Chồng tôi là giảng viên đại học nhưng vô cùng bê tha, anh ta hành hạ tôi mọi thứ.
Tôi đã về hưu, gần 40 năm lập gia đình, nay tôi đang bị hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác. Tôi muốn ly hôn mà không thể.
Chồng tôi là một giảng viên đại học, nhưng là người có nhân cách xấu xa, thường xuyên nhậu nhẹt, chơi bời gái gú, về nhà quậy phá đánh đập vợ con. Anh ta không bao giờ đưa tiền cho vợ, hễ tôi hỏi thì chửi dòng họ tôi ham tiền. Nhiều lần tôi nộp đơn ly hôn thì anh ta hành hung tôi, đánh đập con cái, chửi bới cha mẹ tôi. Nhìn bên ngoài không ai tưởng tượng nổi gia đình tôi phải chịu đựng những gì.
Tôi biết mình bất hạnh nhưng vì ba đứa con, tôi ráng chịu đựng. Kể cả khi chồng bị tai biến, nhiều người khuyên tôi bỏ mặc nhưng tôi vẫn dốc tiền bạc, công sức chạy chữa. Nay may mắn hai cháu đầu đã thành đạt, kinh tế ổn định, còn cháu Út thì đang học đại học. Tôi mệt mỏi quá rồi. Mấy ngày tôi nằm viện, anh ta để mặc tôi ăn cơm bệnh viện, vẫn đi nhậu. Tôi xuất viện tự về nhà, thấy nhà cửa ngổn ngang, tối anh nhậu xỉn về nhà lại đập phá, chửi bới, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi chẳng còn biết đi đâu, ngủ không được, bệnh của tôi lại trở nặng. Giờ tôi mong chị hướng dẫn tôi cách nào xin ly hôn nhanh nhất. Anh ta đã tuyên bố, nếu tôi xin ly hôn, thời gian tòa hòa giải càng dài thì anh ta càng quậy để làm tôi bị mất ngủ, đau ốm mà chết đi cho rảnh mắt…Trần Thị Phương (TP.HCM)
Dù là giảng viên đại học nhưng chồng tôi rượu chè, bê tha đánh đập vợ con suốt ngày (Ảnh minh họa)
Trả lời:
Chị Phương thân mến,
Sống trong cảnh đau ốm bệnh tật, lại thường xuyên bị bạo hành như thế, đúng là quá ngột ngạt. Trong hoàn cảnh đó, người ta mong muốn có cách nào đó nhanh nhất để thoát ra. Chị hỏi cách xin ly hôn nhanh nhất, nhưng tôi nghĩ khó mà nhanh được: quá trình ly hôn liên quan đến tài sản, con cái và quan trọng nhất là liên quan đến hai con người - trong đó chị thì mong nhanh chóng nhất, nhưng anh ta thì không, lại muốn trì hoãn để hành hạ chị. Vậy nên, chị phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật là ly hôn không thể nhanh được, cần tính đường dài để đạt được kết quả như mình mong muốn.
Vậy thì mình nên làm cái gì trước, nhanh hơn - ít ra là trước khi mình bị hành hạ cho đến kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần? Theo Hạnh Dung, chị nên chọn sức khỏe. Có sức khỏe thì mới tiếp tục “chiến đấu” được. Chị có thể tập trung vào chữa bệnh. Không ở nhà mình được thì ở nhà con, thậm chí thuê nhà ở để yên tĩnh mà chữa bệnh. Tất nhiên, chị phải quản lý chặt giấy tờ nhà, tài sản, tiền bạc. Chồng chị có nhiều hành vi xấu xa, nhưng ông ta bao nhiêu năm nay đã chứng minh là luôn giữ cái “danh”, cái “sĩ” giảng viên đại học. Mình phải “tương kế tựu kế” mà hành động: chị chỉ cần nắm chặt tài sản, bảo vệ con cái, khỏi cần giữ cái danh hão làm gì, vì càng cố giữ, anh ta càng biết chỗ yếu của chị mà quậy phá. Tất nhiên, mình cũng phải chấp nhận mất mát chứ không thể tròn vẹn được hết: mất sự êm thấm, mất hình ảnh “gia đình hạnh phúc”, mất tiếng “vợ thảo con hiền”. Nhưng đổi lại, chị được cuộc đời chị, thoát khỏi cảnh bị bạo hành, được tận hưởng cuộc sống.
Tôi muốn ly hôn càng nhanh càng tốt để giải thoát cho mình khỏi nỗi khổ này (Ảnh minh họa)
Nhiều việc cũng cần tính toán khi nộp đơn ly hôn, ví dụ như chị sẽ sống với ai? Cháu Út sẽ sống với ai? Còn đủ tiền bạc, tài sản để sống những năm về già không? Chị hưởng chế độ hưu trí, chắc cũng yên tâm được phần nào. Vấn đề bây giờ là mình thu xếp. 40 năm trong đời chị nín nhịn, chịu đựng vì các con, chắc các con chị sẽ hiểu. Hạnh Dung chỉ xin lưu ý: trường hợp của chị cũng là trường hợp của rất nhiều đôi vợ chồng, đến già, khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với con cái, mới thấy mình không thể chịu đựng được thêm nữa. Họ có thể sống ly thân, làm những việc mỗi người đã từng mong muốn. Không có gì phải vội vã mà ly hôn nhanh nhất có thể, nhưng cũng không có gì để mà tiếc nuối, giam cầm những năm tháng còn lại của đời mình trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hạnh Dung hy vọng và tin rằng câu hỏi bức bách của chị xuất phát từ sự cân nhắc, quyết định tỉnh táo, chứ không đơn thuần do trạng thái bệnh tật, mệt mỏi, đau đớn. Chúc chị mau khỏe, để đủ sức mạnh làm chủ quyết định của mình, cuộc sống của mình.