Những quan niệm về “cái chết toàn thây”, hay người dân chưa hiểu thế nào là chết não... đó chính là những “rào cản” lớn khiến việc vận động hiến tạng gặp nhiều khó khăn.
Trong nhiều năm nay, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến mô, tạng khi không may bị chết não hoặc bị chết luôn được ngành y tế cũng như nhiều cơ quan, đoàn thể khác quan tâm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là số lượng người tham gia đăng ký hiến mô, tạng vẫn còn rất hạn chế. Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Mọi tôn giáo đều khuyến khích việc hiến tạng
Một vấn đề mà nhiều người dân vẫn đang quan niệm đó là: “chết phải toàn thây”, đây chính là rào cản lớn nhất trong việc hiến mô, tạng hiện nay. Tuy nhiên, đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, bởi trong giáo lý của các tôn giáo không có một điều nào nói về “chết phải toàn thây”.
Điều này được chính PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích rất cặn kẽ. Theo đó, Bộ trưởng Y tế cho biết, qua tìm hiểu Công giáo, Phật giáo không thấy nói đến việc khuyên con người không nên hiến tạng giúp người vì tôn giáo nào cũng khuyên người dân làm việc phúc đức, cứu người, làm việc thiện.
Mọi tôn giáo đều ủng hộ việc hiến tạng cứu người.
“Tôi có hỏi Thượng toạ Thích Thanh Quyết về việc này và thầy cho biết là nhà Phật rất ủng hộ, thậm chí có một bộ kinh có khuyên răn càng làm thiện nguyện càng nhanh được siêu thoát chứ không phải không toàn thây là không được siêu thoát. Cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa mà”- Bộ trưởng Kim Tiến nói.
Chia sẻ về vấn đề này, linh mục Nguyễn Hồng Phúc (giáo phận Phát Diệm, Ninh Bình) cho rằng, quan niệm về chết toàn thây chỉ là quan niệm của dân gian và thiếu bằng chứng để chứng minh.
“Công giáo luôn khẳng định sự sống là vốn quý nhất và sự sống đó có thể sẻ chia, bởi lẽ khi một người đã ra đi, có thể để lại một phần cơ thể của mình để cứu người khác thì đó là nghĩa cử bác ái, điều đó thực sự sâu sắc.Hiện nay, với những thành tựu khoa học và chỉ cần những người dân hiểu và cho, thì phong trào hiến mô tạng sẽ như ngọn lửa, nếu càng cho nhiều thì sẽ càng bùng cháy”, linh mục Nguyễn Hồng Phúc nói.
Còn đối với quan niệm của nhà phật, hòa thượng Thích Gia Quang (Ủy viên thư ký Hội đồng trị sự - Giáo hội phật giáo Việt Nam nhấn mạnh) nhấn mạnh, Phật giáo luôn khuyến khích và ủng hộ việc hiến mô, tạng để cứu những người khác bởi đó là hành động từ bi, đáng được đề cao. Điều này không làm ảnh hưởng gì đến đời sống sau này.
Chết não là chắc chắn chết
Ngoài vấn đề về mặt tâm linh, các nhà khoa học cho rằng một trong số những rào cản hiện nay đó chính là việc người dân chưa hiểu thế nào là chết não? Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn GS.TS Trịnh Hồng Sơn – GĐ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đồng thời là Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã có những phân tích sâu về vấn đề này.
Theo GS Sơn, hiện nay các điều kiện về nhân lực nhân lực và khoa học kỹ thuật nước ta đều đã có đầy đủ để tiến hành ghép tạng, tuy nhiên cái thiếu nhất hiện nay đó là nguồn tạng từ người cho.
GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định: "Người chết não chắc chắn là chết, không thể sống được nữa".
“Người cho ở đây là ai, đó chính là người dân. Nhưng chưa vội bàn đến hành động cho mà trước hết chúng ta cần phải làm sao để người dân hiểu thế nào là chết não.Tôi phải khẳng định, chết não chắc chắn là chết, không thể sống được nữa”, GS Sơn nói.
Khi nói về việc chẩn đoán một người chết não, GS Sơn khẳng định: “Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, mọi thứ có thể sai sót được, nhưng chưa có nơi nào công bố là chẩn đoán sai chết não. Chết não, đó là hôn mê sâu không tiếp xúc được thế giới bên ngoài, không biết nghĩ và cử động được, không thở được và phản xạ mất hết. Hiện nay, với trình độ ngày càng được nâng cao, tại các bệnh viện tuyến tỉnh đều có thể chẩn đoán được chết não”.
“Hàng ngày, tại Việt Đức luôn có những bệnh nhân bị chết não, nhưng không ai cho tạng cả, chúng tôi rất buồn về điều này. Bởi, hàng ngày hàng giờ, bệnh nhân chết não vẫn cứ chết, và những người bệnh chờ được ghép tạng thì vẫn cứ chết không có nguồn tạng.
Theo tôi, cái chính là mọi người chưa hiểu về chết não, còn khi mọi người đã hiểu rồi thì tôi hy vọng sẽ có nhiều người sẽ hiến mô tạng, để từ đó có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống”, GS Sơn bày tỏ mong muốn.