Bàn chải đánh răng là vật dụng cơ bản không thể thiếu nhưng cũng chính là nguồn lây nhiễm bệnh tật nguy hiểm nếu như chúng ta sử dụng không đúng cách.
Theo 1 nghiên cứu của Đại học Manchester (Anh), trung bình 1 chiếc bàn chải đánh răng có chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn, bao gồm cả tụ cầu khuẩn và E.coli. Các nha sĩ cảnh báo rằng nhiều thói quen tưởng chừng vô hại nhưng thực chất đang khiến chiếc bàn chải đánh răng trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh hoặc con đường lây nhiễm bệnh tật đáng sợ.
1. Để chung bàn chải của nhiều người với nhau
Các gia đình thường có thói quen để chung bàn chải cùng một giỏ khiến các sợi lông bàn chải tiếp xúc với nhau làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, đặc biệt khi chúng còn ướt. Nếu một người mắc bệnh truyền nhiễm thì tất cả những người còn lại sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
2. Đặt bàn chải trong nhà vệ sinh
Đa số các phòng tắm đều gắn liền nhà vệ sinh và khu vực bồn rửa mặt. Mà hầu như chúng ta đều có thói quen để bàn chải trong này. Chúng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là khi đặt gần bồn cầu - nơi vi khuẩn có thể bay lên trong không khí sau mỗi lần bạn xả nước.
3. Đựng bàn chải trong hộp nhựa
Nhiều người cho rằng bảo quản bàn chải đánh răng trong hộp nhựa có thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn nhưng ngược lại, đó lại là cách làm sai lầm. Môi trường yếm khí trong hộp nhựa là điều kiện để các vi khuẩn phát triển mạnh. Chất liệu tối ưu giữ bàn chải sạch sẽ là hộp kính hoặc cốc thủy tinh. Điều quan trọng nhất là phần đầu bàn chải phải được làm khô và che phủ kín.
4. Không vệ sinh dụng cụ đựng bàn chải
Bụi bẩn và vi khuẩn sẽ tích tụ trong cốc, hộp đựng và thậm chí cả kệ đặt dụng cụ chứa bàn chải nếu không được vệ sinh kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên vệ sinh dụng cụ, ngăn đựng hoặc kệ đặt dụng cụ đựng bàn chải ít nhất 1 lần/tuần.
5. Không làm sạch bàn chải sau khi đánh răng
Khi đánh răng, lượng thức ăn thừa sẽ bám vào bàn chải, nếu không làm sạch thì chúng sẽ tiếp tục sinh sôi đến khi bạn sử dụng bàn chải cho những lần tiếp theo. Như vậy, bạn càng chải răng lại càng bẩn hơn và có nhiều nguy cơ gây tổn hại cho cơ thể.
Sau khi đánh răng xong, hãy đặt bàn chải dưới vòi nước và xả thật mạnh để lượng thức ăn thừa bị cuốn trôi hoàn toàn.
6. Dùng chung bàn chải với người khác
Dùng chung bàn chải thật sự rất mất vệ sinh và còn làm phát tán, lây chéo các loại vi khuẩn, bệnh tật. Khi đánh răng, bạn có thể làm tổn thương lợi và nhiễm khuẩn hay virus từ người khác. Tuyệt đối không được sử dụng chung bàn chải cho dù là người thân trong gia đình.
Ngoài việc thay đổi những thói quen có hại, bạn cũng cần chú ý đến việc giữ sạch bàn chải đánh răng để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Sau đây là một số cách vệ sinh bàn chải nhanh chóng và dễ dàng nhất.
- Dùng oxy già
Một trong những phương pháp được các bác sĩ nha khoa khuyên dùng đó là ngâm bàn chải đánh răng vào hỗn hợp nước oxy già. Chuẩn bị cốc nước nhỏ pha loãng một thìa nước oxy già, ngâm bàn chải trong khoảng 1 phút rồi rửa sạch bàn chải với nước nóng sẽ giúp loại bỏ phần lớn các vi sinh vật, vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng ẩn trong các sợi lông bàn chải.
Nếu không sử dụng oxy già, có thể thay thế bằng nước súc miệng có tính năng kháng viêm, kháng khuẩn.
- Dùng giấm trắng
Tương tự như oxy già, trong giấm trắng có chứa nồng độ axit axetic từ 4-7%, thậm chí lên đến 20% (ở một số loại giấm). Vì vậy, giấm pha loãng cũng có thể sử dụng như một hỗn hợp làm sạch, khử khuẩn phần đầu lông bàn chải đánh răng. Chỉ cần cho 2-3 thìa giấm trắng vào cốc nước rồi ngâm phần đầu bàn chải trong khoảng 2-3 phút. Kế đến, rửa sạch bàn chải với nước nóng và sử dụng như bình thường.
- Dùng nước sôi
Đây là cách làm nhanh chóng và dễ dàng nhất. Chỉ cần ngâm bàn chải trong nước nóng từ 3-5 phút là được.