“Bạn muốn biết bí quyết nào để kiếm được từ 30 – 100 triệu đồng/tháng từ BĐS cho thuê”, “Làm gì để sở hữu BĐS trị giá 1 triệu USD”... là những lời mời chào “tung trời” để tham gia các khóa học đào tạo môi giới BĐS xuất hiện thời gian gần đây.
Chưa hết, diễn giả là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề môi giới địa ốc và chưa từng thất bại trong một thương vụ nào...”. Chủ nhân của các lớp học này là ai? Diễn giả “nổi tiếng” từng làm gì? Theo tìm hiểu của PV, đây chỉ là một trong rất nhiều chiêu “biến hình” của các “thánh” đa cấp, đổi nghề làm… diễn giả dạy làm giàu…
Đủ trò PR để đánh bóng
Các khóa học “diệu kỳ” trên luôn mở đầu bằng những câu chuyện kinh điển của các doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới. Nào là: “Tôi đã sở hữu 730 BĐS bắt đầu từ con số 0 như thế nào?”, “Học cách bán nhà siêu đẳng của “bà hoàng” bất động sản Mỹ”...
Để thuyết phục người tham gia, các “diễn giả” đưa ra những khẩu hiệu đánh trúng tâm lý: Nếu có ít tiền và chưa kinh nghiệm về BĐS, nên làm gì? Cách kiếm 10 đến 50 triệu đồng mỗi tháng mà không sử dụng tiền của mình...
Cứ vậy, đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người “say như điếu đổ” trước “ma lực” của các khóa học này. Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều các lớp dạy kinh doanh, đầu tư bất động sản đã được “mọc lên”. Và, diễn giả của những khóa học này chính là các “chuyên gia tự phong”.
Chiêu thức phổ biến mà họ đánh bóng mình là khoe mẽ về sự giàu sang của bản thân, chụp ảnh chung với những chuyên gia hàng đầu các lĩnh vực hay người thành đạt thực sự. Tại TP.HCM, hai “chuyên gia đào tạo” kinh doanh, đầu tư BĐS được nhiều người biết đến là N.M.H. và V.P.N.H. Hai nhân vật này đã biết tận dụng tối đa các chiêu thức trên để tự PR cho mình.
Trong vai người muốn học cách bán nhà “siêu đẳng”, chúng tôi gia nhập Group của lớp đào tạo kinh doanh BĐS do N.M.H. giảng dạy. Tại Group này, PV được một học viên đang theo học cho biết, M.H. là chuyên gia hàng đầu trong việc đào tạo lĩnh vực BĐS. Đặc biệt, H. chưa thất bại trong bất kỳ thương vụ nào.
Chuyên gia này mở rất ít lớp để chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, nên khi có lớp là mọi người đăng ký ồ ạt. Thế nên, dòng quảng cáo: “Hãy là người đăng ký sớm nhất để được sắp xếp; người đến sau sẽ không còn cơ hội thành công...” được tô đậm để các thành viên chú ý.
Dù được rầm rộ tôn vinh là vậy, nhưng theo tìm hiểu của PV, H. mở khá nhiều lớp đào tạo kiểu này và gieo vào đầu học viên những ý tưởng làm giàu “trên trời”. Thực tế, đã có không ít người nếm “trái đắng” sau khi tham gia khóa học của H.
Một học viên cho biết, vẫn những lời quảng cáo làm giàu nhanh chóng, vẫn những chiêu khoe của, tung hô, hoạt náo..., khóa học đào tạo kỹ năng mua bán địa ốc chẳng khác gì buổi... hội thảo của các công ty đa cấp. Kết thúc buổi thuyết trình, khi diễn giả công bố việc nộp tiền để đăng ký khóa học, rất đông các “đệ tử” trà trộn trong đó tranh nhau đăng ký để tạo hiệu ứng đám đông, dụ mọi người cùng tham gia.
Tương tự như N.M.H., để thu hút người theo học, công ty do V.P.N.H. thành lập và điều hành còn bán các khóa đào tạo dưới dạng voucher giảm giá như “khóa dạy làm giàu” trên hotdeal hay adayroi.com...
Ngoài hai nhân vật “đình đám” trên, tại TP.HCM còn có hàng chục chuyên gia cũng nhận mình là người có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực dạy đầu tư BĐS như: M.S.T; T.V.T. đa phần lớp học do những “nhân vật xuất chúng” này giảng chỉ nói đến thành công mà không đề cập đến rủi ro người học phải đối mặt, thế nên không ít người bị cuốn và ngụp trong vòng xoáy.
“Bánh vẽ” thành ác mộng
Với chiêu “biến hình” này, các “thánh” đa cấp đã bơm vào đầu người học những viễn cảnh về sự giàu sang nhanh chóng, thế nhưng thực tế không như người học nghĩ. Một người từng tham gia khóa học làm giàu từ đầu tư, kinh doanh BĐS cho biết: “Khóa học như một liều doping, xốc lại tinh thần và khơi dậy ham muốn làm giàu cho nhiều người, nhưng chỉ là lúc học, còn ứng dụng vào thực tế lại khác xa”.
Cũng là nạn nhân của phương thức đa cấp “biến hình” trên, anh Nguyễn Văn Đ. – sinh viên trường cao đẳng Xây dựng Hà Nội cho biết, mới đây, qua thông tin trên Facebook của một người tự xưng là doanh nhân có tiếng, anh đăng ký tham dự một khóa học kinh doanh BĐS. Buổi training (huấn luyện) được tổ chức ngay tại công ty địa ốc (một công ty khá có tiếng, trụ sở tại Thanh Xuân) và... hoàn toàn miễn phí.
“Diễn giả” khóa học cam kết, nếu thử thành công, Đ. sẽ nhận được công việc chính thức tại chính công ty địa ốc trên. Tại buổi học, sau khi được “rót mật vào tai” bằng một loạt thông tin hấp dẫn, Đ. đồng ý nộp 1,8 triệu đồng/khóa học.
Trong những buổi học này, Đ. được giới thiệu về những dự án bất động sản với mức giá cực kỳ ưu đãi. “Các “chuyên gia đào tạo” cho biết, với những dự án này, cứ đầu tư là thắng, lợi nhuận gấp đôi. Ngoài lợi nhuận cam kết, nếu giới thiệu được khách mua, tôi sẽ được chiết khấu 7% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, tôi rút lui vì không có tiền đầu tư”, Đ. kể.
Cũng theo lời kể của Đ., sau những buổi training này, thấy “lợi nhuận trong mơ”, không ít người sẵn sàng đổ tiền đầu tư vào các dự án trên dưới hình thức góp vốn. Chưa dừng lại ở đó, họ còn tìm đủ mọi cách để lôi kéo người thân, bạn bè tham gia cuộc chơi nhằm nhận hoa hồng và chuyển nhượng dự án càng nhanh càng tốt.
Nhìn nhận về mô hình đa cấp biến tướng này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đỗ Văn Phúc - Giám đốc công ty TNHH bất động sản T.P (TP.HCM) phân tích, một trong những biến tướng tinh vi của đa cấp hiện nay là các lớp đào tạo.
Những người trực tiếp giảng dạy của các lớp học này luôn tạo cho mình một phong cách thành đạt, am hiểu và muốn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với tất cả mọi người. Thực tế, người ta không thể làm giàu cấp tốc chỉ sau một khóa học, bởi, người muốn làm giàu phải xắn tay áo lên mà làm. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ vẫn tin vào những bài thuyết trình trên mây của các “chuyên gia đào tạo” tự phong đó.
Ông Phúc đặt câu hỏi: “Những người trẻ, người khát khao làm giàu, những người tin vào các khóa học thần thánh đó có bao giờ tìm hiểu kỹ xem những người đang dạỵ bí quyết làm giàu là ai không? Họ đã thành công thế nào? Công ty, tập đoàn của họ phát triển ra sao không? Lợi nhuận mà các chuyên gia thu lại từ nguồn nào không? Nếu chịu tìm hiểu kỹ hơn, sáng suốt hơn, hẳn đã không đánh đổi số tiền cực khổ mình đang có để “cống nạp” cho các chuyên gia nhằm được học một khóa đào tạo làm giàu cấp tốc như vậy”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lý Thanh Nhã (đoàn Luật sư TP.HCM) thẳng thắn đặt dấu hỏi, không biết những khóa học dạy làm giàu cấp tốc đó có mang lại hiệu quả thật sự hay không, hay lại khiến cho không ít người tay trắng, để trả giá cho sự ngây thơ khi tin vào những lời có cánh của các “chuyên gia hàng đầu”?
LS. Nhã nhấn mạnh, càng có nhiều người đăng ký tham gia, những chuyên gia càng ăn đậm và giàu lên nhanh chóng nhờ sự cả tin, ngây thơ của những người ôm mộng làm giàu cấp tốc chỉ sau một khóa học.
Kiến nghị xử lý hiện tượng đa cấp “đội lốt” đào tạo BĐS Trao đổi với PV báo ĐS&PL, một cán bộ có chức trách của vụ Pháp chế (bộ Xây dựng) thông tin, Thông tư số 11/2015/TT –BXD của bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 16/2/2016 quy định, người môi giới BĐS phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chính vì vậy, mọi hành vi môi giới BĐS khi chưa có chứng chỉ hành nghề, sẽ bị coi là bất hợp pháp. Theo vị này, hiện tượng nhiều chương trình đào tạo môi giới BĐS vận hành theo kiểu bán hàng đa cấp biến tướng, dùng các chiêu trò thu hút người tham gia và mua hàng là trái quy định. Ông sẽ kiến nghị các ngành chức năng xử lý vấn đề này. |