Các cuộc thăm dò trước bầu cử đều tin vào một chiến thắng áp đảo đối với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Trên thực tế, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay khởi đầu suôn sẻ khi ông Joe Biden giành chiến thắng ở thị trấn Dixville Notch, bang New Hampshire. 5 phiếu bầu ở thị trấn này giúp ông Biden “đặt bước trên con đường chiến thắng” với tỉ lệ 100%.
Nhưng cuộc bầu cử trên toàn nước Mỹ không giống như ở thị trấn Dixville Notch. Cuộc thăm dò toàn quốc do FiveThirtyEight thực hiện cho thấy ông Biden có cơ hội lớn đắc cử với 8,4 điểm phần trăm hơn ông Trump, ở thời điểm công bố thăm dò ngày 1.11.
Ông Biden đã không tạo được "làn sóng xanh" để giành chiến thắng sớm trước ông Trump.
Trên thực tế, Florida là bang đầu tiên “dội gáo nước lạnh” vào ông Biden, khiến ứng viên đảng Dân chủ mất cơ hội giành chiến thắng sớm. Theo thăm dò của FiveThirtyEight, ông Biden lẽ ra đã phải giành chiến thắng dễ dàng ở bang Florida. Nhưng vì sao các cuộc thăm dò lại cho kết quả khác biệt với thực tế đến vậy?
Đó là vì vẫn còn những yếu tố khác tác động đến câu trả lời của những người tham gia khảo sát. Ở một nước Mỹ mà những người ủng hộ ông Trump thường bị gọi là người "phân biệt chủng tộc", không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ thích giữ khuynh hướng chính trị cho riêng mình, không trả lời đúng theo những gì mình nghĩ.
Còn một lý do khác khiến những cuộc khảo sát qua điện thoại luôn thiếu chính xác, đó là vì ở thời đại này, không ai có hứng thú nghe điện thoại từ một đầu số lạ và lại càng ít những người muốn trò chuyện với người đặt câu hỏi khảo sát.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỉ lệ người Mỹ nhấc điện thoại trả lời khảo sát đã giảm từ 36% cách đây 2 thập kỷ xuống còn 6% như hiện nay. Pew đã cố gắng liên lạc với một số điện thoại tới 7 lần và chỉ thu về tỉ lệ người bắt máy là 6%, còn đối với các cuộc thăm dò thương mại, có lẽ không ai có thời gian rảnh đến vậy.
Không một công ty tổ chức khảo sát nào dám công bố tỉ lệ người tham gia thăm dò nghe điện thoại. Bởi tỉ lệ này thực tế có thể chỉ còn 3%. Tỉ lệ thấp như vậy sẽ không thể phản ánh chính xác lập trường của cử tri về việc bầu cho ứng viên đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát trực tiếp được thực hiện vào Ngày bầu cử, ngay sau khi cử tri đi bỏ phiếu có thể cung cấp một góc nhìn chính xác hơn.
Nhưng trong cuộc bầu cử năm nay, hơn 100 triệu phiếu bầu được gửi từ xa, nghĩa là các cuộc thăm dò trước bầu cử năm nay đã hoàn toàn sai lệch. Có thể nói, trong tương lai, sự sai lệch này sẽ chỉ càng lớn so với thực tế và không còn giá trị tham khảo.
Bài viết thể hiện quan điểm của Salvatore Babones, nhà xã hội học chính trị người Mỹ và là phó giáo sư Đại học Sydney, đăng tải trên trang smh.com.au.