Biết tin đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, một thôn nghèo ở Hà Tĩnh tự nguyện góp tiền hỗ trợ. Nhìn vào danh sách đóng góp nhiều người không khỏi bất ngờ và xúc động.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền dòng trạng thái chia sẻ về việc ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc của thôn Sơn Trình (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Thôn này có hơn 90 hộ và hầu hết đều ủng hộ 500.000 đồng trở lên, không ít người ủng hộ 1 triệu đồng.
Danh sách ủng hộ của thôn nghèo khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Khi nhìn thấy danh sách ủng hộ này, tài khoản có tên "Hương Như" chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân rằng: "Sơn Trình, tôi biết đến là xóm nghèo nằm ven sông Ngàn Mọ, thuộc xã Thạch Lâm cũ, nay là xã Tân Lâm Hương. Nơi đây, bà con nghèo đói lam lũ nhất xã, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Đặc biệt, đây là địa bàn độc đạo, lại thấp trũng nên chưa mưa đã ngập, mà mỗi khi ngập lụt rất khó tiếp cận cứu trợ.
Trận lũ tháng 10/2020, Sơn Trình là xóm chịu hậu quả nặng nề nhất. Sau lũ, bà con gồng mình khắc phục hậu quả. Có lẽ, cũng chính vì điều đó mà họ thấm được nỗi đau mất mát. Trận lũ năm ấy, họ cũng đã được cả nước hướng về "nắm tay", bước qua hoạn nạn nên họ thấu cảm được nỗi đau, hiểu sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Nên hôm nay, khi hay tin miền Bắc đang oằn mình trong lũ lụt kinh hoàng, người dân Sơn Trình không ai bảo ai đều tự nguyện ủng hộ.
Nhìn danh sách ủng hộ, tôi giật mình dụi mắt, tưởng đọc nhầm con số… Họ không phải chơi trội, thích thể hiện, cũng không phải giàu có thừa thãi, mà chính họ từng ở trong cảnh ngộ như đồng bào miền Bắc nên thấm được nỗi đau".
Dòng trạng thái nhận được nhiều lượt like, bình luận, chia sẻ. Mọi người đều cảm thấy ấm lòng trước tấm lòng của người dân nơi đây.
Người dân thôn Sơn Trình tự nguyện mang tiền đi quyên góp, hỗ trợ.
Ông Phạm Bình Hòa, Trưởng thôn Sơn Trình cho biết, sau khi thôn kêu gọi họp tất cả hộ dân để bàn về việc hỗ trợ đồng bào miền Bắc đang chịu ảnh hưởng do thiên tai, người dân tự nguyện mang tiền đến quyên góp.
"Cuộc sống của người dân trong thôn đều rất khó khăn, vất vả, thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai. Thấu hiểu được nỗi khổ của bà con miền Bắc trong cơn bão lũ, người dân tự nguyện đóng góp. Đó thực sự là hành động đẹp đáng được trân trọng, lan tỏa", ông Hòa cho hay.
Thôn Sơn Trình chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ năm 2020.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết, Sơn Trình là xóm nghèo nhất xã, song việc ủng hộ hỗ trợ đồng bào miền Bắc lại thực hiện rất tốt. Khoản tiền ủng hộ hầu hết từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Thôn Sơn Trình có tổng cộng 92 hộ dân, tổng số tiền đóng góp lên đến gần 52 triệu đồng. Số tiền này đã được xã chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thạch Hà.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, năm 2020, người dân thôn Sơn Trình hứng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Thời điểm đó, bà con nhận được nhiều tình cảm, sự hỗ trợ của cả nước để ổn định lại cuộc sống. Nhớ mãi ân tình đó, nay có dịp để xóm nghèo sẵn sàng chung tay giúp đỡ đồng bào miền Bắc trong cơn bão lũ.
"Người dân thôn Sơn Trình cũng như toàn xã không bao giờ quên ân tình của đồng bào cả nước đã từng giúp đỡ. Nếu như tiếp tục kêu gọi hỗ trợ đợt 2 người dân trong thôn này sẵn sàng quyên góp tiếp. Người dân thôn Sơn Trình sẵn sàng cử nhân lực ra miền Bắc đóng góp sức để giúp đồng bào bão lũ sửa sang lại nhà cửa, ổn định lại cuộc sống", ông Ninh thông tin.
Những ngày qua, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh đã phát động phong trào quyên góp lương thực, thực phẩm hoặc người dân tự tay chuẩn bị đồ ăn nhanh để cứu trợ khẩn cấp đồng bào miền Bắc ruột thịt. Những tình cảm đó dù lớn hay nhỏ đều rất đáng quý - nó không còn dừng lại ở giá trị vật chất mà còn thể hiện sâu sắc giá trị về mặt tinh thần, là hiện thân của một tinh thần Việt Nam, hiện thân của sự đoàn kết, sự sẻ chia của đồng bào cả nước.
Theo báo cáo của Ban Vận động Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh, tính đến sáng ngày 14/9, có hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản, tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá gần 17,4 tỷ đồng.