“Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ động cơ của anh Thái trong vụ việc này. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu anh Thái phải có lời xin lỗi công khai”, chủ đại lý gạo đề nghị.
Tại buổi họp báo thường kỳ vào chiều 5.4, Ban giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNN) TP.HCM, chủ đại lý gạo trong vụ việc “cơm đổi màu”, đại diện UBND huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan đã trao đổi xung quanh vụ việc gây hoang mang dư luận thời gian qua.
Số cơm đã nấu chuyển thành mang đỏ sau khi để qua đêm tại nhà ông Thái
Đại diện Chi cục Bảo vệ Thực vật (Sở NN & PTNN TP.HCM) cho biết, chi cục đã cùng các cơ quan chức năng ghi nhận, báo cáo tới sở, đồng thời báo cáo nhanh cho UBND thành phố ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, lúc đó chưa có kết quả phân tích. Tới sáng 5.4, chi cục đã nhận được 5 kết quả về 5 mẫu gạo trong vụ việc (lấy từ gia đình ông Thái và đại lý gạo) mà không phát hiện các hóa chất lạ.
“Chi cục đã nấu thử gạo do ông Thái cung cấp và để trong 2 ngày, không xảy ra điều gì bất thường. Chi cục cũng đã lấy gạo từ đại lý gạo về nấu và không xảy ra bất thường”, đại diện Chi cục Bảo vệ Thực vật khẳng định.
Chủ đại lý gạo yêu cầu lời xin lỗi từ ông Thái
Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cũng tham gia buổi họp báo, cho biết: “Đây là một sự việc bất thường. Chúng tôi đã đến ghi nhận và ông Thái có khai là cơm bị đổi màu sau 1 đêm. Ông Thái mua 5kg, đã ăn 4kg và còn 1kg gửi cho các cơ quan chức năng. Trong khi đó, các hộ dân khác không có phản ánh gì”.
“Ngay sau vụ việc, địa phương đã thông báo tới người dân là yên tâm, đợi cơ quan chức năng có kết luận. Hôm nay (5.4 - PV), Sở NN & PTNN TP.HCM đã khẳng định không có hóa chất lạ thì tôi sẽ báo lại cho bà con trên địa bàn. Chúng tôi cũng đã tổ chức kiểm tra sức khỏe cho ông Thái”, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh nói.
Trong khi đó, chủ đại lý gạo chia sẻ, sau khi thông tin về vụ việc được lan truyền, những người đi ngang cửa hàng của ông thường tỏ ra nghi vấn “Cửa hàng này có bán gạo chứa hóa chất hay không?”.
“Tôi thấy rất bất ngờ khi nghe thông tin về vụ việc này. Cửa hàng đã bán cho nhiều người và gia đình tôi cũng ăn loại gạo này, đâu thấy ai phản ánh gì, duy chỉ có 5kg gạo của anh Thái là có sự bất thường. Thời gian vừa qua, bản thân tôi thấy rất phiền phức, mang tai tiếng, doanh số bán cũng tụt giảm. Bạn bè ở nước ngoài cũng hỏi về”, chủ đại lý gạo bức xúc.
“Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ động cơ của anh Thái trong vụ việc này. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu anh Thái phải có lời xin lỗi công khai”, chủ đại lý gạo đề nghị.
Trước thắc mắc về nguyên nhân khiến cơm bị chuyển màu đỏ, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở NN & PTNN cho biết: “Chúng tôi đã lấy mẫu gạo nấu và theo dõi trong suốt nhiều ngày mà không phát hiện hiện tượng bất thường. Về chuyên môn, chúng tôi khẳng định mẫu gạo này không có gì bất thường, nhưng liệu cơm có tác động gì từ bên ngoài hay không thì các cơ quan chức năng đang làm rõ”.
3 tháng đầu năm, xử phạt gần 2 tỉ đồng
Theo báo cáo của Sở NN & PTNN TP.HCM, từ đầu năm đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở NN & PTNN đã xử phạt 656 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt gần 2 tỉ đồng.
Cơm sau 2 đêm nấu từ loại gạo trong vụ việc, do Sở NN & PTNN thực hiện.
Cụ thể, trong 166 mẫu rau, củ, quả, có 3 mẫu có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Chi cục Bảo vệ Thực vật đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 2 vựa kinh doanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với số tiền 370.000 đồng và thu phí kiểm nghiệm 4 triệu đồng.
Riêng tại các cơ sở giết mổ, đã phát hiện 117/970 mẫu (37 lô heo) dương tính với chất cấm nhóm beta-agonist. Kết quả, Chi cục Thú y đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp tại 6 cơ sở giết mổ (Xuyên Á, Tân Thạnh Đông, Phước Kiến, Bình Thân, 213 Bến Bình Đông, Nam Phong) với số tiền phạt 395 triệu đồng.
Cũng trong quý 3 năm 2016, Chi cục Thú y đã ra quyết định xử phạt 622 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,85 tỉ đồng với tổng số tang vật bị xử lý gần 12,5 tấn.
Trong lĩnh vực thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phát hiện 41/143 mẫu dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Chi cục thực hiện thanh, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại 78 cơ sở kinh doanh thủy sản. Kết quả, có 32 cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, bị xử phạt tổng tổng số tiền là 126 triệu đồng.