Do tính chất phức tạp của vụ việc nên TAND TP Hà Nội quyết định ngày 27/9 mới tuyên án vụ Công ty TNHH Mạnh Cầm khởi kiện Chi cục QLTT Hà Nội.
Trong 2 ngày (23- 24/9/2014), Tòa Hành chính – TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm vụ Công ty TNHH Mạnh Cầm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kiện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội liên quan đến sản phẩm sữa dê Danlait từng gây xôn xao dư luận hồi năm ngoái.
Tháng 2/2013, dư luận xôn xao vì thông tin sản phẩm sữa dê Danlait do công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cục QLTT, Bộ Công thương chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội đã nhanh chóng kiểm tra và tạm giữ 5.600 hộp sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm.
Tháng 5/2013, Chi cục QLTT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính (do ông Vương Trí Dũng, Chi cục Phó Chi cục QLTT Hà Nội ký) đối với Công ty Mạnh Cầm vì lỗi ghi sai nhãn phụ hàng hóa và xử phạt 15 triệu đồng trên toàn bộ giá trị lô hàng. Tuy nhiên, sau đó có văn bản của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định sản phẩm sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm đạt chất lượng.
Lúc này, Chi cục QLTT đã trả lại 5.600 lon sữa cho Công ty Mạnh Cầm nhưng Công ty này không nhận vì lý do toàn bộ số sữa lưu giữ trong kho của Đội quản lý thị trường số 12 (Đơn vị trực tiếp thu giữ) đã bị mốc, rách thùng chứa, không đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp nhận về cũng không thể bán được.
Trong đơn khởi kiện của mình, Công ty Mạnh Cầm yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng giá trị lên tới 24 tỷ đồng bao gồm nhiều thiệt hại về: sản phẩm,chi phí phát triển thị trường và thiệt hại thương hiệu (sữa dê Danlait hầu như đã không còn cơ hội tồn tại trên thị trường Việt Nam)....và yêu cầu ông Vương Trí Dũng công khai thông báo với các cơ quan báo chí rằng sản phẩm sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Sáng nay (24/9), tòa tiếp tục phần tranh tụng. Luật sư của phía bị đơn là QLTT Hà Nội tiếp tục cho rằng việc khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm là không có cơ sở và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm.
Các thùng sữa Danlait bị QLTT Hà Nội thu giữ, Công ty Mạnh Cầm cho rằng hầu hết đã bị rách thùng, sữa ẩm mốc không tiêu thụ được
Đại diện công ty Mạnh Cầm mang mẫu hộp sữa đến phiên xử.
Ảnh: Bảo Anh
Tại phiên tòa, phía bị đơn bao gồm Chi cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 12 cùng Luật sư bào chữa cho rằng, việc kiểm tra, thu giữ của Đội QLTT số 12 và ra các biên bản, văn bản xử phạt của ông Vương Trí Dũng, Chi cục Phó chi Cục QLTT Hà Nội quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Mạnh Cầm là 15 triệu đồng và hình phạt bổ sung buộc công ty Mạnh Cầm khắc phục việc ghi nhãn là hoàn toàn đúng quy định của Pháp luật.
Việc khởi kiện của Công ty Mạnh Cầm về việc Đội QLTT số 12 thu giữ 190 tờ phiếu xuất kho là không đúng quy định của Pháp luật và yêu cầu phải trả lại cho Công ty Mạnh Cầm, Luật sư bên bị cho rằng, đội 12 nhận thấy dấu hiệu sai phạm về thuế (nghi ngờ trốn thuế) vì giá trên phiếu là 410.000 đồng/lon nhưng giá trên hóa đơn VAT chỉ 115.000 đồng/lon nên theo quy định về phối hợp điều tra. Vì vậy Chi cục chuyển số tang vật này cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết là đúng quy định của Pháp luật.
Theo luật sư phía QLTT Hà Nội, Công ty Mạnh Cầm không thống nhất trong việc nêu thiệt hại. Lúc nói bị hỏng 5.600 lon sữa, khi bảo 7.196 lớn; Trong đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường 24 tỷ đồng, trong ngày đầu xét xử lại yêu cầu bồi thường 1,25 tỷ đồng, sau đó lại đòi bồi thường 24 tỷ đồng.
Giải thích về con số, Luật sư Công ty Mạnh Cầm cho hay, 1,25 tỷ đồng bao gồm 7.1196 lon từ thời điểm Đội QLTT số 12 thu giữ đến hiện tại đến giờ doanh nghiệp không bán được (bao gồm 5.600 lon bị Đội QLTT số 12 thu giữ và do khách trả lại) tổng giá trị 1,259 tỷ đồng.
Sau khi nghe phần tranh tụng của hai bên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, những chứng cứ mà luật sư của Công ty Mạnh Cầm đưa ra để khởi kiện việc ông Vương Trí Dũng, Chi Cục Phó Chi Cục QLTT Hà Nội vẫn chưa đủ căn cứ.
Sau hơn 2 tiếng làm việc, Chủ tọa phiên tòa, bà Lê Thị Thu Hằng thông báo, HĐXX nghỉ nghị án tới chiều 27/9 sẽ ra phán quyết do vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp.