Thế mà các chị biết không, ngay sau khi chúng em vừa đăng kí kết hôn xong, tức là “ván đã đóng thuyền”, anh lại thú nhận với em một sự thật sốc.
Em và chồng sắp cưới đã có quãng thời gian yêu nhau hơn 1 năm, trước khi quyết định đi đến hôn nhân. Tình yêu của chúng em diễn ra êm đẹp, em với anh đến với nhau hoàn toàn tự nguyện.
Nhưng quả thật, tình yêu là chuyện 2 người, kết hôn lại là chuyện của 2 gia đình. Mọi sự yên bình trong mối quan hệ của em bị phá vỡ khi gia đình em đưa ra yêu cầu về sính lễ.
Các chị biết rồi đấy, các cụ có tư tưởng và suy nghĩ khác giới trẻ chúng mình. Nhất là quê em còn rất nặng nề hủ tục. Mọi người căn cứ vào sính lễ để đánh giá độ giá trị của một nàng dâu. Cũng như nhà nào gả con gái có sính lễ cao, bố mẹ sẽ đặc biệt tự hào, nở mày nở mặt với xóm giềng.
Em và chồng sắp cưới phải đau đầu vì sính lễ... (Ảnh minh họa)
“Nhà chúng tôi đẻ ra, nuôi con gái khổ cực thế nào, tôi chả nói thì anh chị cũng biết. Nay cháu về làm dâu bên ấy, thành người nhà anh chị, ngày ngày chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, chúng tôi có con gái lấy chồng coi như ‘bát nước hất đi’. Cháu nó lại ăn học thành tài, có công việc ổn định như vậy…”, bố em nói với bố mẹ anh khi nhà trai tới bàn chuyện cưới xin.
Tóm lại bố mẹ muốn món sính lễ là 100 triệu đồng tiền mặt, hoặc quy ra là 3 cây vàng! Nhà trai nghe xong, im lặng ra về, không trả lời gì cho bố mẹ em. Em biết, thế là hỏng bét cả rồi.
Nhưng bố mẹ em khăng khăng giữ nguyên ý kiến, nếu không sẽ không gả em đi nữa. Bố mẹ cấm đoán, em làm sao dám tự mình lấy chồng cơ chứ? Em với bạn trai nóng ruột vô cùng.
Về phía nhà anh, bố mẹ anh mới đầu tức tối lắm, kiên quyết chẳng cưới xin gì nữa. Hai bác bảo nhà em quá đáng quá thể, chê em “có ra thể thống gì đâu” mà làm như tiểu thư lá ngọc cành vàng. Em tủi thân vô cùng, khóc suốt ấy ạ.
Chẳng hiểu sao cuối cùng 2 bác lại đồng ý. Em vừa mừng vừa không dám tin đó là sự thật. Em hỏi chồng sắp cưới, anh gạt đi: “Em không cần lo”. Anh đã nói vậy, em cũng không dám hỏi nhiều nữa.
Em với anh tuy có công việc ổn định, nhưng lương đều không cao. Thú thực, mức sính lễ hẳn 100 triệu bản thân em thấy quá vô lý. Mức ấy chỉ dành cho những gia đình giàu có, chứ nhà em với nhà anh đều hạng bình dân cả. Bố mẹ em làm thế, khác gì muốn bán con!
Vì gia đình anh đã ưng thuận về sính lễ, nên em với anh nhanh chóng chuẩn bị các khâu cho đám cưới. Thế mà các chị biết không, ngay sau khi chúng em vừa đăng kí kết hôn xong, tức là “ván đã đóng thuyền”, anh lại thú nhận với em một sự thật sốc.
Khi “ván đã đóng thuyền”, anh lại thú nhận với em một sự thật sốc. (Ảnh minh họa)
Anh bảo, số sính lễ 100 triệu đưa sang nhà em kia, là bố mẹ anh đứng ra vay mượn. Sau này em về nhà anh, vợ chồng em phải cáng đáng trả. Chứ bố mẹ anh không có đâu mà cho tụi em cả.
Em choáng váng. Thảo nào nhà anh đồng ý dễ dàng như vậy. Hóa ra anh lén thuyết phục bố mẹ, nhờ bố mẹ vay tiền tổ chức cho xong cái đám cưới, trách nhiệm trả nợ anh sẽ đảm nhận. Mà em là vợ anh, số tiền ấy lại đưa cho bố mẹ em, em sao có thể đứng ngoài cuộc?
Bố mẹ em lại không phải kiểu nhận cho có lệ, rồi sau đó tặng lại các con đâu. Ông bà sẽ giữ lại luôn. Em phải trả nợ cho chính khoản tiền sính lễ của bản thân mình, nghe có dở khóc dở cười không?
Nếu em có điều kiện, em chẳng tiếc gì bố mẹ mình đâu. Nhưng với mức lương của 2 đứa em, đó là 1 số tiền lớn. Còng lưng trả nợ, tụi em biết sống thế nào, sinh con ra nuôi nấng con làm sao? Em phải làm gì đây?