Lễ cúng Tất Niên vào ngày 30 Tết là điều không thể thiếu trong các gia đình dịp cuối năm. Sau đây là bài cúng tất niên theo phong tục cổ truyền Việt Nam mà bạn có thể tham khảo để áp dụng trong ngày quan trọng này.
Ý nghĩa của việc cúng Tất Niên cuối năm
Ngày cuối cùng của năm luôn là một ngày có ý nghĩa quan trọng. Bởi đây là thời điểm đánh dấu chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Do vậy mà ý nghĩa của lễ cúng Tất Niên cuối năm lại càng trở nên to lớn hơn. Thông thường, lễ cúng Tất Niên sẽ diễn ra vào chiều ngày 30 Tết (nếu là tháng đủ) hoặc vào thời điểm trước ngày cuối cùng của năm.
Lễ cúng Tất Niên giống như một sự cảm tạ và biết ơn với Trời và Đất, cùng với đó là biết ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi, gặp nhiều may mắn trong suốt một năm vừa qua. Vào ngày này, chủ nhà thường mời bạn bè, người thân cùng dự tiệc nhằm tăng sự gắn bó, đoàn kết với nhau. Bữa cơm ngày cuối năm luôn vì vậy mà ngập tràn hạnh phúc và niềm vui.
Cúng Tất Niên cuối năm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng
Cúng Tất Niên nên thực hiện vào thời gian nào?
Thông thường, việc làm lễ và soạn văn khấn cúng Tất Niên sẽ được thực hiện vào buổi chiều ngày cuối cùng của năm (ngày 29 hoặc 30 âm lịch tùy theo tháng đó là tháng thiếu hay tháng đủ). Tuy nhiên bạn cũng có thể làm lễ cúng Tất Niên từ trước đó, tức là vào ngày 26, 27 hoặc 28 cũng sẽ không gây ảnh hưởng gì.
Do việc cúng Tất Niên không phải là nghi lễ bắt buộc chính thức, cho nên không phải gia đình nào cũng thực hiện điều này. Tuy nhiên khi thực hiện việc cúng Tất Niên, tốt nhất là tất cả thành viên trong gia đình nên có mặt, thành tâm khấn vái. Điều này thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Lễ cúng Tất Niên vào ngày 30 Tết gồm những gì?
Sau khi đã hoàn thành các công việc cần làm trước ngày 30 Tết như: dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại nội thất, vệ sinh lại bàn thờ,... thì công đoạn cuối cùng chính là sửa soạn lễ vật để cúng Tất Niên. Tùy theo từng phong tục địa phương, vùng miền đang sống cũng như hoàn cảnh gia đình mà lễ vật cúng có thể khác nhau, nhưng chủ yếu sẽ bao gồm những thứ sau đây:
- Vàng mã
- Hương hoa
- Trầu cau
- Trà, rượu
- Đèn, nến
- Bánh chưng
- Mâm ngũ quả
- Mâm cỗ chay thanh đạm hoặc mâm cỗ mặn với đầy đủ các món như: Canh măng (mọc), thịt gà luộc, nem (chả giò) rán, xôi, đồ xào, miến, giò,... tương tự như mâm cỗ cúng ông Táo về trời hôm 23 tháng Chạp.
Những món ăn nên có trong lễ cúng Tất Niên
Văn khấn, bài cúng Tất Niên trong nhà hoặc ngoài trời
Bạn có thể tham khảo bài văn khấn Tất Niên trong nhà hoặc ngoài trời sau đây theo gợi ý từ quyển sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” của NXB Văn hóa - Thông tin:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (tất cả 3 lần, cúi lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn Thần.
Con kính lạy ngài Kim Niên Đương Cai Thái Tuế chí đức Tôn Thần.
Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.
Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ Địa Tôn Thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài Thần, Bản gia Táo Quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ ....
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm ...
Tín chủ (chúng) con là: ...
Hiện đang ngụ tại:...
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, Năm kiệt tháng cùng, Xuân tiết gần kề, Minh niên sắp tới.
Hôm nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ Tất Niên, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật. Phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (tất cả 3 lần, cúi lạy)
Mâm cỗ cúng Tất Niên ở ngoài trời
Văn khấn, bài cúng Tất Niên ở công ty
Nhiều công ty, cơ quan có thói quen làm lễ cúng Tất Niên dịp cuối năm để cầu mong sang năm mới sẽ làm ăn phát đạt hơn năm cũ. Nếu như bạn là người chịu trách nhiệm cho việc làm lễ cúng ở công ty, hãy tham khảo bài cúng Tất Niên sau đây:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (tất cả 3 lần, cúi lạy)
Tín chủ (chúng) con tên là…
Hôm nay là ngày... tháng Chạp năm... Âm lịch
Tín chủ (chúng) con đại diện cho công ty…, ngụ tại địa chỉ:… xin được thành tâm sửa biện hương hoa, chuẩn bị lễ vật dâng lên trước án. Trải qua năm…. vừa qua, chúng con xin được dâng lễ tạ ơn trên đã phù hộ độ trì cho công việc làm ăn của công ty chúng con luôn được suôn sẻ, thuận lợi, làm ăn phát đạt, mọi sự bình an, may mắn. Một năm qua đi nếu như chúng con có gì thiếu sót, xin được các vị thần linh lượng thứ bỏ qua cho.
Nay con xin được đọc bài cúng Tất niên năm… để thành tâm kính lạy mời các ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn Thần, ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần, ngài tiền hậu Địa chủ Tài Thần, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân và các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Kính lạy các ngài nghe thấu tâm can, chứng giám lòng thành, đáp lễ lời mời, thụ hưởng lễ vật và phù hộ độ trì cho toàn công ty chúng con luôn được bình an, toàn gia an lạc, việc làm ăn trong năm mới luôn được suôn sẻ, hanh thông.
Chúng con lễ bạc lòng thành, trước xin kính lễ tạ ơn, sau cúi xin các vị Chư Thần luôn chứng giám, độ trị phù hộ cho toàn công ty chúng con một năm mới an lành, phát lộc.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (tất cả 3 lần, cúi lạy)
Mẫu sớ cúng Tất Niên vào ngày 30 Tết
Bên cạnh các bài văn khấn cúng Tất Niên thường dùng vào ngày cuối cùng của năm. Việc viết sớ cúng Tất Niên là điều mà nhiều gia đình vẫn thường làm giống như một nghi lễ truyền thống, nhằm bày tỏ mong ước của bản thân và gia đình đến các bậc bề trên, thần linh. Sớ cúng Tất Niên sẽ được hóa vàng cùng với vàng mã sau khi gia chủ đã hoàn thành việc làm lễ cúng.
Bạn có thể tham khảo mẫu sớ cúng Tất Niên sau đây để phục vụ cho lễ cúng vào ngày 30 Tết:
Phục dĩ
Thánh công tham tán tiệm hồi ngọc luật chi xuân thiên ý trùng hàn dục tống lạp mai chi tuyết tuế diệc mạc chỉ tế dĩ an chi
Viên hữu:…
Việt Nam quốc:…
Thượng phụng
Phật hiến cúng
…thiên tiến lễ
Tạ ân tất niên tập phúc nghênh tường cầu vạn an sự
Nhương chủ:…
Cao ngự phủ giám phàm tình ngôn niệm tuế nguyệt như lưu nãi thiên thì chi mặc vận thủy chung bất thất tư tự sự chi khổng minh
Cố quyên cát nhật vi hi đông vu bá chu thi thập nhi cát tính dĩ tế công xã thủy nguyệt lệnh chi văn cố
Tư đại lữ sao thanh tam bách lục tuần tương tận chị thử nhị dương ứng độ thất thập nhị hầu sơ chu thành khả thông
Thần liêu dĩ tốt tuế do thị kim nguyệt cát nhật kiền bị phỉ
Cụ hữu sớ văn mạo thân
Thượng tấu
Cung duy
Thập phương vô lượng thường trụ Tam bảo
Nam mô sa bà giáo chủ bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô tam thừa đẳng giác chư đại Bồ Tát chư hiền thánh tăng
Tam giới thiên chủ tứ phủ vạn linh công đồng đại đế
Cung vọng
Duệ gián tập hi kim luân thường chuyển tự chính nguyệt nhi kết nguyệt hồng đăng khai cát khánh chi hoa quá kim niên phục lai niên lục
Trúc báo bình an chi tự phúc lộc thường xuân chi cảnh phục dĩ nhi lai tai ương biến quái chí tường kim đương thỉnh giải
Đãn thần hạ tình vô nhân kích thiết bình doanh chi chí cẩn sớ
Thiên vận… niên… nguyệt… nhật thần khấu thủ bách bái thượng sớ
Văn khấn tất niên gia thần
Theo tục lệ xưa để lại, vào ngày Tất niên, ngoài việc cúng gia tiên, để lễ tạ gia tiên qua một năm đã phù hộ độ trì cho con cháu…thì các gia đình và các công ty, cửa hàng … thường làm lễ cúng Gia Thần để tạ chỗ “Đất đai” sau một năm làm ăn.
Dưới đây là bài văn khấn tất niên gia thần:
Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
Con kính lạy ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn Thần
Con kính lạy ngài tiền hậu Địa chủ Tài Thần
Con kính lạy các Tôn Thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là: …
Tuổi: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm…, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Qua một năm làm ăn, chúng con xin dâng lễ tạ ơn trên đã phù hộ độ trì cho chúng con mọi sự an lành và may mắn.
Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn Thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính Thần, các vị Tôn Thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con, toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!