Những chiếc túi xách được bảo quản đúng cách sẽ trở nên bền, đẹp và thậm chí còn có thể tăng giá trị sau một thời gian - nhất là đối với túi hiệu.
Là một món phụ kiện tuy nhỏ, song túi xách đối với nhiều chị em phụ nữ là cả "gia tài". Bởi quần áo, phụ kiện có thể thay đổi thường xuyên theo mùa, song khi đã đầu tư vào một chiếc túi xách chất lượng và phù hợp với phong cách thời trang của bản thân, chị em thường sẽ kết thân với món phụ kiện ấy một thời gian dài. Do đó, tranh thủ thời gian nghỉ dịch này, sao không bắt đầu "tân trang" lại các "con cưng" trong tủ đồ của mình để chúng thêm bền, đẹp với thời gian?
Một chiếc túi xách hàng hiệu được bảo quản đúng cách sẽ trở nên bền, đẹp và thậm chí còn có thể tăng giá trị sau một thời gian.
1. Bảo vệ da bằng dung dịch chuyên dụng
Để bảo quản phụ kiện bằng da, những loại sáp chuyên dụng như dung dịch bảo vệ, kem dưỡng ẩm cho da là món đồ không thể thiếu. Ngoài ra, trong trường hợp bạn muốn biết rằng đây có phải là sản phẩm phù hợp dành cho chiếc túi của mình hay không, trước khi sử dụng hãy thử một phần nhỏ ở đáy túi để xem da có bị mất màu hay không.
Thực hiện lau sáp chuyên dụng trên bề mặt da bằng khăn mềm khoảng 2- 3 lần 1 tháng đều đặn sẽ là cách để túi da luôn trong tình trạng bóng đẹp như mới và hạn chế các vết nứt, nổ thường thấy khi sử dụng đồ da.
2. Xử lý các vết bẩn
Trong quá trình sử dụng, túi xách của bạn có thể gặp nhiều vết bẩn cả ở bên trong lẫn bên ngoài làm cho vấn đề thẩm mỹ bị ảnh hưởng. Mỗi dạng vết bẩn sẽ có riêng một phương pháp làm sạch thích hợp mà bạn cần phải tham khảo:
- Vết nước/ bùn đất bẩn: Khi chiếc túi xách da của bạn bị ố bẩn bởi các vết bùn đất hay nước bẩn, việc đầu tiên là hãy để chúng khô tự nhiên. Sau đó, bạn sử dụng khăn mềm thấm nước để lấy sạch vết bẩn. Trong trường hợp không thể làm sạch, hãy mang túi đến cửa hàng làm sạch đồ da chuyên nghiệp.
- Dính thức ăn/ dầu mỡ: Đối với bề mặt túi bị dính thức ăn, bạn nên dùng bột phấn trắng rắc lên rồi để qua một đêm. Sáng hôm sau, sử dụng một miếng vải sạch lau đi.
Không nên dùng khăn giấy ướt để lau chùi đi các vết bẩn vì loại khăn giấy này chứa nhiều hóa chất, khi lau lên bề mặt túi da sẽ làm túi bị phai màu, nhăn nheo.
- Vết mực: Đối với những vết mực mới bị dính ngoài bề mặt, bạn có thể dùng cục gôm tẩy trắng để đánh bay vết bẩn ngay lập tức. Lưu ý, bạn không nên chà xát quá mạnh vì dễ làm màu mực loang rộng và bám chặt hơn vào túi xách. Với những vết mực đã khô lâu ngày, bạn cần mang túi đến các cửa hàng bảo quản để có cách xử lý chuyên nghiệp nhất.
- Vết bẩn cứng đầu hoặc bẩn quá nặng: Trong trường hợp này, bạn có thể thử kết hợp một chút xi đánh giày cùng màu với túi xách và đánh bóng một lượng nhỏ trong những khu vực dính bẩn.
- Vết bẩn trong lớp lót: Để làm sạch lớp lót bị dính mực hoặc mỹ phẩm, hãy dùng miếng bông nhỏ thấm cồn hoặc dung dịch làm sạch chuyên dụng.
Ngoài ra, bạn nên dùng một túi nhỏ trong suốt để đựng những vật dụng dễ làm vấy bẩn, biến dạng lớp lót bên trong trước khi bỏ vào túi xách.
3. Bảo quản dây đeo túi
Dây đeo là một bộ phận thiết yếu của túi xách giúp bạn có thể mang theo túi một cách tiện lợi. Tùy vào loại dây như dây xích, dây da, bạn có sẽ có cách chăm sóc khác nhau.
Đối với dây đeo da, để dây không bị nhão và đứt, bạn nên tránh treo túi, nhất là khi bên trong có chứa nhiều đồ. Ngoài ra, với loại dây có thể điều chỉnh độ ngắn dài, bạn nên thường xuyên cân chỉnh chiều dài túi xách thường xuyên nhằm hạn chế lớp da ở phần dây sẽ trở nên gấp khúc, nứt và tệ hơn nữa là có thể dễ bị đứt.
Với loại dây xích kim loại, trong thời gian sử dụng, bạn cần lưu ý tránh cho các dung dịch có khả năng oxy hóa dính trên dây. Ngoài ra, để dây xích luôn trông mới, bạn cần phải làm sạch thường xuyên bằng các chất bảo quản chuyên dụng.
4. Khử mùi túi
Khi cảm thấy túi có mùi khó chịu, bạn có thể "cấp cứu" bằng cách dùng chất tẩy mùi. Tuy nhiên, cần hạn chế việc sử dụng các chất tẩy như dung môi hoặc bình xịt mùi mạnh bởi đây là những chất dễ làm hỏng màu sắc của túi và thậm chí gây hỏng da trong một số trường hợp.
Ngoài ra, bạn có thể đặt bột nở cẩn thận trong túi và để trong vòng 24h. Sau một ngày, bạn sẽ cảm nhận được mùi hôi khó chịu sẽ được giải quyết nhờ vào sự hấp thụ của các hạt bột nở.
5. Giữ phom dáng túi
Nghỉ dịch lâu ngày không xài đến túi, hãy dùng giấy có khả năng hút ẩm nhét vừa đủ vào bên trong để giữ dáng túi được nguyên vẹn và tránh bị mốc. Ngoài ra, thay vì đặt túi trên nền hoặc các bề mặt dơ, có nhiều bụi, bạn nên sử dụng các loại bao để bọc kín túi, tránh bụi bẩn. Riêng phần quai túi thường được làm từ kim loại, nhằm hạn chế trường hợp bị đứt khi mang vật nặng, bạn có thể dùng khăn giấy có tính axit để làm sạch sau khi sử dụng.
Bên cạnh đó, bạn cần cất giữ túi ở những nơi thoáng mát và khô ráo, tránh để túi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì màu da nhanh mờ dần và bong tróc, nổ da.