Tính xác thực của nội dung email được cho là thỏa thuận giữa ông M. và bà Nga là tình tiết quan trọng trong vụ án này.
Những ngày qua, vụ án hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu người Việt tại Nga, SN 1987) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trị giá 16,5 tỉ đồng đã thu hút sự quan tâm từ dư luận. Vụ án càng trở nên “nóng” hơn khi tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 21.9, bị cáo Nga đã trình bày thêm một số thông tin chưa được xác định, đó là “hợp đồng tình ái” giữa bị cáo và nguyên đơn là ông T.C.M.
Một số nội dung email đang lan truyền trên mạng
Sau đó 1 ngày, nhiều ảnh chụp màn hình nội dung email được cho là do ông M. gửi tới bà Nga, đã xuất hiện và được lan truyền trên mạng xã hội. Những bức ảnh này thể hiện nhiều nội dung liên quan tới thỏa thuận tiền bạc, quan hệ tình cảm, tình dục và các thỏa thuận, ràng buộc khác giữa hai bên.
Về nội dung email nói trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM, người bào chữa cho bị cáo Nga) nêu quan điểm ngắn gọn: “Mọi người hãy bình tĩnh về thông tin thỏa thuận tình cảm từ một email, được cho là có liên quan đến hoa hậu Phương Nga đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội”.
Ngoài ra, luật sư Hưng không bình luận gì thêm về các thông tin này, song cho biết sẽ đề nghị các cơ quan tố tụng xác minh, làm rõ nội dung từ lời khai của bà Nga cũng như hộp thư cá nhân mà bà Nga sử dụng.
Trong khi đó, luật sư Lư Quang Vinh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, nếu đúng giữa ông M. và bà Nga có “hợp đồng tình ái” mà trong đó có các thỏa thuận về quan hệ tình dục, thì giao dịch này sẽ bị vô hiệu bởi nó mang dấu hiệu mua bán dâm.
“Việc mua bán dâm là hành vi bị nhà nước nghiêm cấm, dẫn tới giao dịch này vô hiệu. Khi đó, mọi tài sản sẽ được hoàn nguyên, mà hành vi này vi phạm pháp luật nên tài sản đó sẽ bị nhà nước tịch thu”, luật sư Vinh nhận định.
“Theo luật định, bản thân người bán dâm sẽ bị xử lý hành chính, còn trách nhiệm của người mua dâm chưa được nhắc tới. Trong trường hợp này, theo tôi, nếu diễn biến đúng như những gì bà Nga khai thì vụ án sẽ chuyển từ hình sự sang dân sự. Khi đó, Bà Nga sẽ bị xử lý hành chính, còn ông M. nặng nhất cũng chỉ bị xử lý hành chính hay nhẹ hơn là bị nhắc nhở”, luật sư Vinh nói.
Về tính xác thực của nội dung email nói trên, luật sư Vinh cho rằng: Dù ông M. nói email không phải của mình nhưng nếu bà bà Nga chứng minh được ông M. có dùng email đó để trao đổi thêm với ai khác, thì cơ quan tố tụng sẽ triệu tập những người liên quan để làm rõ.
“Theo luật Giao dịch điện tử, đây là một nguồn chứng cứ hợp pháp trong các vụ án nếu chứng minh được là nó có thật. Ngoài xác minh qua các nhân chứng, cơ quan tố tụng cũng có thể xác minh thông qua những nguồn khác như nhà cung cấp dịch vụ email, nhà mạng,...”, luật sư Vinh nói.
Theo đánh giá của luật sư Vinh, trong vụ này, hoa hậu Phương Nga bị động hoàn toàn. Nếu không có tình tiết mới này thì bà Nga có khả năng đã cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Còn nếu tình tiết này được xác định thì có thể bà Nga sẽ thoát tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như cơ quan tố tụng đang truy tố.
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (bên trái) và bà Nguyễn Đức Thùy Dung (bên phải) tại phiên tòa. (Ảnh: Tiền Phong)
Trước đó, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm vụ án hoa hậu Phương Nga lừa đảo, chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông M. trong việc mua - bán nhà. Cùng bị truy tố với Nga trong vụ việc này còn có Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1989), là bạn thân ở chung nhà với Nga.
Tại tòa, Nga và Dung cùng kêu oan, cho rằng không lừa đảo tiền của ông Mỹ. Việc ông Mỹ đưa tiền cho Nga là do giữa hai bên có thỏa thuận riêng. Cụ thể, theo lời khai của các bị cáo tại tòa, giữa ông M. và Nga có mối quan hệ tình cảm. Sau đó cả hai có làm một “hợp đồng tình ái” và được lưu trên email.
Bị cáo Nga khai thêm rằng, bắt đầu từ năm 2012, bị cáo và ông M. chính thức có quan hệ tình cảm. Khi biết ông M. đã có gia đình, bị cáo đặt vấn đề 16,5 tỉ đồng nếu ông M. muốn duy trì mối quan hệ và lập thành một bản hợp đồng. Trong hợp đồng này ghi rõ Nga phải duy trì mối quan hệ với ông M. ít nhất 7 năm cùng nhiều tình tiết khác. Hằng ngày ông M. ghé nhà thăm bị cáo tại căn hộ ở Q.2, TP.HCM: Buổi trưa thứ 2, thứ 4 và thứ 6; buổi chiều thứ 3, thứ 5 và thứ 7.
Sau một ngày thẩm vấn, xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, hoàn trả hồ sơ cho VKS điều tra tra bổ sung.