Vụ Phương Nga - Cao Toàn Mỹ không chỉ là đại gia - hoa hậu

Ngày 29/06/2017 08:53 AM (GMT+7)

Những vấn đề, tình huống tố tụng trong vụ án Phương Nga thu hút sự quan tâm của dư luận không kém chuyện tình - tiền trong mối quan hệ đại gia - hoa hậu thông thường.

Sau bốn ngày TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Phương Nga, giới quan tâm đến pháp luật đánh giá đây là vụ án rất hay về tố tụng. Vụ án vẫn còn ở giai đoạn xét hỏi, nếu sang giai đoạn tranh tụng có lẽ sẽ còn phát sinh nhiều tình huống pháp lý thú vị hơn nhiều.

Thí dụ sinh động về quyền im lặng

Vụ án gây chú ý nhất là tại tòa, bị cáo Phương Nga cương quyết thực hiện quyền im lặng. Trong tất cả các lần ra tòa, bị cáo này đã nhất quyết không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của HĐXX, VKS và luật sư (LS), kể cả luật sư bào chữa cho mình. Đồng thời trước tòa, bị cáo này còn tuyên bố “xanh rờn” rằng mình không tin tưởng VKS và CQĐT.

Khi kiểm sát viên yêu cầu bị cáo chỉ cần trả lời “có” hay “không”, bị cáo này vẫn cương quyết nói không trả lời. Kiểm sát viên nói đại ý im lặng có nghĩa là đồng ý, bị cáo Nga đáp: “Sự im lặng không có nghĩa là đồng ý hay không đồng ý. Im lặng chỉ có nghĩa là im lặng mà thôi”; và “bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Mong VKS tôn trọng quyền im lặng của bị cáo”.

Tuy nhiên, đến ngày xét xử thứ ba (26-6), bị cáo đã quyết định khai báo, trả lời tòa. Khi đã thôi thực hiện quyền im lặng, những câu trả lời của bị cáo tỏ ra sắc sảo, thông minh, nhất là lúc “đấu khẩu” với LS và luật gia của người bị hại Cao Toàn Mỹ.

Vụ Phương Nga - Cao Toàn Mỹ không chỉ là đại gia - hoa hậu - 1

Bị cáo Phương Nga khá tự tin khi trả lời thẩm vấn của tòa. Ảnh: HTD

Từ chuyện thông cung…

Có lẽ chỉ đến vụ án này người dự khán mới hiểu thêm về thuật ngữ pháp lý “thông cung” trong tố tụng hình sự. Khai trước tòa, bị cáo Thùy Dung - đồng phạm của hoa hậu Phương Nga và người bạn trai Lữ Minh Nghĩa (người làm chứng) đều thừa nhận có sự thông cung từ bên trong lẫn bên ngoài vào trại giam.

Bị cáo Thùy Dung cho biết có sự thông cung với Lữ Minh Nghĩa từ trong trại giam. Bị cáo Dung đã viết thư (trên nylon), sau đó nhờ một cán bộ an ninh chuyển cho bà Nguyễn Mai Phương (được cho bạn hoa hậu Phương Nga, người làm chứng của vụ án) và Lữ Minh Nghĩa. Cán bộ đưa thư và nhận thư tên Nghĩa. Sau đó, Lữ Minh Nghĩa đã viết thư hồi đáp cho Dung dặn ăn uống cẩn thận; nhắc Dung không được khai linh tinh những người khác cũng như không được đề cập đến mối quan hệ của Nga và Mỹ...

Lữ Minh Nghĩa cũng xác nhận có sự thông cung này và thừa nhận cũng đưa thư cho cán bộ tên Nghĩa do bà Mai Phương giới thiệu.

Tòa đã nhận định đây là những lời khai có ảnh hưởng rất lớn đến vụ án nên đã yêu cầu bị cáo Dung và Nghĩa phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời khai này. Ông Nghĩa và bị cáo Dung đã đồng ý cam kết.

Bà Mai Phương thì phủ nhận chuyện “làm đạo diễn” việc thông cung, ngược lại bà nói mẹ hoa hậu Phương Nga đã chung chi 50 triệu đồng cho cán bộ để được thông cung. Từ lời khai này, LS của ông Mỹ đã đề nghị HĐXX cho khởi tố tại tòa vụ án đưa, nhận hối lộ. Chủ tọa phải giải thích: “Đây là phần xét hỏi và trong quá trình tố tụng nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nào mới xem xét quyết định”.

Lời khai của bị cáo và người làm chứng chính xác đến đâu thì tòa sẽ đánh giá và làm rõ nhưng nếu nó đúng thì rõ ràng vụ án này đã có dấu hiệu thông cung dưới sự tiếp tay của cán bộ.

Vụ Phương Nga - Cao Toàn Mỹ không chỉ là đại gia - hoa hậu - 2

Đến dấu hiệu bất thường trong điều tra

Trong phiên xử ngày 23-6, tại phần thẩm vấn, LS Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Phương Nga) đã đưa ra một chứng cứ về bản ghi lời khai của người bị hại Cao Toàn Mỹ (được ghi ngày 9-9-2014) và bị cáo Trương Hồ Phương Nga (ghi ngày 29-9-2014). Theo LS Hùng, nội dung tố cáo Nga của ông Mỹ lại trùng khớp với lời khai nhận của Nga tới từng dấu chấm, phẩy và trùng có chỗ trùng luôn cả đại từ nhân xưng “tôi (Mỹ)” và “tôi (Nga)” đến ngớ ngẩn.

Theo thứ tự thời gian, bản ghi lời khai của Phương Nga thực hiện sau bản ghi lời khai của Mỹ. Ấy thế nhưng ngoài việc có nhiều câu, nhiều đoạn của hai bản khai giống nhau như “sinh đôi” thì trong bản ghi lời khai của Nga còn có chỗ ghi “tôi (Mỹ)”. LS có đề nghị tòa cho phân tích nhưng do đây là phần xét hỏi nên tòa không đồng ý.

Việc có hai bản khai giống nhau cả hình thức lẫn nội dung như vậy khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc có hay không việc mớm cung và dụ cung trong quá trình điều tra. Điều này có lẽ cơ quan tố tụng có thẩm quyền sẽ xem xét, đánh giá.

Nhân chứng “bí ẩn” được ngồi trong phòng kín

Trong vụ án này còn có nhân chứng “bí ẩn” Nguyễn Mai Phương. Đây là nhân vật hiện đang được dư luận rất quan tâm vì không biết người này thực sự đóng vai trò thế nào trong vụ án.

Trong ba ngày xét xử vừa trước, từ các lời khai cho thấy nhân chứng Mai Phương có thể là một mắt xích quan trọng có thể làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Bởi các bị cáo, bị hại lẫn nhân chứng đều có lời khai quan trọng liên quan đến người này.

Sau nhiều lần không xuất hiện tại các phiên xử, chỉ đến khi tòa quyết định ký lệnh yêu cầu lực lượng công an dẫn giải, nhân chứng này mới đến tòa. Đáng chú ý, người này đã yêu cầu không được ghi hình, ngồi trong phòng kín để trả lời thẩm vấn và đối chất. Và yêu cầu cách ly để trả lời của nhân chứng này đã được tòa đáp ứng. Quyết định này của tòa đã dấy lên sự tranh cãi trong giới hành nghề luật.

Có người dẫn Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP- VKSNDTC-TANDTC nói tòa làm vậy là không sai, vì nhân chứng cần phải được cách ly để bảo vệ. Có người cho rằng việc cách ly này chỉ đặt ra khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy nhân chứng đã bị hoặc sẽ bị xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản. Nhưng ngay cả khi đáp ứng yêu cầu này thì cũng phải đáp ứng các thủ tục mà Thông tư liên tịch số 13 nói trên quy định thì tòa mới cho nhân chứng ngồi phòng kín…

Lạ lùng yêu cầu giữ bí mật chứng cứ

Trong cuối buổi làm việc tại phiên xử ngày 22-6, LS bên bị cáo đã đề nghị HĐXX cho mình cung cấp thêm chứng cứ nhưng cần phải được giữ bí mật.

Một diễn biến khác, tại phiên tòa ngày 23-6, trả lời LS về mối quan hệ tình cảm với Nga, ông Mỹ cho biết đây là mối quan hệ “mấy trăm triệu đồng có thể trao nhau mà không cần tính toán gì”. Đồng thời ông Mỹ khai cô Nga có hai người bạn trai lớn tuổi. Ông khai bằng chứng có các đoạn ghi âm nhưng nếu công bố sẽ ảnh hưởng đến danh dự người khác nên đã không đồng ý công bố khi được LS yêu cầu cung cấp chứng cứ này.

Cũng trong phần thẩm vấn, LS Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Nga) đã trưng một chứng cứ mới nhưng cũng lại đề nghị không cung cấp thông tin cá nhân của nhân chứng cũng như nội dung chứng cứ này...

Đây quả thực là một vụ án lạ và đặc biệt, nhất là các tình huống tố tụng. Ngoài ra, Phương Nga có tội hay không tội, bản chất thực sự của vụ án này là gì cũng là dấu hỏi lớn cho những người theo dõi. Hy vọng câu trả lời này sẽ được tòa giải đáp bằng phán quyết thấu lý, đạt tình.

Không phải nhân chứng, tòa vẫn cho đối chất

Chiều 27-6, LS bào chữa cho bị cáo Phương Nga đã đề nghị cho mẹ của Phương Nga (người chưa được xác định tư cách tố tụng trong vụ án này) đối chất với nhân chứng Mai Phương vì lời khai nhân chứng có nhắc đến bà. Đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng vấn đề này không được quy định ở một điều luật cụ thể nào. Tuy nhiên, theo BLTTHS 2003, người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ sự thật vụ án. Việc đề nghị tòa triệu tập thêm người tham gia tố tụng trong trường hợp này chính là nhằm làm rõ các tình tiết phát sinh liên quan đến vụ án. Khi đã mở phiên tòa, người bào chữa đưa ra đề nghị thì HĐXX sẽ quyết định, nếu chấp nhận thì xem như HĐXX đã triệu tập.

Trở lại vụ Phương Nga, trước đề nghị của LS về việc cho bà được trình bày, đối chất thì HĐXX sẽ xem xét, cân nhắc. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa sẽ triệu tập bà để bà trình bày, trả lời đối chất nhằm làm sáng tỏ các tình tiết, giúp tòa xác định sự thật khách quan của vụ án.

PHƯƠNG LOAN

Luật sư kiến nghị cấm nhân chứng bí ẩn xuất cảnh

Chiều 28-6, các LS bào chữa cho bị cáo cho biết họ đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp đến TAND TP.HCM đề nghị cho bị cáo Phương Nga tại ngoại. Lý do: Qua diễn biến tại phiên xử những ngày qua cho thấy vụ án có dấu hiệu oan, trong khi Nga đã bị tạm giam hai năm ba tháng. Đồng thời Phương Nga cũng không có dấu hiệu bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra hoặc cản trở việc xét xử của tòa án. Vì vậy việc tiếp tục tạm giam bị cáo Nga là không cần thiết. Từ đó, LS kiến nghị HĐXX thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Nga.

Các LS cũng đề nghị tòa áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng Lữ Minh Nghĩa (bạn trai bị cáo Dung), ông Nguyễn Văn Yên và bà Hồ Mai Phương (mẹ bị Phương Nga) vì e ngại sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Đặc biệt, các LS cũng đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Mai Phương, nhân chứng “bí ẩn” do bà có vai trò rất quan trọng trong vụ án.

HOÀNG YẾN

Theo Đ.LIÊN - H.YẾN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự