Hôn nhân của bạn sẽ gặp họa nếu cứ mãi lôi chuyện quá khứ ra đay nghiến dù đó là chuyện chẳng thể nào thay đổi được nữa.
Bạn bước vào hôn nhân với kì vọng nó sẽ mãi mãi. Nhưng thực tế là, có những cuộc hôn nhân sẽ không kéo dài như người trong cuộc mong đợi.
Dưới đây là 10 điều thường xảy ra ở những cuộc hôn nhân đổ vỡ mà bạn có thể lấy đó làm bài học:
Kết hôn vì những lí do sai lầm
Điều này giống như một sự thật hiển nhiên, ngay từ khâu đầu tiên, khi lựa chọn “đối tác” bạn đã chọn nhầm người thì sớm hay muộn hôn nhân của bạn sẽ đổ vỡ. Bạn lựa chọn người kết hôn không phải vì tình yêu, không phải vì trái tim đồng điệu, có sự cảm thông và yêu thương nhau mà chỉ vì đối phương có… điều kiện phù hợp với mình như: địa lí ở gần, làm cùng một công việc, kinh tế vững vàng, đẹp trai…
Hãy nhớ rằng, tất cả những yếu tố bên ngoài đó đều có thể thay đổi, và nếu bạn lựa chọn bạn đời vì những điều đó thì khi nó không còn như ban đầu, chắc chắn bạn sẽ thấy chán, không hòa hợp và ly hôn. Ngay cả như mọi chuyện vẫn như ngày đầu thì sự khác biệt về tính cách cũng khiến bạn không thể dung hòa được khi sống lâu dài.
Hãy nhớ rằng, tất cả những yếu tố bên ngoài đó đều có thể thay đổi, và nếu bạn lựa chọn bạn đời vì những điều đó thì khi nó không còn như ban đầu, chắc chắn bạn sẽ thấy chán, không hòa hợp và ly hôn. (Ảnh minh họa)
Bị ngược đãi trong hôn nhân
Bạn bị xúc phạm, tấn công bởi những hành động tồi tệ như đánh đạp, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… Lẽ ra bạn cần phải đứng lên giành quyền bình đẳng cho mình nhưng vì sợ điều tiếng, vì muốn giữ cho các con một tổ ấm mà bạn im lặng. Bạn không dám đấu tranh, bạn không dám nói với những người xung quanh về tình trạng bị ngược đãi của mình.
Thực tế, sức chịu đựng của con người có hạn và cách mà bạn chịu đựng cũng không giải quyết được vấn đề. Đối phương sẽ thấy bạn yếu thế vì vậy mà càng ngược đãi bạn hơn. Nó giống như việc anh ta nắm được thóp của bạn vậy. Con cái của bạn phải sống trong một môi trường lạm dụng, thiếu tôn trọng nhau của bố mẹ sẽ phát triển không tốt về nhân cách và suy nghĩ. Chắc chắn, tới một lúc nào đó, bạn sẽ không thể chịu nổi và phải tự giải thoát cho mình.
Lôi quá khứ ra đay nghiến nhau
Không bao giờ là một điều tích cực khi bạn nói mãi chuyện quá khứ - chuyện mà giờ không thể nào thay đổi được nữa. Hồi tưởng lại những điều không tốt đẹp trong quá khứ sẽ chỉ làm cho hôn nhân của bạn gặp rắc rối và bất ổn. Bạn sẽ lại “sống lại” cảm giác thất vọng, tức tối thêm một lần nữa và trút giận lên đối phương.
Quá khứ là quá khứ, nếu bạn đã xác định bỏ qua để sống bên nhau, hãy để nó nằm lại phía sau và đừng bao giờ nhắc lại thêm nữa.
Tranh cãi chuyện tài chính
Các cặp vợ chồng sau khi kết hôn phải giải quyết một vấn đề rất lớn là tài chính. Đôi khi có những tình huống khó lường trước được, nằm ngoài dự kiện chi tiêu của hai vợ chồng như: hóa đơn bệnh viện, rủi ro về nhà đất, tài sản… có thể gây căng thẳng giữa hai vợ chồng.
Khi không có đủ tiền, bạn và chồng thường nảy sinh cáu gắt, khó chịu và cãi vã nhau. Hãy giữ bình tĩnh, bạn cần phải hiểu rằng cãi nhau lúc này cũng không thể tìm ra cách giải quyết. Chi bằng ngồi xuống, bàn bạc và tìm cách khắc phục.
Thiếu tôn trọng
Bạn và đối phương có thể khác biệt ý kiến về tôn giáo, chính trị, suy nghĩ về công việc, gia đình… Nhưng điều khiến vợ chồng vẫn giữ được hôn nhân là không miệt thị, chê bai, phủ nhận suy nghĩ của đối phương. Chúng ta có thể không giống nhau nhưng đừng bài trừ, hủy hoại nhau mà hãy tôn trọng. Hôn nhân thiếu sự tôn trọng, không sớm thì muộn cũng tan đàn xẻ nghé.
Quá kiểm soát đối phương
Thật là tuyệt vời khi chúng ta dành thời gian trong ngày để bên vợ/chồng của mình, cung cấp sự ngọt ngào, lãng mạn cho nhau. Nhưng… đừng bao giờ khống chế, kiểm soát quá mức với người bạn đời của mình.
Mỗi chúng ta đều cần có tất cả các mối quan hệ trong xã hội như với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Sẽ thật là tồi tệ khi chỉ vì kết hôn mà không được có thời gian bên những người khác. Khi bị ngăn chặn tất cả các hoạt động, các khoảng thời gian riêng… người trong cuộc sẽ thấy vô cùng ngột ngạt và tìm cách thoát ra.
Hãy cho nhau và cho chính mình một chút thời gian tự do, một khoảng không gian nhất định để kết nối và giao lưu với những người khác nếu bạn không muốn đẩy hôn nhân của mình rơi vào bế tắc.
Hãy cho nhau và cho chính mình một chút thời gian tự do, một khoảng không gian nhất định để kết nối và giao lưu với những người khác nếu bạn không muốn đẩy hôn nhân của mình rơi vào bế tắc. (Ảnh minh họa)
Thiếu tin tưởng
Hôn nhân chắc chắn sẽ đổ vỡ nếu bạn không tin vào người cùng mình xây dựng nên tổ ấm đó. Bạn không tin lời người ấy, bạn nghi ngờ năng lực, khả năng cũng như phẩm chất. Bạn hoài nghi, ngờ vực và coi thường. Chắc chắn rồi, sẽ chẳng có gì thành công nếu như bản thân người trong cuộc còn không tin là thế.
Thiếu hiểu biết
Nếu người bạn đời của bạn phải đối diện với những rắc rối trong công việc, nó ảnh hưởng tới tâm lí, sức khỏe cũng như tinh thần của anh ấy, thật dễ dàng để bạn trở thành một người tồi tệ nếu bạn thiếu hiểu biết về tình trạng của chồng/vợ mình.
Thay vì thấy những biểu hiện đó của chồng, bạn hét lên, khó chịu, trách mắng anh ấy không ra gì, hãy hỏi chồng gặp phải chuyện gì. Dù cho bạn không thể thay anh ấy giải quyết nhưng cách bạn lắng nghe, chia sẻ sẽ giúp bạn có cái nhìn cảm thông hơn. Khi bạn hiểu cho nỗi khổ của bạn đời, bạn sẽ không tạo ra khoảng cách trong tình cảm vợ chồng. Ngược lại, nếu bạn ngừng quan tâm, hiểu biết về đối phương, bạn sẽ tạo ra sự ức chế trong họ.
Giao tiếp kém
Giao tiếp là một điều vô cùng quan trọng trong hôn nhân. Một cuộc hôn nhân không bền vững nếu thiếu sự kết nối thông tin. Việc bạn “chẳng nói chẳng rằng”, tự làm theo ý mình, không có nhu cầu chia sẻ, cũng chẳng có nhu cầu quan tâm sẽ làm cho hôn nhân héo úa và tàn phai.
Nói dối
Trong mọi mối quan hệ, lời nói dối luôn là sai, nhưng trong một cuộc hôn nhân, nó có xu hướng làm tổn thương nhiều hơn. Bạn cảm thấy bị phản bội bởi chính người mà bạn yêu thương nhất, tin tưởng nhất. Nếu bạn định nói dối một điều gì đó, hãy tự hỏi lời nói dối này khi bị phát hiện sẽ gây nguy hại cho mối quan hệ của mình như thế nào? Bạn có thể bao biện rằng lời nói dối là để ngăn cho đối phương khỏi tổn thương, suy nghĩ nhưng thực tế, tất cả mọi người đều thừa nhận rằng, khi phát hiện ra bị nói dối, họ thấy đau hơn là việc phải đối mặt với sự thật.