ThS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bv Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hiện đang có 2 ca người lớn bị viêm não Nhật Bản nguy kịch tại bệnh viện. Đây là hiện tượng hiếm gặp so với mọi năm trước đó.
2 bệnh nhân đều rơi vào tình trạng hôn mê
Bệnh nhân thứ nhất là N.H.Y, 20 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội, nhập viện tại BV Nhiệt đới Trung ương ngày 28/6 vừa qua.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 3 ngày bệnh nhân có sốt cao, rét run. Hai ngày sau bệnh nhân rơi vào trạng tháy rối loạn ý thức, lơ mơ, không tự chủ được đại tiểu tiện, yếu nửa người bên phải. Người nhà đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa Đông Anh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị viêm não và chuyển tiếp lên cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân nhập viện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng đờ đẫn, không tiếp xúc được, yếu và liệt chân tay, có xuất hiện cơn co giật. Bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt cao, sau đó rơi vào hôn mê sâu dần rất nhanh. Các bác sĩ đã phải đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản.
Theo ThS Cấp, hiện tại sau 1 tuần nhập viện bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy, tiên lượng hết sức nguy kịch. Trong trường hợp nếu đáp ứng điều trị tốt nhất, bệnh nhân có thể qua khỏi nhưng khả năng để lại di chứng về thần kinh, liệt người rất cao.
Bệnh nhân đang rơi vào tình trạng hôn mê tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh MH)
Bệnh nhân thứ hai là C.T.T, 18 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội. Qua khai thác tiền sử được biết, 4 ngày trước khi vào viện bệnh nhân có bị đau đầu, sau đố sốt cao 40 độ, có cơn rét run, buồn nôn rồi nôn nhiều. Bệnh nhân được người nhà đưa vào khám tại BV đa khoa Ba Vì, được chẩn đoán viêm não và tiếp tục được chuyển lên cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 17/6.
Tại đây, khi nhập viên bệnh nhân T đã rơi vào tình trạng tinh thần chậm chạp, lơ mơ, sốt cao liên tục. Bệnh nhân còn bị yếu cả hai bên chân tay. Tình trạng yếu cơ tăng lên nhanh chóng khiến bệnh nhân bị liệt toàn bộ chân tay. Đến ngày thứ 6 nhập viện, tình trạng liệt càng tiến triển, bệnh nhân còn bị liệt cơ hô hấp nên bác sĩ phải cho thở máy.
ThS Cấp cho biết, kết quả xét nghiệm, chụp phim khẳng định bệnh nhân T bị viêm não Nhật Bản. “Tình trạng của bệnh nhân này cũng rất nặng. Dù hiện tại bệnh nhân đã bỏ được thở máy nhưng các cơ tay chân vẫn còn bị liệt. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân T đã bị tổn thương lan tỏa cả vùng não, tủy sống nên chắc chắn sẽ có di chứng về thần kinh, dù có được cứu sống”, ThS Cấp nói.
Ngoài 2 trường hợp người lớn mắc viêm não Nhật Bản trên, hiện tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn có thêm một bệnh nhân nữ 19 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội mới được đưa vào viện ngày 1/7 với chẩn đoán viêm não. Bệnh nhân này đang chờ kết quả xét nghiệm sâu xem có chắc chắn bị viêm não Nhật Bản hay không nhưng tình trạng cũng rất nặng. Bệnh nhân đang bị hôn mê, đã bị phù não và tổn thương lan tỏa.
Dấu hiệu người lớn cần cảnh giác viêm não Nhật Bản
ThS Cấp cho biết, viêm não virus có 2 thể, trong đó có thể do virus tấn công trực tiếp vào não như virus viêm não Nhật Bản, virus herpes... Với thể virus tấn công trực tiếp này thường gây tổn thương noron thần kinh trầm trọng hơn.
“Với bệnh viêm não do virus herpes đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu người bệnh được điều trị sớm, tiên lượng rất tốt. Virus gây viêm não Nhật Bản hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, y học chỉ có thể điều trị hồi sức, duy trì, khả năng hồi phục phụ thuộc rất nhiều vào bệnh nhân nên tỷ lệ tử vong, có biến chứng cũng cao hơn. Chỉ có may mắn là viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh”, ThS Cấp nói.
ThS Cấp cũng chia sẻ thêm, thông thường viêm não Nhật Bản ở người lớn ít gặp hơn ở trẻ em và ca bệnh nguy kịch như 2 trường hợp trên lại càng hiếm gặp. Với 2 ca bệnh trên, dù chưa là nhiều và chưa đủ đưa ra kết luận có bất thường của dịch bệnh nhưng theo ThS Cấp nhận định “đây cũng là yếu tố lo ngại, cần phải được lưu tâm bởi giờ mới bước vào đầu mùa dịch viêm não Nhật Bản”.
Do virus gây viêm não Nhật Bản có thể tấn công ngay vào hệ thần kinh của người bệnh sau 1-2 ngày sốt cao nên ThS Cấp khuyến cáo người bệnh cần phải được phát hiện, điều trị sớm nhằm hạn chế tỷ lệ di chứng và tử vong. Theo đó, khi có các dấu hiệu bất thường sau: sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri thức người dân cần đến bệnh viện khám ngay để được sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh viêm não Nhật Bản.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dù bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi nhưng tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Người lớn có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản do chưa từng được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh trước đó hoặc có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác tại vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản. TS Phu nhấn mạnh, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi :Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình TCMR: Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản: Mũi 1: càng sớm càng tốt; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ngoài tiêm vắc xin, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho người lớn và cho cộng đồng, bao gồm: - Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà. - Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi. |