Từ món ăn dân dã ở các miền quê, giờ đây con ốc đinh lên đời thành đặc sản nổi tiếng, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân.
Ốc là món ăn dân dã ở các miền quê Việt Nam, thường sống ở ao hồ, sông suối, đầm lầy. Chúng có nhiều loại khác nhau, có những loại tên vô cùng lạ mà nhiều người chưa từng được nghe đến, ví dụ như con ốc đinh.
Ốc đinh còn có tên gọi khác là ốc hút, hình xoắn ốc, thon dài như ốc vít. Loài ốc này sống bám vào hốc đá, ăn rêu đá nên thịt ngọt, béo và sạch nên rất được ưa chuộng.
Ốc đinh thường bám vào hốc đá, ăn rêu đá
Theo tìm hiểu, khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm là thời điểm ốc đinh vào mùa. Thịt ốc có màu đen, hương vị thơm ngon cùng giá trị dinh dưỡng.
"Ngày trước ốc đinh có nhiều lắm, chỉ cần đi dọc những dòng suối có nhiều đá bám rêu, hất nhẹ đám rêu xanh trong hốc đá là tha hồ lượm ốc vào giỏ, mang về làm thức ăn. Tới mùa, lội mò dưới suối khoảng chừng hai tiếng đồng hồ, một người có thể mang về cả chục cân ốc đinh.
Từ ốc đinh có thể hấp sả hoặc um, nấu cháo, nấu canh... Mình nhớ nhất là ốc đinh nấu canh với mít non, đu đủ xanh và lá tía tô hay xào lên để ăn kèm với bánh tráng, bánh mì.
Để có nồi ốc ngon, ốc bắt về trước hết phải tẩy sạch chất nhờn, bùn đất bằng cách ngâm nước vo gạo trong nửa ngày. Sau khi ngâm, rửa sạch mớ ốc lần nữa, dùng dao chặt bỏ chóp nhọn (phần đuôi) từng con để khi dùng dễ lấy ruột ốc hơn. Ốc đinh xào không thể thiếu mùi vị của sả, ớt, lá chanh. Hiện nay, ốc đinh trong tự nhiên vẫn còn nhiều nhưng muốn mua được loại ngon, tức là ốc sống ở những dòng suối sạch mát thì phải về quê mới mua được", bạn Thanh (ở Quảng Ngãi) chia sẻ.
Trên thị trường, ốc đinh được rao bán với giá 100.000 đồng/kg lúc cao điểm, bình thường chúng có giá khoảng 60.000 đồng/kg.
Người bán giới thiệu, loại ốc này có nhiều ở các vùng biển miền Trung, chúng có hình dáng lạ, dài và nhọn như cái đinh vít. Thịt của chúng có màu đen, rất ngon và đậm đà. Vì lạ nên mấy năm gần đây, ốc đinh rất được ưa chuộng trên thị trường, nhiều người tìm mua về ăn thử. Tại các quán ốc hay quán hải sản, ốc đinh cũng được đưa vào thực đơn để đãi khách.
Vì mang lại giá trị kinh tế, hiện nay nhiều người đi bắt ốc đinh để bán cho nhà hàng và thương lái để gửi đi khắp các tỉnh thành. Đi dọc các kênh, rạch hay những vuông tôm bỏ trống ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), dễ dàng bắt gặp từng nhóm người trầm mình lội nước để cào ốc đinh.
Anh Giang (ở Mỹ Xuyên) chia sẻ: "Chúng tôi đi bắt ốc theo nhóm, từ 3 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu may mắn, mỗi ngày sẽ thu hoạch được vài chục kg ốc đinh. Sau khi trừ chi phí, mỗi người còn lời khoảng 300.000 - 500.000 đồng.
Nghề cào ốc đinh không khó nhưng vất vả, phải ngâm mình nhiều giờ liền trong nước lạnh. Tuy vất vả nhưng có nguồn thu nhập đều đặn mỗi ngày, nhất là những lao động tự do như tôi".
Theo anh Giang, đi ăn ốc đinh cũng có những rủi ro, có thể giẫm lên mảnh chai vỡ, mảnh sành,... khiến đứt chân tay là điều khó tránh khỏi. Phải những người có kinh nghiệm mới biết khu vực nào có nhiều ốc đinh và ốc béo, sạch. Dụng cụ hành nghề cào ốc cũng đơn giản bao gồm vợt cào tự chế, rổ, thau và bao đựng ốc là đủ. Họ chọn những con ốc có kích thước to để bắt, còn những con ốc nhỏ thì để chúng tiếp tục phát triển, bởi có bán giá cũng rất thấp.