máy bay hồi cuối tháng 11/2018, máy bay Vietjet Air của tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo liên tiếp gặp sự cố trong mấy ngày gần đây, khiến tài sản người phụ nữ giàu nhất Việt Nam bị “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng.
Cổ phiếu VJC “họa vô đơn chí”
Thị trường tài chính thế giới đang trải qua những ngày cuối năm 2018 khá tồi tệ khi hầu hết các chỉ số chứng khoán hàng đầu đều lao dốc. Chỉ số Dow Jones của Mỹ trong đêm 24/12 đã sụt tới 653 điểm (2,91%). Chỉ số Nikkei của Nhật Bản còn mất tới 988,16 điểm (4,9%) trong phiên hôm 25/12.
Trong nước, thị trường chứng khoán những ngày qua chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu top đầu cũng ghi nhận đà sụt giảm mạnh: VHM (Vinhomes) giảm 900 đồng, VNM (Vinamilk) giảm 1.000 đồng, MWG (Thế giới di động) giảm 1.100 đồng...
Đặc biệt, cổ phiếu VJC của hãng Hàng không Vietjet Air đã bị nhà đầu tư bán mạnh trong ngày hôm qua (25/12) và mất 2.400 đồng (1,9%), từ mức giá 124.300 đồng/CP xuống còn 121.900 đồng/CP vào hôm nay (26/12).
Cục Hàng không đang tiến hành xác minh sự cố máy bay Vietjet (ảnh minh họa).
Điều đáng nói, cổ phiếu VJC bị “rung lắc” không phải chỉ do chịu ảnh hưởng của thị trường chung mà còn phản ánh chính tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, mấy ngày gần đây, hãng hàng không giá rẻ này liên tiếp gặp sự cố máy bay.
Cụ thể, ngày 24/12, chuyến bay VJ861 hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phải hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) sau 2 tiếng cất cánh. Nguyên nhân là tổ bay đã phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại buồng hàng sau.
Ngày 25/12, chuyến bay VJ689 cũng của hãng này bay từ cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đi TP.Hồ Chí Minh tiếp tục gặp sự cố, tổ bay xin quay lại hạ cánh tại cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và đã hạ cánh nhầm xuống đường cất hạ cánh (CHC) chưa đưa vào khai thác.
Chưa dừng ở đó, sáng 26/12, dư luận tiếp tục xôn xao về những thông tin chiếc máy bay VJ 513 gặp sự cố tại sân bay Nội Bài khiến cho nhiều người lo lắng.
Theo thông tin ban đầu, máy bay VJ 513 dự kiến khởi hành tại sân bay Nội Bài lúc 6h20’ và đến Đà Nẵng lúc 7h35’. Khi hành khách đã lên máy bay, đến 6h15’ máy bay bắt đầu di chuyển ra đường băng để cất cánh.
Tuy nhiên, sau khi máy bay tăng tốc và chuẩn bị rời khỏi mặt đất thì đột ngột giảm tốc độ và hạ đầu máy bay. Cơ trưởng sau đó đã giảm tốc và đưa máy bay vào bãi đỗ, đồng thời, thông báo với hành khách không có vấn đề gì xảy ra.
Chỉ ít phút sau đó, tiếp viên của hãng thông báo máy bay gặp sự cố kỹ thuật, cần xử lý gấp và chưa thể bay tiếp, đến 9h30’ ngày 26/12, chuyến bay VJ513 vẫn đang nằm chờ tại bãi đỗ để đội ngũ kỹ thuật xử lý.
Trước đó máy bay số hiệu VJ356 (ngày 29/11) của Vietjet Air cũng đã gặp sự cố nghiêm trọng bị rơi lốp sau và phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Buôn Ma Thuột.
Chiếc máy bay Vietjet gặp sự cố ở sân bay Buôn Ma Thuột đêm 29/11/2018.
Tài sản sụt giảm 1.500 tỷ đồng
Khi thông tin máy bay Vietjet liên tục gặp sự cố được đăng tải, cổ phiếu VJC của Vietjet Air giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường hãng hàng không này “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, tại phiên giao dịch chiều nay (26/12), thị giá cổ phiếu VJC đang neo ở mức 121.900 đồng/CP. Với số lượng cổ phiếu VJC đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp là hơn 139,57 triệu, tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ước tính đạt hơn 17.000 tỷ đồng.
So với mức thị giá của VJC hôm 29/11 (trước khi xảy ra sự cố đầu tiên) là 132.500 đồng/CP, tài sản của bà Thảo thời điểm đó đạt gần 18.500 tỷ đồng.
CEO Vietjet Air - tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa "mất" 1.500 tỷ đồng sau 4 sự cố máy bay liên tiếp trong vòng gần 1 tháng qua.
Như vậy, so với thời điểm gần một tháng trước, khi chưa xảy ra sự cố máy bay nào thì tài sản nữ tỷ phú tự thân duy nhất Đông Nam Á đã bị hao hụt tới 1.500 tỷ đồng.
Trước đó, sự cố rơi lốp máy bay xảy ra tối 29/11 cũng khiến cổ phiếu VJC ngày 30/11 giảm xuống còn 129.000 đồng/CP, giảm 1.500 đồng/CP (1,2%) so với phiên giao dịch hôm 29/11.
Đợt giảm này của VJC khiến vốn hóa thị trường Vietjet hao hụt 812 tỷ đồng và làm bà Nguyễn Thị Phương Thảo mất mát khoảng 109 tỷ đồng chỉ sau 1 ngày.
Tuy nhiên, hiện khối tài sản chứng khoán của bà Thảo vẫn đang đứng số 2 trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Và bà Thảo vẫn đang tiếp tục được hưởng lợi khi khai thác hàng không nhờ giá dầu thế giới giảm sâu.