Mặc dù 13h30 ngày 11/7 trường Mầm non Sơn Ca, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM mới bán hồ sơ nhưng nhiều phụ huynh đã thức trắng đêm 10/7 để mua hồ sơ cho con.
Trường bình thường cũng "sốt"
Cảnh tượng chầu chực cả đêm hay chen lấn nhau để có suất cho con vào học trường điểm từ lâu đã không còn lạ với nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ. Đêm 10/7 vừa qua, rất đông cha mẹ tại TP.HCM lại mang ghế, võng, chiếu ngồi chờ để nộp hồ sơ cho con vào trường Mầm non Sơn Ca, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Điều đáng nói trường Mầm non Sơn Ca không phải là trường điểm của thành phố hay của quận. Đây chỉ là một ngôi trường mầm non công lập hoàn toàn bình thường đóng ở địa bàn phường Hiệp Bình Chánh.
Phụ huynh chờ cả đêm để nộp hồ sơ cho con (Ảnh Tiền Phong)
Khi được hỏi vì sao phải cố bon chen cho con em mình có suất vào trường này, anh Nguyễn Văn T., một phụ huynh cho biết lý do là vì tiền. Nếu con vào học trường mầm non Sơn Ca thì mức học phí dao động trên dưới 1 triệu, trong khi gửi đến trường mầm non tư thục thì nơi rẻ nhất cũng phải 3 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh làm công nhân nên lương thấp và những ngôi trường tư nhân có chất lượng trở nên quá xa vời.
Bên cạnh lý do phải bỏ ra số tiền lớn để đóng học cho con, nhiều phụ huynh lo sợ trường tư sẽ không được an toàn. Thời gian vừa qua có quá nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non khiến cha mẹ phải dè chừng khi gửi con ở các cơ sở ngoài công lập.
Dư âm vụ bạo hành ở nhà trẻ Phương Anh, giáo viên, bảo mẫu đánh, tát, dốc ngược đầu trẻ, dọa nhúng đầu trẻ vào thùng nước. Rồi vụ việc năm 2014, cũng ở địa bàn Thủ Đức, bảo mẫu H.N.N đạp vào bụng, ngực một cháu bé 18 tháng làm cháu dập hai phổi, vỡ tim, vỡ gan rồi tử vong do đa chấn thương dường như vẫn còn nguyên, ám ảnh tâm trí phụ huynh.
Trường mầm non công lập thì thiếu, trường tư thì sợ... đó là nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh phải chầu chực cả đêm nộp hồ sơ cho con ở ngôi trường được cho là bình thường của quận.
Quá tải ở trường công
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Ca, năm nay trường chỉ tuyển sinh chưa đến 100 trẻ (trong đó 55 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và 40 trẻ ở độ tuổi lớp Mầm) đối với trẻ thường trú hoặc tạm trú theo hộ gia đình trên địa bàn khu phố 6,7,8 của phường Hiệp Bình Chánh.
Được biết, ở quận Thủ Đức, năm học vừa rồi chỉ có khoảng 6.820 trẻ trong tổng số gần 25.000 trẻ được theo học ở các cơ sở công lập, còn lại phải phân bổ các em vào các cơ sở ngoài công lập. Địa bàn này lại tập trung đông người lao động nhập cư, công nhân… điều kiện của người dân rất khó khăn. Bởi vậy, con được vào học trường công bình thường thôi cũng là mơ ước của nhiều người.
Không chỉ tại quận Thủ Đức, tỷ lệ tiếp nhận trẻ ở của các trường mầm non công tại nhiều địa bàn ở TPHCM cũng thấp như quận Bình Tân, Gò Vấp, quận 7… Nhiều nơi chưa đến 30 - 50% số trẻ được học ở trường công lập nên nếu phụ huynh không nhanh chân thì chấp nhận ngậm ngùi hai lựa chọn: trường tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình đầy rủi ro.
Thông tin từ Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố cần bổ sung thêm 15.000 phòng học (tập trung nhiều nhất ở hai bậc mầm non và tiểu học) mới đáp ứng hết nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, từ nay đến ngày khai giảng 5/9 chỉ có 1.929 phòng học mới được đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, theo kế hoạch xây dựng trung hạn từ nay đến hết năm 2020, TPHCM sẽ có thêm 300 dự án xây mới trường học, đáp ứng thêm 6.600 phòng học cho người dân. Đây là nỗ lực của thành phố nhưng so với nhu cầu thì con số này vẫn quá nhỏ bé và chuyện thức đêm nộp hồ sơ vẫn là câu chuyện được nhắc lại nhiều lần.