Dưới đây là những điều cần biết đối với người có quyền bỏ phiếu về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là dịp để mỗi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Sau đây là những điều cần biết đối với cử tri (người có quyền bỏ phiếu - PV) về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tính đến ngày được công bố bầu cử tức ngày 23/05/2021 thì cử tri phải đủ 18 trở lên.
- Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
- Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri.
- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Chậm nhất ngày 04/3/2021
Công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
Công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
- Ngày 13/4/2021: Niêm yết danh sách cử tri.
- Chậm nhất là ngày 28/4/2021: Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
- Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- Chậm nhất là ngày 02/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.
- Chậm nhất là ngày 12/6/2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.
- Địa điểm: Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương, địa điểm bỏ phiếu có thể là: nhà văn hóa, hội trường, trường học,...
- Thời gian: Bắt đầu từ 7h - 19h tối cùng ngày. Ngoài ra việc bỏ phiếu có thể sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9h tối cùng ngày.
- Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữa họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
- Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch nhầm hoặc bị hư hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
- Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định.
- Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.
- Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp được quy định; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành án khác bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ…
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Sau khi cử tri bỏ phiếu bầu cử xong, thành viên Tổ bầu cử có trách nhiệm nhắc cử tri xuất trình lại Thẻ cử tri và đóng dấu “đã bỏ phiếu” lên mặt trước của Thẻ cử tri. Cử tri được giữ lại Thẻ cử tri; cử tri không được xuất trình Thẻ cử tri đã đóng dấu “đã bỏ phiếu” để yêu cầu tham gia bỏ phiếu.
- Trường hợp dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở địa phương trong thời gian gần đến ngày bầu cử: Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cho những cử tri bị ảnh hưởng do mắc bệnh hoặc do phải cách ly để họ nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
- Trường hợp xảy ra mưa lũ, thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến các phòng bỏ phiếu: Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến giúp những cử tri này nhận phiếu bầu cử và thực hiện việc bầu cử.
- Trong trường hợp các tình huống phát sinh trên đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.
- Cử tri đăng ký thường trú ở địa phương nhưng đi lao động, học tập ở địa phương khác dài ngày
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trường hợp cử tri đã đăng ký thường trú ở địa phương, nếu làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì được coi là không thường trú tại địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi công dân đăng ký thường trú không ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri. Trong trường hợp này, công dân có quyền đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đang tạm trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi tạm trú.
(Ví dụ: Chị A đã đăng ký thường trú tại xã B và làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương C thì được coi là không thường trú tại xã B. Lúc này, Uỷ ban nhân dân xã B sẽ không ghi tên chị A vào danh sách cử tri. Thay vào đó, chị A có quyền đăng kí để được ghi tên vào danh sách cử tri ở địa phương C và thực hiện quyền bầu cử tại đó).
Trường hợp cử tri trở về nơi thường trú trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú để đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
(Ví dụ: Chị A về nơi thường trú B trong khoảng thời gian sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 1 ngày thì chị có thể đến Uỷ ban xã B đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri...).
Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú ở địa phương nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì dù trên thực tế đã vắng mặt dài ngày ở nơi thường trú, Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn phải ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri để họ thực hiện quyền bầu cử ở địa phương, trừ trường hợp bản thân cử tri hoặc người thân của cử tri đó đã ra thông báo nguyện vọng của cử tri về việc không tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp xã cần có biện pháp thông tin phù hợp để cử tri biết về việc danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử của mình.
(Ví dụ: Chị A đã đăng kí thường trú ở xã B nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương C thì xã B vẫn phải ghi tên chị vào danh sách cử tri, trừ trường hợp chị A hoặc người thân của chị đã ra thông báo có nguyện vọng về việc không tham gia bỏ phiếu ở xã B. Lúc này, xã B cần có biện pháp...".
- Cử tri là người di cư ngoài kế hoạch, chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú
Về nguyên tắc, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Trên thực tế, ở một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có một số lượng khá lớn người di cư ngoài kế hoạch sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương do nhiều lý do khác nhau (chưa có chỗ ở hợp pháp, chưa hoàn thành thủ tục hành chính hoặc không thực hiện việc đăng ký do không hiểu luật…).
Do đó, để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri là người di cư ngoài kế hoạch, đồng thời tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia từ cuộc bầu cử năm 2016, Ủy ban nhân dân cấp xã cần thông tin cho cử tri trên địa bàn biết về cách thức thực hiện quyền bầu cử và việc lập danh sách cử tri để cử tri quyết định nơi mình đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể là trở về nơi họ đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
Trường hợp cử tri vẫn có nguyện vọng được thực hiện việc bầu cử tại địa phương nơi họ đang đang thực tế sinh sống thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên những cử tri này vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng với nơi họ đang thực tế sinh sống và thực hiện quyền bầu cử như đối với cử tri là người tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng (do không có cơ sở để xác định thời gian bắt đầu cư trú tại địa phương).
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức để cử tri là người di cư ngoài kế hoạch chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của địa phương được xác định trên cơ sở các thôn, bản, cụm dân cư hiện có trên địa bàn.
- Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày danh sách cử tri được niêm yết cho đến ngày bỏ phiếu
Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri (đi công tác, đi học, du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thăm thân…) thì có thể xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.
Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác.”
Trường hợp người đã được ghi tên vào danh sách cử tri ở 1 khu vực bỏ phiếu nhưng gần đến ngày bầu cử được chuyển đi cách ly y tế tập trung ở địa phương khác cho đến hết ngày bầu cử theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và không thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để đi bỏ phiếu ở nơi khác như đã nêu ở trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động cấp giấy chứng nhận và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để đề nghị bổ sung người này vào danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri mới nhằm giúp họ thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân nơi đã lập danh sách cử tri ban đầu có trách nhiệm cập nhật vào danh sách cử tri cùng dòng với họ và tên của người bị đưa đi cách ly tập trung nội dung ghi chú “bỏ phiếu ở nơi khác do cách ly y tế".