Việt Nam không nhập măng cụt Trung Quốc

Ngày 13/07/2013 11:29 AM (GMT+7)

Măng cụt hiện bán tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều là măng cụt của Việt Nam, không phải là măng cụt Trung Quốc.

Gần đây có thông tin măng cụt hiện bán tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành tại miền Bắc là măng cụt được nhập về từ Trung Quốc rồi thương lái gắn mác là măng cụt Việt Nam cho dễ bán.

Thông tin này có trong thời điểm hiện tại giá măng cụt đang khá rẻ, chỉ từ 20.000 đồng/kg khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn lo lắng và cảnh giác trước loại hoa quả rất ngon này.

Của rẻ là của Trung Quốc?

Đang là cuối vụ măng cụt, giá loại trái  cây này vì thế cũng rẻ hơn nhiều so với đầu vụ. Hiện mỗi kg măng cụt loại bình thường bán tại Hà Nội chỉ có giá 20.000 đồng, loại ngon, quả to khoảng 30.000 đồng/kg.

So với giá bán đầu vụ khoảng 40.000 đồng/kg – 60.000 đồng/kg và giữa vụ khoảng 30.000 đồng/kg – 40.000 đồng/kg thì hiện giá đang rẻ hơn rất nhiều.

Chính vì giá rẻ cộng với thông tin lâu nay có rất nhiều loại trái cây Trung Quốc được thương lái nhập về rồi thay đổi bao bì, nhãn mác, trà trộn, gắn mác hàng Việt khiến cho măng cụt cũng mới bị cho vào diện nghi vấn là hàng Trung Quốc.

Nhiều người truyền tai nhau, măng cụt Trung Quốc được chuyển về chợ Long Biên rồi các thương lái thuê người gỡ bỏ thùng, hộp có chữ Trung Quốc, cho vào các thùng giấy có chữ Việt Nam để khẳng định là măng cụt Việt Nam. Thông tin bán tín bán nghi khiến nhiều chị em lo lắng.

Chị Hoàng Minh Ngọc, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: “Trước tới giờ tôi cứ nghĩ măng cụt là loại quả trồng tại các tỉnh miền Nam chuyển ra nên rất yên tâm khi mua về ăn. Dạo này tôi lại nghe có tin là cũng có hàng của Trung Quốc chuyển về giả danh nên mới có giá rẻ thế nên tôi cũng đang thắc mắc không biết có phải không?”

Măng cụt là một loại quả giàu chất dinh dưỡng và có nhiều tác dụng kỳ diệu đối với sức khỏe với nhiều tác dụng như: giúp chống lão hóa; tinh thần hưng phấn; hỗ trợ, phòng ngừa ung thư; giảm cholesterol; hạ huyết áp…

Ngoài ra, loại quả này còn rất tốt với những chị em phụ nữ mang bầu vì có thể ngăn ngừa tình trạng nóng trong và cải thiện khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Biết được điều này nên ngay từ những tháng bầu đầu tiên, chị Mai Anh, trú tại Đống Đa, Hà Nội đã ăn nhiều măng cụt để giảm nóng. Tuy nhiên, thông tin có măng cụt Trung Quốc xuất hiện đã khiến chị Mai Anh tỏ ra lo lắng vì từ trước đến nay, tần suất phát hiện các loại quả Trung Quốc không đảm bảo an toàn thực phẩm khá dày đặc.

Trước lo lắng và thắc mắc của người tiêu dùng chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT về vấn đề này.

Việt Nam không nhập măng cụt Trung Quốc - 1

Măng cụt được trồng ở các tỉnh miền Nam, nhiều nhất là vùng Đông và Tây Nam Bộ

Việt Nam không nhập măng cụt Trung Quốc

Đây là khẳng định của ông Hồng sau khi đã kiểm tra thông tin từ tất cả các cửa khẩu chính ngạch mà Việt Nam hay nhập hoa quả của Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai…

“Tôi khẳng định Việt Nam không nhập măng cụt từ Trung Quốc mà chỉ có Trung Quốc nhập măng cụt của Việt Nam”, ông Hồng nói. Theo phân tích của ông Hồng, gần như 100% các lô hàng rau quả từ Trung Quốc về Việt Nam đều là chính ngạch bởi thuế tính bằng 0%. Do đó, thương lái không có động lực nhập lậu nên tất cả măng cụt nếu từ Trung Quốc vào Việt Nam đều phải qua con đường chính ngạch. Qua kiểm tra, tất cả các cửa khẩu đều không nhập mặt hàng này.

Ngoài ra, có thể có măng cụt từ một số nước Đông Nam Á vào Việt Nam như từ Thái Lan, nhập trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.

Hình thức trái măng cụt Thái kém so với măng cụt Việt Nam, vỏ trái thường xì mủ vàng, màu vỏ xỉn và giảm độ bóng vì thời gian vận chuyển dài hơn.

Mẹo chọn măng cụt ngon

Để chọn măng cụt ngon, chị em nên chọn quả nhỏ hoặc trung bình. Loại này sẽ đặc ruột hơn, có nhiều múi, hạt nhỏ, vỏ mỏng hơn loại quả to. Theo những người trồng măng cụt, khi vỏ trái măng cụt có màu cẩm thạch và vài chấm màu tím là đã có thể thu hái, chậm nhất là khi nửa diện tích vỏ trái có màu tím hoa cà. Nếu vỏ trái măng cụt đã lên màu đen mới hái xuống thì ruột trái đã mềm, thịt trái hết giòn. Do đó, quan sát vỏ dựa vào những đặc điểm trên. Thông thường, quả có vỏ rám nâu cũng ngon hơn loại nâu đỏ.

Quan trọng nhất là khi mua nên nắn nhẹ từng quả một, nếu thấy mềm đều, không chỗ mềm chỗ cứng là được, tai vỏ màu xanh cũng cho thấy là quả măng cụt tươi, chưa để lâu.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan