Vụ tai nạn thương tâm không chỉ cướp đi sinh mạng của 3 anh em ruột mà khiến cho những đứa trẻ thơ không biết nương tựa vào đâu nếu không có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ…
“Cứ nghĩ đến 3 đứa con tôi lại khóc”
Chúng tôi trở lại gia đình bà Tăng Thị Mơ (SN1961, ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) sau gần một tuần xảy ra sự việc thương tâm khiến 3 người con trai Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) tử vong tại chỗ do ngạt khí hầm biogas. Có lẽ, từ trước đến nay, tại vùng quê nghèo khốn khó này thì đây là sự việc lớn nhất làm rúng động làng quê.
Hướng ánh mắt đau buồn về di ảnh của 3 anh em, chị Lê Thị Kim Ngân (SN 1985, vợ nạn nhân Tăng Văn Đươm) vẫn không thể nào tin được vì sao tai họa lại dồn xuống gia đình mình. Chị Ngân nghẹn ngào: “Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, không đêm nào tôi ngủ được, cứ nhắm mắt lại thì hình ảnh của chồng và anh, em chồng lại hiện về. Nhiều đêm trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe thấy tiếng chồng cầu cứu nhưng khi tỉnh giấc thì không phải vậy. Cứ nghĩ đến 3 anh em tử nạn là tôi lại khóc”.
Không biết tương lai ba cháu nhỏ này sẽ ra sao... Ảnh: Đức Tùy
Nằm bên giường bệnh, bà Mơ kể về sự bất hạnh của gia đình mình. Trong câu chuyện đẫm nước mắt ấy, bà nói về hai nàng dâu chê cảnh nghèo đã bỏ đi biệt xứ. Trong thâm tâm bà không mong muốn gia cảnh nhà mình nghèo khó để mọi người xót thương, để khi con dâu trưởng và dâu út dứt áo ra đi không lời từ biệt, bỏ lại 3 cháu nội nhỏ tuổi bơ vơ. “Ngày 3 con trai tôi mất, tôi có điện cho vợ Đượm và vợ Đới. Họ có biết chuyện nhưng không về. Tôi không biết họ nghĩ như thế nào nữa. Nếu gia cảnh tôi nghèo khó, hai con dâu tôi có thể chê và bỏ đi, nhưng ngày mất của chồng mà không về thì có lẽ đã hết tình nghĩa. Tôi chỉ sợ sau này các cháu tôi lớn lên không nhận mặt mẹ thì khổ”, bà Mơ tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bống (người nhà nạn nhân) cho hay, trước khi các cháu dâu về sinh sống trong gia đình bà Mơ, họ tộc đã nói rõ về hoàn cảnh, cho nên nếu các cháu đồng ý đến với nhau thì chịu khó bảo ban làm ăn, một vài năm có điều kiện thì sửa lại căn nhà cho chắc chắn. Tuy nhiên, khi sinh con xong được vài tháng, các cháu dâu đã lần lượt bỏ nhà đi. Thương con, thương cháu, bà Mơ đã thay mẹ các cháu chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ông Tăng Văn Đột - Trưởng thôn Đồng Bào (xã Gia Xuyên) cho biết: “Từ trước đến nay, hoàn cảnh và số phận bất hạnh của các con bà Mơ thì ai cũng biết. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã làm mọi thứ để có thể giúp đỡ gia đình và các cháu. Tuy nhiên, nếu lúc này các cấp, các ngành không có hướng hỗ trợ, tôi e rằng tương lai của các cháu không biết sẽ đi về đâu”.
Cả thôn lập hòm từ thiện cứu giúp
Trở lại câu chuyện của 3 anh em ruột tử vong dưới hầm biogas, sau khi nhận được tin dữ, mọi người trong thôn ngoài xóm đều đau đớn xót xa. Ngày làm lễ nhập quan cho các nạn nhân, người nhà không tìm được bộ quần áo lành lặn nào để thay và không có nổi ít gạo nấu cơm cúng cho 3 anh em. Anh Tăng Văn Trường (người dân địa phương) cho hay, hoàn cảnh gia đình bà Mơ vô cùng khó khăn nên lúc biết tin các con của bà tử nạn, ai trong địa phương cũng mong muốn được giúp đỡ nhưng chưa biết giúp bằng cách nào. “Khi biết được ý định của mọi người, tôi cùng với 4 anh em trong khu chợ lập chiếc hòm và đứng ra xin tiền ủng hộ. Nếu có xe nào, người nào đi qua - dù là khách thập phương - chúng tôi đều trình bày hoàn cảnh lý do và mục đích xin số tiền này. Lúc đầu có một số người không hiểu nghĩ việc làm của chúng tôi kỳ lạ, nhưng khi hiểu vấn đề ai cũng cảm thông và ủng hộ”, anh Trường nói.
Theo lời kể của anh Trường, nhóm 4 người của anh chỉ đứng ra xin hỗ trợ từ 9h sáng đến 20h tối ngày 10/5. Còn đến hôm sau, khi biết việc làm tình người này, chính quyền xã đã giao cho các ngành đoàn thể đứng ra giúp đỡ quyên góp ủng hộ gia đình nạn nhân. Anh Trường cho biết: “Đến 20h tối 11/5, hòm từ thiện của khu chợ thu được trên 52 triệu đồng và bàn giao cho gia đình để lo hậu sự. Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ xin tiền mua áo quan cho 3 anh em, nhưng càng về sau ai cũng đến ủng hộ”.
Chị Nguyễn Hồng Anh (ở thị trấn Gia Lộc) chia sẻ: “Chúng tôi là những người không có quan hệ họ hàng, nhưng khi biết hoàn cảnh gia đình bà Mơ như vậy, tôi đã vận động hàng xóm, khu phố mỗi người một ít để xuống hỏi thăm, chia buồn và động viên. Bởi lẽ, trong mỗi gia đình và bản thân chúng ta có lúc này lúc khác, trước hoàn cảnh tang thương như vậy thì việc ủng hộ rất nên làm. Đó là tình người cùng chung một nguồn cội”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Hồ Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên cho biết: “Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn và một số người dân tự lập hòm từ thiện để quyên tiền lo tang lễ cho các nạn nhân, chính quyền địa phương đã họp và giao cho ngành đoàn thể giúp đỡ, quyên góp vận động ủng hộ gia đình. Trong việc quyên góp này, địa phương để mọi người tự nguyên và tuỳ tâm. Tôi cho rằng, việc giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn là nên làm và cần nhân rộng”.
Trước hoàn cảnh thương tâm và vụ tai nạn đau xót, UBND tỉnh, Ban cứu trợ tỉnh Hải Dương, huyện Gia Lộc, UBND xã Gia Xuyên đã nhanh chóng trích tiền hỗ trợ và tiền mai táng phí cho các nạn nhân. Sau đó, thôn Đồng Bào và xã Gia Xuyên phát động vận động ủng hộ 3 anh em tử vong trong quần chúng nhân dân. Thậm chí, có nhiều người làm công nhân, lao động khác nhau không có quan hệ họ hàng cũng đến sẻ chia.
Chị Lê Thị Kim Ngân (vợ nạn nhân Tăng Văn Đươm) nghẹn ngào: “Thay mặt gia đình, tôi không biết nói gì trước những việc làm cứu giúp gia đình của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và cá nhân. Trong thâm tâm tôi và gia đình không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng tôi cũng không biết nương nhờ vào ai khi hoàn cảnh éo le và 3 cháu nhỏ”. |