Chưa bao giờ gameshow hẹn hò trên sóng truyền hình Việt Nam lại rộn ràng và có phần bát nháo như mấy năm trở lại đây.
Không ngoa khi nói rằng, “khung giờ vàng” trên các kênh sóng truyền hình Việt hiện nay là “đất dụng võ” của các gameshow hẹn hò, mai mối. Nhưng, thật đáng buồn dường như các đơn vị sản xuất và cả chính người chơi đang lợi dụng cầu nối tình yêu này thành nơi “mua vui” trên sàn diễn với đủ chiêu trò hòng đạt được mục đích của mình. Tình yêu là lý lẽ của trái tim, ai có thể “đạo diễn được tình yêu” như một trò chơi?
Đừng lên sân khấu để chọn bạn, vì ở đó người ta đã hóa trang?
Chưa bao giờ gameshow hẹn hò trên sóng truyền hình Việt Nam lại rộn ràng và có phần bát nháo như mấy năm trở lại đây. Hễ bật tivi, khán giả lại được “chiêu đãi” đủ “món” hẹn hò, mai mối. Ở mặt nào đó, trong cuộc sống “công nghiệp” hiện nay nó cũng vai trò nhất định. Tuy nhiên, sự đổ bộ dồn dập của các chương trình không chỉ khiến khán giả “bội thực”, mà còn kéo theo những hệ lụy khó lường...
Ngược dòng, “cơn sốt” Bạn muốn hẹn hò lên sóng từ năm 2013 được xem là “món ăn lạ” và trở thành chương trình hiếm hoi có “chỗ đứng” trong lòng khán giả. Cho đến nay, show mai mối này đã se duyên thành công cho rất nhiều cặp đôi. Gần 6 năm “cầm trịch” chương trình, MC Cát Tường xúc động bày tỏ: “Dù không còn dẫn Bạn muốn hẹn hò, nhưng bây giờ đi đâu, tôi vẫn được mọi người gọi là "bà mai quốc quốc dân". Thật sự, đó là niềm hãnh diện của một người làm nghề. Bởi, giữa “rừng” show hẹn hò hiện nay, không phải MC nào cũng được lòng khán giả với danh xưng "bà mai".
Tôi không thể nhớ hết mình đã mai mối được cho bao nhiêu cặp đôi. Song, có rất nhiều cặp sau khi nên duyên đã quay trở lại cảm ơn chương trình và hai MC. Thậm chí, có những cặp đôi tổ chức đám cưới đã gửi thiệp mời tới tôi và anh Quyền Linh. Niềm hạnh phúc ấy không gì có thể sánh bằng được. Tôi nghĩ, hãy làm nghề bằng cái tâm, thì mình sẽ nhận được “quả ngọt”.
MC Quyền Linh và MC Cát Tường trở thành "ông mai - bà mối" mát tay nhờ dẫn show hẹn hò.
Nối gót thành công của “Bạn muốn hẹn hò”, các chương trình mai mối “ăn theo” nở rộ như “nấm sau mưa”. Có thể điểm qua những chương trình đã và đang phát sóng như: Lựa chọn của trái tim, Mảnh ghép tình yêu, Khúc hát se duyên, Vì yêu mà đến, Anh chàng độc thân, Vợ chồng son, Giai điệu chung đôi, Quý cô hoàn hảo,... và gần đây nhất là Người ấy là ai...
Món ngon đến mấy thưởng thức nhiều cũng chán, huống chi “bàn tiệc” hẹn hò có hàng tá chương trình lên sóng cùng thời điểm với nội dung na ná nhau, ngay cả người chơi cũng “quen mặt”, thử hỏi sao khán giả không ngán và “bội thực”. Chưa kể, nhiều chương trình không được đầu tư, sự dàn dựng và "tình yêu trên sàn diễn" càng khiến show hẹn hò trở nên kệch cỡm như trò hề.
Điển hình, chương trình “Người ấy là ai” mùa 3 vừa lên sóng đã nhận về cơ số “gạch đá” đủ để “xây” căn nhà. Thay vì đến với chương trình để kiếm tìm hạnh phúc đích thực, không ít người chơi bị “bóc phốt” giả tạo, lừa dối khán giả, “chạy sô” để “đánh bóng” tên tuổi. Sau đó, anh chàng đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì lời nói sai sự thật trên sóng truyền hình.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình hẹn hò khác cũng khiến khán giả bị “nghẹn” vì có quá nhiều “sạn”. Giai điệu chung đôi, Khúc hát se duyên,... không ít lần khiến người xem “la ó” khi khai thác chuyện yêu đương một cách sống sượng, quá đà, đến mức phô diễn “trắng trợn” sự dàn dựng. Hay, Lựa chọn trái tim dù hướng đến thông điệp “tình yêu thật sự thì không đến từ ngoại hình”, nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn, đầy rẫy sự giáo điều, sáo rỗng, trịch thượng và giả dối... gây nên sự phản cảm.
Trên thực tế có một câu nói rất hay và sâu sắc mà nhiều người vẫn truyền tai nhau “Đừng lên sân khấu để chọn bạn, vì ở đó người ta đã hóa trang”. Nhìn trực diện vào “rừng” show hẹn hò hiện nay, nó chẳng khác gì vở kịch được diễn lại, còn người chơi lại khoác lên mình chiếc mặt nạ “giả tạo”. Chính sự “sắp đặt” ấy đang hạ thấp giá trị đích thực của tình yêu. Vì lẽ đó khiến người xem phải đặt dấu hỏi về sự nghiêm túc của người chơi cũng như tính chân thật của chương trình: Se duyên hay câu view?
Đạo diễn Nguyễn Lớp.
Đạo diễn Nguyễn Love – người từng cầm trịch show “Lựa chọn của trái tim” trên VTV3 cho hay: “Việc một số gameshow dính tai tiếng, tôi cho rằng, đó là “tai nạn nghề nghiệp”, bởi không nhà sản xuất nào muốn chương trình của mình bị “tẩy chay” cả. Là những làm nghệ thuật, chúng tôi luôn muốn chương trình mang lại những giá trị riêng cho khán giả, nhưng nhiều khi không như mình mong muốn. Đợt tháng 7/2019, chương trình Lựa chọn trái tim có vướng ồn ào người chơi là Mon 2K hôn bạn trai “ngấu nghiến” trên truyền hình, đó là tính huống phát sinh. Chúng tôi cũng có rút kinh nghiệm để không có những hình ảnh phản cảm nữa:.
Đạo diễn Nguyễn Lớp
Tư duy "ăn xổi"
Thế nhưng, bất cần chương trình hay hay dở, phản cảm hay ít mang tính giáo dục, nhưng vì cái lợi trước mắt là rating (tỷ suất người xem) và quảng cáo, nhiều nhà sản xuất vẫn tiếp tục “đẻ” thêm phiên bản mới cho các show hẹn hò. Đáng nói, hầu hết các chương trình hiện này đều được “nhập ngoại”, mua bản quyền format nước ngoài, nhưng lại Việt hóa lỗi, chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Và, chuyện bị khán giả “chỉ trích”, “ném đá” sau khi lên sóng xảy ra như “cơm bữa”.
Chương trình Người ấy là ai mùa 3 liên tục vướng ồn ào.
Rõ ràng, các show hẹn hò này không phải là chương trình truyền hình trực tiếp, đơn vị sản xuất hoàn toàn có thể biên tập, điều chỉnh tình tiết phát sinh cho phù hợp. Đành rằng, chương trình giải trí nào cũng phải qua khâu dàn dựng, và không thể thiếu yếu tố thu hút khán giả. Nhưng, không thể vì thế mà người chơi hay nhà sản xuất lợi dụng, mang chuyện tình cảm ra đùa giỡn sỗ sàng, phản cảm như vậy.
Thiết nghĩ, một khi tư duy "ăn xổi" của các nhà sản xuất vẫn chi phối cách thức làm chương trình như hiện nay, có lẽ khán giả khó mà hy vọng những điều tốt đẹp sẽ có trong các sản phẩm mà họ tạo ra.
Nghịch lý đáng buồn
Xót xa thay, khi sóng truyền hình ngày càng “rộng đất” cho những gameshow “xàm - nhảm - vô bổ”, nhưng lại “chật chội” với các chương trình nhân văn, tử tế. Nghịch lý này khiến công chúng không khỏi buồn và hụt hẫng... Đâu rồi một thời cả gia đình quây quần bên nhau đón xem các show từ thiện, xã hội để cùng khóc, cùng cười và chia sẻ cùng nhau?
Gần đây nhất, một chương trình suýt bị “khai tử” vì... cạn kiệt nguồn tài trợ. Nếu không có sự chung tay tiếp sức của các mạnh thường quân, thì chỉ suýt chút nữa thôi... ánh đèn “tìm kiếm - kết nối - đoàn tụ” ấy đã phải... lụi tàn. Tuy nhiên, không phải chương trình nhân văn nào cũng có được may mắn ấy. Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Trở về từ ký ức, Ngôi nhà mơ ước,... và còn biết bao chương trình tử tế lấy nước mắt của khán giả, giờ chỉ còn trong hoài niệm.
Nhiều chương trình nhân văn, tử tế trở thành hoài niệm. (Ảnh minh họa)
Dù không mang lại lợi nhuận cao như gameshow giải trí, nhưng chính các chương trình nhân văn, tử tế mới thực sự có giá trị sâu xa và “níu chân” khán giả. Nhiều người đã phải thốt lên trong xót xa, chẳng lẽ lòng nhân ái và sự tử tế lại chỉ có giá trị khi nó mang về nhiều và thật nhiều tiền hơn nữa hay sao? Thiết nghĩ, nếu các đơn vị sản xuất chỉ mãi chạy theo những hào nhoáng, phù phiếm trước mắt, mà bỏ quên những giá trị nhân văn, đạo đức, thì sớm muốn cũng tự đẩy mình vào ngõ cụt.