Rửa bát là công việc hàng ngày nhưng chúng ta thường mắc những thói quen sai lầm dẫn đến việc bát đũa không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình.
Dưới đây là một số thói quen không tốt bạn cần phải lưu tâm. Liệu bạn mắc phải bao nhiêu trong số này?
1. Đổ nước rửa chén trực tiếp vào bát
Nhiều người quan niệm đổ nước rửa chén đậm đặc vào bát đĩa bẩn sẽ làm sạch hiệu quả hơn nhưng thực tế, chúng vẫn có khả năng làm sạch khi được pha loãng vì đã được tính toán khả năng tẩy rửa với tỷ lệ hợp lý. Việc sử dụng quá nhiều nước rửa chén chỉ khiến chất tẩy rửa bám chặt vào bát đĩa mà thôi. Nếu chẳng may rửa không sạch mà ăn phải hóa chất vào sẽ ảnh hưởng đến đường ruột, đặc biệt có thể gây tiêu chảy, đau bụng…
Cách tốt nhất là nên cho một ít nước rửa chén vào khoảng nửa bát nước, sau đó hòa đều cho loãng ra và sử dụng mút rửa như bình thường. Sau khi rửa sạch bát với nước sạch, bạn nên dùng khăn khô lau qua, phơi ở nơi thoáng mát.
2. Ngâm bát đũa trong bồn
Sau khi ăn xong, nhiều người thường ngâm bát đũa trong bồn rửa với suy nghĩ để thức ăn mềm ra, dễ vệ sinh hoặc do lười biếng. Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội cho thức ăn thừa, dầu mỡ lên men, có thể khiến vi khuẩn Staphylococcus, Salmonella và Escherichia coli... sinh sôi và bám vào bát, ngấm vào thân đũa. Một nghiên cứu cho thấy, nếu số lượng vi khuẩn ban đầu là 1000, thì sau khi ngâm trong nước khoảng 10 giờ, tổng số vi khuẩn đã tăng lên 70000 lần so với lúc đầu.
Do đó, nên rửa bát càng sớm càng tốt sau bữa ăn để giữ cho bếp sạch và để bảo vệ sức khỏe gia đình. Nếu muốn làm mềm thức ăn thừa hoặc loại bỏ bớt dầu mỡ, bạn có thể đun nước nóng và tráng lên bát đũa trước khi rửa.
3. Cho tất cả bát đũa vào bồn rồi rửa một thể
Các loại bát, đĩa, thìa đũa... bị bẩn ở nhiều mức độ khác nhau, có loại dính nhiều dầu mỡ hơn, vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Không chỉ vậy, chồng tất cả các loại bát, đĩa lên nhau dễ gây đổ vỡ, sứt mẻ, làm hỏng hay rút ngắn thời gian sử dụng đồ dùng của bạn.
Khi rửa bát, tốt nhất bạn nên rửa những đồ sạch sẽ hơn trước, tách chúng ra khỏi môi trường nhiều dầu mỡ, cặn bẩn, sau đó rửa bát, đũa,... có nhiều dầu hơn, để tránh nhiễm khuẩn chéo và tạo thêm không gian cho vi khuẩn phát triển. Xoong nồi nên tẩy rửa cuối cùng vì chúng có nhiều dầu mỡ mà có thể bám muội than từ vị trí đáy nồi tiếp xúc với bếp.
4. Không rửa ngay sau khi dùng xong
Không ít gia đình sau khi ăn xong không rửa bát đĩa luôn mà thay thường để lại một thời gian mới rửa. Trong khoảng thời gian này, vi khuẩn từ các chất bẩn có thể phát triển nhanh và bám chặt hơn vào các đồ dùng của bạn. Kể cả khi bạn đã vệ sinh sau đó, vi khuẩn vẫn có thể tích tụ hay ngấm vào dụng cụ bạn sử dụng. Tốt hơn hết, bạn hãy cố gắng rửa bát đĩa luôn sau khi ăn nhé.
5. Rửa với tay trần
Chất tẩy rửa trong nước rửa bát sẽ đẩy nhanh quá trình ăn mòn da tay khiến chúng trở nên thô ráp, thậm chí mắc các bệnh về da như viêm da tiếp xúc. Vì vậy, hãy dành ra ít phút để đeo găng tay trước khi rửa bát. Khi rửa bát với nước nóng, găng tay cũng sẽ giúp bạn tránh khỏi trường hợp bị bỏng bất chợt.
6. Sử dụng miếng rửa bẩn
Miếng rửa bát sau khi sử dụng một thời gian sẽ tích tụ vi khuẩn ở bên trong và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Loại mút rửa đọng lại rất nhiều nước, là môi trường lý trưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Loại lưới không rũ sạch sau khi dùng cũng có thể mắc lại thức ăn và bị phân hủy trên đó.
Vi khuẩn trong miếng rửa bát có thể xâm nhập trực tiếp vào bát đĩa nhà bạn. Theo các chuyên gia, gia đình bạn nên thay miếng rửa bát khoảng 1 tháng/lần. Sau mỗi lần rửa bát, hãy phơi ra nắng để miếng rửa bát được khô tự nhiên, đồng thời loại bỏ vi khuẩn bên trong nó.
7. Không vệ sinh bồn rửa bát
Bát đĩa của chúng ta được rửa hàng ngày nhưng ít ai nhớ đến việc phải vệ sinh cả bồn rửa bát nữa. Bồn rửa lâu ngày sẽ xuất hiện các vết ố vàng hay cặn bẩn, thậm chí là nhớt. Theo National Health Service Mỹ, trong bồn rửa nhà bếp chứa tới 100.000 vi trùng, gấp nhiều lần với phòng tắm hay nhà vệ sinh.
Vì vậy, cứ vài ngày hoặc 1 tuần thì nên vệ sinh bồn rửa một lần. Bạn có thể cọ rửa bằng chính nước rửa bát, baking soda hoặc giấm. Bát đĩa không thể sạch nếu môi trường xung quanh chứa nhiều vi khuẩn. Việc vệ sinh thường xuyên sẽ không mất quá nhiều thời gian và công sức, thay vì để cho bồn rửa bị bám chặt bởi những cặn bẩn.
8. Để bát đĩa còn nhiều thức ăn thừa
Việc dọn và tráng hết thức ăn thừa trên bát đĩa giúp bạn sắp xếp được những đồ cần rửa một cách khoa học. Không chỉ thế, việc làm này sẽ giúp bát đĩa nhanh sạch hơn, hạn chế tối đa việc bám bẩn lên miếng rửa bát. Ngoài ra, còn giúp hạn chế tắc nghẽn cho thức ăn bít đường thoát nước. Tóm lại, chỉ bỏ ra một chút công đoạn ban đầu, bạn có thể thao tác thuận lợi và hiệu quả làm sạch tốt hơn.
9. Chỉ tráng qua bát đĩa với 1 lần nước
Đây là công đoạn mà nhiều người không mấy coi trọng vì nghĩ chỉ cần hết bọt là bát sạch. Tuy nhiên, hóa chất vẫn còn có thể bám trên bề mặt chén bát. Bạn nên tráng thật kĩ nhiều lần, tốt nhất là dưới vòi nước. Nếu có thể, nên tráng thêm một lần nước nóng để loại bỏ hết hóa chất nguy hiểm.
10. Không lau khô bát đĩa
Bát đĩa trước khi cất lên kệ, tủ nên để khô hoàn toàn. Việc hơi nước hay độ ẩm vẫn còn tồn đọng sẽ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Bạn có thể phơi khô tự nhiên nếu trời nắng hoặc sử dụng máy sấy bát chuyên dụng. Nếu không, có thể dùng khăn sạch, mềm và lau sạch sẽ.