Từng là chủ ngựa đình đám tại trường đua Phú Thọ, ông Năm chẳng thể ngờ có ngày thời thế lại khiến đời mình xuống dốc nhanh đến thế.
Tưng bừng, tơi bời vì ngựa
Cơn mưa chiều dầm dề càng làm cho không khí tại nghĩa trang lớn nhất thành phố Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) càng trở nên ảm đạm và u tịch. Men theo lối nhỏ lầy lội bùn đất, cỏ dại mọc cao lút đầu, người ta sẽ thấy khuất sau những đám mộ dày đặc một căn nhà được phủ mái bởi tấm bạt cũ và vô số miếng tôn chắp vá. Đó chính là nơi trú ngụ của gia đình ông Năm “Ngựa”. Ông Năm và vợ đang cặm cụi thổi cơm. Làn khói lam chiều với mùi cơm sôi được chuẩn bị cho bữa tối, lại vất vưởng nơi người “cõi âm” an nghỉ mới thật thê lương.
Gia tài duy nhất ông xem như báu vật đó là đàn ngựa… rớt giá từ sau khi trường đua Phú Thọ đóng cửa.
Người ta gọi ông là Năm “Ngựa” (82 tuổi) bởi trước đây cuộc sống của ông gắn liền với những chú ngựa. Đó cũng là lí do tại sao, cái tên Nguyễn Văn Tường (tên khai sinh của ông Năm) lại xa lạ với phần đông cư dân sống bám khu nghĩa trang này. Ông Năm “Ngựa” sinh ra ở xứ Gò Công (tỉnh Tiền Giang), vốn là mảnh đất thịnh của nghề nuôi ngựa một thời. Lên 12 tuổi, ông đã biết một mình nắm dây cương “cưỡi ngựa đạp gió” đi khắp các vựa lúa ĐBSCL. “Lúc còn sống ở quê, mọi người thường kêu tui là Năm “xe ngựa”, vì hồi đó tui làm nghề kéo xe ngựa chở khách. Sinh thời cha tui là dân buôn ngựa nhưng vô thời loạn lạc gia sản cũng tiêu tán hết. Năm 1957, tui lên Sài Gòn đi chăn ngựa thuê cho người ta”.
May mắn ông được thầy Hai Lợi, một dân chơi đua ngựa có tiếng thời bấy giờ nhận về làm người chăm sóc cho đàn ngựa. Theo năm tháng, ông Năm dần lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và huấn luyện ngựa đua. Năm 1989, trường đua Phú Thọ mở cửa sau thời gian dài bị gián đoạn. Lúc này, ông Năm chính thức đánh cược cuộc đời mình vào số phận những con kỵ mã. “Nhờ được chăm sóc kỹ nên tham gia cuộc đua nào, ngựa của tui cũng chơi hết sức mình, tác phong rất đẹp và rinh được nhiều giải thưởng có giá trị. Nhưng đời nào ai đấu trí lại nổi với ông trời. Số tiền có được từ các cuộc đua, tui đều dồn hết vào đàn ngựa hơn 30 con”, ông Năm buồn bã nhớ lại.
Hồi đấy, sở hữu cả đàn ngựa trị giá tiền tỷ nhưng ông Năm “Ngựa” vẫn chọn mảnh đất ở Đình Bình Khánh (nằm trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa) làm nơi trú ngụ cho cả gia đình. Hiểu tính ông xem ngựa như lẽ sống cả đời, nên vợ con chưa một lần phàn nàn khi phải sống cảnh… du mục cùng chồng. Tiền có được từ các trận đấu trên trường đua, ông Năm đầu tư cả vào thức ăn nuôi ngựa. Cũng nhờ thế, ngựa của ông được dân đua hồi đó ráo riết muốn thuê lại bằng mọi giá. “Máu” đam mê những con kỵ mã của ông Năm còn “truyền” sang cả mấy cậu con trai. Ông bảo: “Cũng vì mê ngựa, mấy đứa con tôi đều học hành dang dở. Mấy thằng con trai ngay từ nhỏ đã có niềm đam mê với những con ngựa đua được tui nuôi dạy hàng ngày. Lớn lên, học đến lớp 3, lớp 4 là chúng đã nghỉ học để theo cha học nài ngựa. Vốn là con nhà nòi, chỉ cần chỉ qua mấy lần, la chúng đã có thể tự cưỡi lên lưng ngựa, trực tiếp tham gia mỗi cuộc đua”.
Quả như Năm “Ngựa” nói “đời nào ai đấu trí lại nổi với ông trời”. Ông cứ đinh ninh cuộc đời mình và đàn con nheo nhóc sẽ sớm thoát khỏi cảnh “ở đậu” trong đình ở nghĩa trang. Thế nhưng có được khoản tiền từ đua ngựa, ông chưa nghĩ ngay đến việc cất cho vợ con mảnh đất lành để “an cư lạc nghiệp”. Thay vào đó, ông đầu tư hết vốn liếng cho đàn ngựa. Đùng một cái, trường đua Phú Thọ bị đóng cửa. Đúng lúc đó, đình Bình Khánh được sửa sang, tu bổ lại. Không còn cách nào khác, ông Năm “ngựa” đành dắt đàn ngựa hơn 30 con và cả gia đình tiến vào phía sâu trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa định cư từ đó đến nay.
Con trai cả ông Năm “ngựa” ngoài 40 tuổi không lấy được vợ, ở nhà cắt cỏ nuôi ngựa
Con trai “mất giá” cũng vì ngựa
“Cả đời tui chỉ có ngựa thôi. Vậy mà đùng một cái trường đua đóng cửa, đàn ngựa được tôi vỗ béo, đẹp mã đành tháo cương, cất vó vào một xó. Giờ trong nghĩa trang này ngựa người, người ngựa sống với nhau. Cả đàn ngựa lúc cao điểm lên đến 30 con. Vì mưu sinh, tôi phải bán đi phân nửa”. Nói đoạn, ông Năm “ngựa” trầm tư nhìn về phía dãy chuồng ngựa, nơi cậu con trai cả đang xới từng vốc cỏ cho ngựa ăn, đắng đót nói: “Không ngờ, ngựa “ế” đến cả người cùng “ế” theo”. Theo lời ông Năm thì từ ngày chuyển sâu vào trong nghĩa trang quạnh quẽ định cư, cuộc đời mấy cậu con trai của ông cũng chẳng sáng sủa là bao. Nguyên nhân, theo ông vì… chẳng cô gái nào muốn về làm dâu một gia đình sống trong nghĩa địa”.
Trong chốc lát, ông lại ngập ngừng: “Xung quanh đây chỉ có mỗi gia đình tui và đàn ngựa 16 con, chứ có ai dám đến đây sống đâu. Thi thoảng, mấy người đến khu nghĩa trang này thăm mộ nhưng chỉ chốc lát rồi ai nấy đều hối hả ra về, chứ đừng nói gì đến sống cả đời ở chốn toàn người âm này”. Chọn mảnh đất lắm “thây ma” làm nơi “cắm dùi”, tương lai những con người nơi đây dường như cũng ảm đạm theo.
Giữa cuộc trò chuyện, ông bảo cũng may cô con gái đã lấy chồng và có cuộc sống ổn định bên ngoài. Giữa bao thăng trầm, biến cố không vui của cuộc đời, đó là niềm an ủi lớn nhất của ông. Những ngày tháng cuối đời, ông và vợ (bà Nguyễn Thị Lài (70 tuổi) luôn canh cánh bên lòng về chuyện mấy đứa con trai chưa thể thành gia, lập thất. “Cách đây mấy năm, thằng con thứ của tui đi ra ngoài xin được chân làm bảo vệ nên mới lấy được vợ. Vợ nó thì làm công nhân lương ba cọc ba đồng không đủ để nuôi hai đứa con, đứa lớn mới học lớp 1, đứa nhỏ nay tròn 2 tuổi”, bà Lài buồn bã nói.
Để có tiền phụ giúp vợ chồng con trai nuôi cháu và nuôi đàn ngựa, thi thoảng ông Năm lại phải dứt ruột bán đi “đứa con tinh thần” của mình. Ngựa đua nay rớt giá, người ta đến mua chỉ với giá ngựa thịt, con nào nặng nhiều nhất 300kg ông mới bán được gần 40 triệu đồng. Số tiền đó dùng để trang trải mỗi tháng 5 triệu tiền đồng ăn cho đàn ngựa và cho gần chục con người. Thế nên, đàn ngựa của ông Năm cứ thế vơi dần đi theo ngần ấy năm. “Nay tôi già rồi, sức đâu chăm ngựa, cũng may còn ba thằng con trai chưa đứa nào lấy được vợ nên chúng ở nhà phụ tôi đi cắt cỏ, tìm thức ăn về cho đàn ngựa”, ông Năm kể.
Mấy người con trai còn lại của ông Năm “Ngựa” đều đã trên dưới 40 tuổi. Nhưng ông bảo có điều là từ đứa con trai lớn cho đến đứa nhỏ tuổi, trừ người con trai đã có vợ thì ông chưa từng thấy người nào dắt về giới thiệu cho ông bà cô con dâu. “Trước đây thấy ba tụi nó lớn tướng cả rồi mà vẫn chưa có vợ, tui với bà mới thắc mắc. Tụi nó bảo nghèo thế này ai dám lấy, ai dám vô nghĩa trang làm vợ tụi nó. Tui nghe mà rầu lắm”, ông Năm giãi bày. Kể từ đấy, như hiểu được “nỗi lòng tê tái” của mấy cậu con trai, ông bà chẳng mấy khi nhắc tới chuyện lập gia đình.
Hằng ngày, cậu con trai cả và con thứ vẫn cặm cụi phụ ông đi cắt cỏ cho đàn ngựa, còn con trai út sáng ra lại mang xe đi ra chợ mua vỏ đậu xanh về cũng chỉ… chăm đàn ngựa. Kể ra, cuộc đời cha và con ông Năm “Ngựa” cứ quẩn quanh bên đàn ngựa “hết thời” từ năm này qua năm khác. Ông cười gượng bảo: “Ngựa rớt giá thì người cũng… rớt giá theo thôi. Thú thực, rầu thì rầu vậy chứ tụi nó không lập gia đình tui còn mừng hơn. Chứ nó có vợ, sinh con tiền đâu mà nuôi, một lúc mấy thằng có vợ thì đất đâu mà ở, như thế cuộc đời chúng lại khổ hơn cha nó rồi”.
Những ngày hoàng kim, ông Năm là một trong vài chủ ngựa đình đám nhất tại trường đua Phú Thọ. Tiền kiếm được từ những cuộc đua, tiền cho thuê ngựa đua, ông nhẩm tính có khi lên đến vài triệu đồng/ngày. Thế nhưng thời vàng son qua nhanh, ông Năm “ngựa” không khỏi ân hận, khi ném sạch số tiền ấy vào việc chăm nom, mua thêm ngựa thay vì tậu đất, cất nhà. Ông bảo: “Cứ sống ảm đạm giữa nghĩa trang thế này, chắc sớm muộn gì tôi cũng phải bán hết đàn ngựa. Càng nghĩ càng thấy xót xa”.