Nghề đúc tượng Phật ở Sài Gòn đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm nhưng vẫn giữ được hồn xưa nét cũ.
Nghề đúc tượng Phật của người dân xóm tượng chùa Giác Hải (hẻm 1017 Hồng Bàng, phường 12, quận 6, TP.HCM) ra đời muộn hơn so với nghề gốm, nghề dệt,…nhưng mang nét độc đáo riêng. Nó tồn tại và phát triển đến nay cũng gần 100 năm.
Tại nhiều nơi, người ta áp dụng kỹ thuật hiện đại để đúc tượng hoặc vẽ gương mặt tượng Phật theo kiểu “Tây hóa”. Nhưng ở xóm chùa Giác Hải, những nghệ nhân đúc tượng vẫn giữ được tinh hoa đặc trưng của người Nam bộ xưa.
Theo đó, những người thợ miệt mài ngồi làm từng công đoạn đắp cát đổ xi măng để tạo khuôn, chà nhám, sơn màu, khắc họa chi tiết,… Tất cả những công đoạn ấy được tạo ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ.
Sản phẩm nơi đây chủ yếu là tượng các đức Phật như Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc, Thích Ca,…và thánh thần.
Ông Mai Văn Tuấn (60 tuổi) là đời thứ 3 nối nghiệp, phát triển nghề đúc tượng Phật của gia đình.
Lúc nhỏ, ông Tuấn đã thấy gia đình làm nghề đúc tượng Phật. Lên 10 tuổi, ông bắt đầu phụ cha làm những công đoạn nhỏ trong sản xuất tượng như đắp cát tạo mẫu, chà nhám...
Năm 20 tuổi, ông trở thành một thợ lành nghề có thể làm được những bức tượng đơn giản. Sau khi cha ông qua đời, ông nối nghiệp và mở rộng cơ sở đúc tượng Phật. “Hiện trong nhà chỉ còn mình tôi theo nghề và mướn thêm thợ làm tượng. Các con tôi đều đi học và theo đuổi những đam mê riêng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, muốn làm và theo nghề đúc tượng Phật phải chăm chỉ và thông minh. Ông đã có những học trò sau khi lành nghề ra mở cơ sở riêng và sản xuất một cách “ngon lành”.
“Nghề đúc tượng nói là làm giàu thì không thể, nhưng tôi có thể nuôi sống được bản thân, gia đình và cho con cái ăn học đầy đủ”, ông Tuấn tâm sự.
Tượng được làm bằng hai chất liệu chính: Xi măng và thạch cao. Ông Tuấn cho hay, để đúc ra một bức tượng hoàn chỉnh, người thợ phải miệt mài từ 10 ngày đến 1 tháng, thậm chí vài tháng, tùy theo kích thước lớn nhỏ của tượng.
Đồng thời, họ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, người thợ làm khuôn bằng cách đắp cát theo hình thù tượng và đổ xi măng lên để khô tạo khuôn.
Các bộ phận của tượng cũng được đúc riêng, sau đó ghép lại với nhau hoàn chỉnh.
Kế tiếp là khâu chà giấy nhám làm láng tượng và quét qua một lớp sơn lót nền. Sau đó, người thợ phun lên một lớp màu tinh dầu trắng để khô rồi sơn màu cho tượng.
Trong đó, công đoạn sơn tượng đòi hỏi năng khiếu về mỹ thuật, nắm rõ quy trình kỹ thuật.
Riêng giai đoạn “vẽ” khuôn mặt cho tượng sao cho có hồn quyết định sự thành công của bức tượng và khẳng định tay nghề của thợ.
Khi hoàn chỉnh, tượng được đóng thùng và giao hàng bằng ô tô. Tùy theo tượng mà có mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Tượng do xóm chùa Giác Hải đúc được người dân và các chùa chiền khắp nơi trong cả nước đặt làm. Ngoài ra, sản phẩm còn xuất đi nhiều nước trên thế giới, nhất là những nơi có cộng đồng người Việt đang sinh sống nhiều như Mỹ, Canada...
>> Xem thêm: Đến Vạn Phúc xem cận cảnh quy trình sản xuất lụa tơ tằm ở làng nghề 1.000 năm tuổi