Việt Nam đón nguyệt thực toàn phần ngày 8/10

Ngày 03/10/2014 17:00 PM (GMT+7)

Chiều tối ngày 8/10, khi mặt trăng mọc dần lên ở chân trời đông, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 trong năm (lần đầu ngày 15/4 không quan sát được).

Bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn mặt trăng trong khoảng thời gian 58 phút 50s, từ  17h25 tới 18h24 ngày 8/10. Thời điểm cực đại của nguyệt thực toàn phần diễn ra vào khoảng 17h54 (giờ VN). Trừ Châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực lần này (toàn phần hay một phần).

Các nước ở khu vực châu Mỹ và Úc và khu vực Đông Á sẽ có điều kiện quan sát thuận lợi nhất sự kiện lần này. Riêng Việt Nam khó có thể quan sát được pha toàn phần, bởi thời tiết và vị trí mặt trăng so với chân trời đông.

Việt Nam đón nguyệt thực toàn phần ngày 8/10 - 1

Ảnh nguyệt thực toàn phần chụp vào ngày 16/6/2011 tại Việt Nam (HAAC).

Anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM cho biết, tại Việt Nam, theo tính toán của NASA: nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 15h15 khi mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất, nhưng nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm mà chúng ta nên bắt đầu quan sát là 16h14, mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần, màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.

Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 17h25 và toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 17h54 cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ, đẹp nhất. Do có màu đỏ mà người ta hay gán tên gọi “trăng máu” cho hiện tượng này.

Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 18h24. Sau đó mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 19h34 và kết thúc nguyệt thực một phần.

Đây là nguyệt thực lần thứ hai trong năm, tiếp sau nguyệt thực lần đầu ngày 14-15/4. Lưu ý, nguyệt thực chỉ đáng chú ý từ khi pha một phần bắt đầu, bởi khi diễn ra nguyệt thực nửa tối, mặt trăng chỉ tối hơn một chút so với trăng tròn thông thường, và hầu như không có gì khác biệt. Cũng qua quan sát bóng của trái đất phủ lên bề mặt mặt trăng mà chúng ta biết trái đất có dạng hình cầu.             

Khi quan sát nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt Trăng.

Nguyệt thực là gì?

Trái đất được mặt trời chiếu sáng đồng thời cũng cản các tia sáng từ mặt trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Mặt trăng chuyển động tròn quanh trái đất nên có thể sẽ “đi” vào vùng tối này. Lúc này mặt trăng không còn được mặt trời chiếu sáng trực tiếp, do đó trăng không sáng như bình thường.

Vùng tối tạo ra bởi mặt trăng chia làm 2 vùng, vùng nửa tối (penumbra) và vùng tối (umbra). Nếu mặt trăng trong quỹ đạo quanh trái đất của nó đi vào vùng nửa tối thì nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra, nếu mặt trăng đi vào vùng bóng tối thì sẽ có nguyệt thực toàn phần hay một phần diễn ra.

Do mặt phẳng quỹ đạo quanh mặt trời của trái đất và mặt phẳng quỹ đạo quanh trái đất của mặt trăng nghiêng một góc hơn 5 độ nên hiện tượng nguyệt thực diễn ra không thường xuyên. Nếu 2 mặt phẳng này trùng nhau, chúng ta sẽ có nhật và nguyệt thực mỗi tháng.

Tại sao khi diễn ra nguyệt thực toàn phần mặt trăng lại có màu đỏ?

Bóng tối của trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn mặt trăng trong khoảng thời gian 58ph50s, và lấy đi cái màu vàng thường lệ của mặt trăng thay vào đó là màu đỏ đen hoặc đỏ đồng tùy theo điều kiện thời tiết.

Việt Nam đón nguyệt thực toàn phần ngày 8/10 - 2

Điều đó khiến cho nguyệt thực mang sắc thái rất huyền bí ở một số nền văn hóa. Theo dân gian Việt Nam ngày xưa, nguyệt thực còn gọi là hiện tượng “gấu ăn trăng”, mặt trăng đang bị một con gấu khổng lồ đang nuốt mất. Mọi người phải khua chiêng đánh trống làm huyên náo để đuổi con gấu đi trả lại ánh trăng sáng của đêm rằm.

Ngày nay chúng ta đều biết nguyệt thực là chỉ là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt, và có thể tính toán từ trước dựa theo chu kì chuyển động của trái đất và mặt trăng.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan