Công ty TNHH Mạnh Cầm thua kiện, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại 1,25 tỷ đồng của Công ty này với Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội bị bác bỏ.
Chiều 27/9/2014, Tòa án Hành chính, TAND TP Hà Nội đã tuyên án kết quả vụ Công ty TNHH Mạnh Cầm kiện ông Vương Trí Dũng, Chi cục Phó Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội. Tất cả các yêu cầu trong đơn khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm đều bị HĐXX bác bỏ do không có căn cứ.
Công ty Mạnh Cầm kiện sai người
Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định người bị kiện trong vụ án là Chi cục Trưởng là Chi cục QLTT Hà Nội chứ không phải là ông Vương Trí Dũng, Chi cục Phó Chi cục QLTT Hà Nội như trong đơn khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm.
Đối với việc khởi kiện kiện Quyết định 0165977 ngày 14/5/2013 của Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội (Quyết định 0165977), việc kiểm tra của Đội QLTT số 12 cũng như việc lập biên bản, tạm giữ hành hóa, tang vật, chứng từ liên quan ... có sự chứng kiến của Phó Giám đốc Công ty Mạnh Cầm là phù hợp với quy định của Pháp luật.
Theo HĐXX, hành vi vi phạm về ghi nhãn phụ của Công ty Mạnh Cầm đã được xác định rõ ràng. Tại điểm a, khoản 1, điều 8, Nghị định 21 ngày 27 tháng 2 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Nhãn sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ phải đảm bảo yêu cầu: Có chữ in hoa chú ý với nội dung: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Các yếu tố dinh dưỡng, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ". Theo biên bản lúc Đội QLTT số 12 kiểm tra thì cả 3 loại sữa Danlait 1, 2, 3 đều không có dòng chữ này.
Trước tòa, Công ty Mạnh Cầm không chứng minh được số sữa QLTT Hà Nội thu giữ đã bị hỏng. Ảnh: Bảo Anh
Do đó, việc ban hành Quyết định 0165799 của Chi cục Phó Chi cục QLTT Hà Nội là đúng thủ tục quy định tại điều 55, 56, 57 Pháp lệnh Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của Công ty Mạnh Cầm cho rằng 5.600 lon sữa Công ty này nhập về đang lưu giữ trong kho, chưa đem ra lưu thông trên thị trường nên không vi phạm quy định của Pháp luật cũng bị HĐXX bác bỏ.
Cụ thể, tại khoản 6, điều 3, Nghị định 89, ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định: Lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu về kho. Như vậy, chỉ có trong trường hợp đang vận chuyển từ cửa khẩu về kho mới được coi là hàng hóa đang lưu thông. Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu lô hàng sữa này về để ở Công ty từ tháng 11/2012, đã quảng cáo sản phẩm cùng giá bán nên ý kiến của Công ty Mạnh Cầm cho rằng công ty này nhập khẩu sữa về chưa lưu thông trên thị trường nên không vi phạm là không có căn cứ.
Quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 12 phát hiện các hóa đơn, chứng từ bán hàng, tờ quảng cáo của Công ty thể hiện giá chênh lệch. Cụ thể, tại phiếu xuất kho, chứng từ, giá bán là 410.000 đồng/lon nhưng tại hóa đơn VAT lại chỉ 115.000 đồng/lon.
Như vậy, giá bán trên chứng từ, hóa đơn của Công ty là không phù hợp, cần xác minh làm rõ nên Đội QLTT số 12 tạm giữ 190 tờ phiếu xuất kho của Công ty Mạnh Cầm là có căn cứ. Do cơ quan QLTT không có chức năng quản lý về thuế nên việc chuyển 190 tờ phiếu xuất kho này sang cơ quan thuế để xem xét, giải quyết là đúng quy định.
Ngoài ra, việc chuyển 190 tờ phiếu này sang cơ quan thuế của QLTT Hà Nội không làm thay đổi bản chất vụ việc nên việc khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm đòi lại 190 tờ phiếu này bị HĐXX bác bỏ.
Về việc khởi kiện hành vi cung cấp thông tin sai lệch về chất lượng sản phẩm cho cơ quan báo chí của QLTT Hà Nội, HĐXX cho hay, thông tin về việc phản ánh sữa Danlait không đạt chất lượng không phải do ông Vương Trí Dũng thông tin bởi các báo đã đăng thông tin trước đó (từ ngày 21/2/2013).
Ngoài ra, theo quy định của Pháp luật thì việc ông Vương Trí Dũng phát biểu ý kiến có liên quan đến sữa Danlait trong cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội không nằm trong phạm vi hành vi hành chính nên HĐXX không giải quyết yêu cầu khiếu nại này của Công ty Mạnh Cầm.
Thiệt hại 5.600 lon sữa Công ty Mạnh Cầm phải chịu
Chi tiết đáng chú ý trong vụ kiện này là Công ty Mạnh Cầm đưa ra bản khai các thiệt hại mà Công ty phải gánh chịu và không bán được hàng do việc kiểm tra, thu giữ xử phạt và công bố thông tin của QLTT Hà Nội với tổng số tiền lên tới gần 26 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Mạnh Cầm yêu cầu bồi thường thiệt hại trực tiếp từ 5.600 lon sữa bị Đội QLTT số 12 thu giữ bảo quản bị mốc, rách khiến Công ty không bán được với trị giá 1,25 tỷ đồng.
HĐXX cho hay, Công ty Mạnh Cầm đã nhận lại lô hàng ngày 15/5/2013. Lô hàng 5.600 lon sữa này không yêu cầu phải bảo quản đặc biệt và Quyết định số 0165977 không trái Pháp luật và Công ty Mạnh Cầm cũng đã nhận lại 5.200 lon sữa. Còn 400 lon sữa đựng trong 20 thùng cartong bị rách công ty không nhận lại.
Tuy nhiên, Công ty Mạnh Cầm lại không có chứng cứ chứng minh 400 lon sữa trên không đảm bảo yêu cầu bảo quản mà chỉ dựa vào cảm quan là không đủ căn cứ.
Do đó, HĐXX cho rằng, việc không bán được hàng là trách nhiệm của Công ty Mạnh Cầm.
Như vậy, yêu cầu đòi Chi cục Trưởng Chi cục QLTT Hà Nội bồi thường 1,25 tỷ đồng thiệt hại của Công ty Mạnh Cầm bị HĐXX bác bỏ.
Công ty Mạnh Cầm kháng án
Ngay sau khi nghe Tòa tuyên án, ông Đặng Văn Sang, Phó Giám đốc Công ty Mạnh Cầm cho hay, Công ty này sẽ kháng án. Ông Sang vẫn cho rằng, ông Vương Trí Dũng không có thẩm quyền ký Quyết định xử phạt hành chính cho Đội QLTT số 12. Điều này đã không được HĐXX làm rõ trong phiên tòa này.
Đại diện Pháp lý của Công ty Mạnh Cầm, bà Luật sư Nguyễn Thị Sinh cho hay, Công ty Mạnh Cầm sẽ tiếp tục kiện lên TAND Tối cao.
Theo bà Sinh: "Khi lên cấp TAND Tối cao, sẽ có những điều kiện chủ quan và khách quan để tin rằng công lý sẽ được làm sáng tỏ".
Vụ việc bắt đầu từ tháng 2/2013, một người phụ nữ tố chất lượng sữa dê Danlait nhập khẩu của Công ty TNHH Mạnh Cầm quá kém khiến con trai cô phải nhập viện sau một thời gian ăn sữa Danlait. Dư luận trong nước "dậy sóng", các bậc phụ huynh phẫn nộ khiến cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương chỉ đạo QLTT Hà Nội khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin. Ngay sau đó, Đội quản lý thị trường số 12, Chi cục QLTT Hà Nội nhanh chóng kiểm tra và tạm giữ 5.600 hộp sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm do nghi ngờ chất lượng của sản phẩm. Tháng 5/2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Mạnh Cầm vì lỗi ghi sai nhãn phụ hàng hóa và xử phạt 15 triệu đồng trên toàn bộ giá trị lô hàng. Cũng trong khoảng thời gian này, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế có văn bản khẳng định chất lượng sữa dê Danlait đạt tiêu chuẩn. Thời điểm đó, cách làm việc nhanh chóng của QLTT Hà Nội được dư luận đánh giá tích cực. Tuy nhiên, Công ty Mạnh Cầm cho rằng, chính vì việc kiểm tra, thu giữ hàng hóa, công bố thông tin của QLTT Hà Nội đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty Mạnh Cầm (26 tỷ đồng) và sản phẩm sữa dê Danlait của Công ty này không còn cơ hội bán được tại thị trường Việt Nam. Công ty Mạnh Cầm đã khởi kiện QLTT Hà Nội, đây là một trong những vụ việc hiếm hoi doanh nghiệp VN kiện cơ quan Nhà nước. |