Theo luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm, nếu các phòng hát trong vụ cháy ở Bình Dương lắp chốt trong là vi phạm các quy định của pháp luật. Chủ quán hát và các cơ quan quản lý ở địa phương phải chịu trách nhiệm.
Một số cơ quan báo chí trích lời của lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương tại cuộc họp báo ngày 8/9 cho hay, hầu hết phòng hát trong vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương chốt cửa bên trong; “khi cảnh sát tiếp cận, hầu hết phòng đều chốt cửa”…
Lực lượng phòng cháy đục tường để đưa các nạn nhân ra ngoài
Trước thông tin này, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết, theo quy định tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke yêu cầu: "Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ)".
Như vậy, theo quy định thì quán karaoke không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát. Cho nên, phòng hát karaoke không được chốt cửa trong phòng.
Đối chiếu quy định trên vào vụ cháy ở Bình Dương, luật sư Phất cho rằng, có nhiều khả năng xảy ra. Thứ nhất, thông tin các phòng hát karaoke có chốt cửa là sai; có thể nạn nhân chốt cửa ở phòng khác như phòng vệ sinh, phòng chứa đồ; hoặc cũng có thể họ chèn vật dụng vào cửa để ngăn khói chứ không có chốt cửa.
Luật sư Phạm Văn Phất
“Thứ hai, nếu đúng là phòng hát karaoke có chốt cửa như thông tin một số báo đưa, thì đây là vi phạm nghiêm trọng, gián tiếp gây ra hậu quả của vụ cháy. Trách nhiệm lúc này trước hết thuộc về chủ cơ sở hát karaoke vì đã lắp khóa. Cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý điều kiện phòng cháy chữa cháy, điều kiện kinh doanh karaoke như ngành công an, văn hóa thể thao… vì đã không phát hiện và xử lý việc này”- luật sư Phất nói.
Luật sư Phất đề nghị, khi khám nghiệm hiện trường, các cơ quan điều tra, các nhân chứng, chính quyền địa phương được tham gia khám nghiệm hiện trường cần để ý đến vấn đề này vì đây cũng là một trong những tình tiết quan trọng của vụ án.