MC Thảo Vân đã chính thức lên tiếng về việc có mặt tại chương trình Táo quân 2023. Chỉ có ít thời gian nên các nghệ sĩ đang gấp rút sắp xếp...
MC Thảo Vân: "Khi con thất bại hay chọn sai, đừng để con cảm thấy cô đơn và lạc lõng như bị cả thế giới quay lưng"
Nữ MC "Gặp nhau cuối năm" kể kỷ niệm đón con trai đi thi giữa trời nắng như đổ lửa, hé lộ nghề nghiệp phù hợp với sở trường của Tít.
Cũng như nhiều phụ huynh đang có con ở giai đoạn tiền đại học, MC Gặp nhau cuối năm Thảo Vân trải qua không ít cảm xúc đặc biệt trước dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của cậu con trai Tít (Gia Bảo). Chia sẻ với chúng tôi, nữ MC đã hé lộ nhiều điều trong việc đồng hành cùng con ở giai đoạn mấu chốt này. Cô còn có lời khuyên rất thấm thía cho các ông bố bà mẹ nếu lỡ con thất bại, chọn sai!
- Theo dõi Facebook, có thể thấy chị Thảo Vân luôn lo lắng và hồi hộp chẳng kém gì con trai trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, chị có thể chia sẻ cảm xúc/kỷ niệm đáng nhớ nhất với 2 mẹ con trong quãng thời gian vừa qua?
Thực sự mình rất hồi hộp và nghĩ bất kỳ người bố người mẹ nào có con trải qua kỳ thi THPT vừa qua đều có cảm xúc như mình! Mặc dù mình vốn là người mẹ không đặt nặng nhiều chuyện điểm số hay thành tích đối với con, cũng không bắt con phải thế này, thế kia.
Mình nghĩ đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của con, một dấu mốc rất đẹp của thời học sinh, không chỉ là tốt nghiệp một bậc học mà còn đánh dấu sự trưởng thành của các con. Cho nên mình có rất nhiều cảm xúc: Vừa hồi hộp, vừa vui, vừa bâng khuâng…
Với riêng hai mẹ con mình, mình luôn không ép con học quá căng. Khi ôn thi, Tít rất thoải mái, không nặng nề lắm. Có kỷ niệm nho nhỏ là hôm Tít đi thi, cậu nhất định không để mẹ đưa đi, mặc dù trời nắng như đổ lửa. Mình thì muốn đến đón sau khi con tan môn thi. Dẫu vậy, do địa điểm thi khá xa, đường đông và tắc suốt, hơn nữa lại có nhiều đường vào cổng trường, mẹ đi tìm con, con đi tìm mẹ, chạy đi chạy lại mãi mới gặp được nhau. Tít phải đứng chờ mẹ đến đón rất lâu, anh chàng cũng… không vui. Tuy nhiên đó cũng là kỷ niệm rất đáng nhớ của hai mẹ con trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi.
Một trải nghiệm khác đó là địa điểm thi của Tít dù xa nhà mình nhưng lại khá gần nhà một người em mình chơi thân. Cho nên Tít được “di cư” đến đó suốt mấy ngày thi. Dù con thi nhưng mẹ lại nhàn, chỉ ở nhà và hồi hộp thôi (cười). Còn người mà phục vụ con lại là nhà cô bạn. Bố mẹ của bạn mình cũng rất là thương Tít, ông bà chiều lắm, quan tâm, lo lắng như thể là cháu ruột của ông bà nên cũng rất thích. Hôm kết thúc kỳ thi, mình cũng đến đó, cả nhà cùng ăn bữa cơm với nhau rất là vui.. Mình thực sự trân quý những tình cảm như thế trong cuộc đời.
- Chị từng chia sẻ không tin tưởng ở Tít là việc con hơi lười. Vậy chị có bí quyết nào để giúp con thay đổi điều này?
Đúng, mình vẫn nói Tít lười nhưng để có bí quyết để thay đổi mình thấy hơi khó. Một phần do nhà ít người, có chị của Tít - cháu gái của Vân ở cùng nên chị thường làm việc nhà hết. Và một phần nữa cũng do mình chiều con. Tuy nhiên mình nghĩ chàng trai này khi bước qua tuổi 18, là tân sinh viên, chắc chắn sẽ trưởng thành, người lớn hơn chứ!
- Là người làm việc tại một trường đại học, chị có tư vấn cho con trai trong việc đăng ký các nguyện vọng vào ngành nào, trường nào?
Mình có trao đổi với Tít về nguyện vọng vào các ngành, dựa việc nhìn những khả năng, sở trường ở con. Tít là chàng trai khá nhanh nhẹn, năng động, nên mình nghĩ con có thể phù hợp với công việc mang tính quảng giao, sáng tạo như truyền thông. Thêm một điểm nữa, Tít cũng cãi “giỏi lắm” (cười) nên mình tư vấn con có thể học Luật. Tuy nhiên, ngành Luật cần sự nghiên cứu, đào tạo bài bản nên chưa chắc con đã đủ kiên nhẫn để theo đuổi.
Vậy nên mình hướng con học Truyền thông hoặc ngành Marketing Digital cũng khá hot. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có những đơn vị đào tạo bài bản và chuyên sâu về những chuyên ngành đó như ở Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội nên mình nghĩ đó là hướng rất tốt để Tít phát huy khả năng của mình.
- Chị tác động đến con trai như thế nào về việc hướng nghiệp? Tít thổ lộ với mẹ về mong ước nghề nghiệp tương lai ra sao?
Mình không tác động nhiều đến con trai trong việc hướng nghiệp mà chỉ cùng nhau trao đổi về công việc trong tương lai. Bản thân Tít cũng chịu khó xem, theo dõi các thông tin trên Internet để hiểu về những nghề nghiệp xu hướng hay những nhóm ngành nghề có thể bị thay thế trong tương lai bởi trí tuệ nhân tạo… Đó là tương lai còn xa xa nhưng đã phải nghĩ đến rồi.
Thực ra ở tuổi này, Tít có nhiều cái trưởng thành nhưng vẫn còn “non nớt” lắm. Và sự thật thì đến chúng ta, có khi đến tầm tuổi này, đổi việc đến tận 10 lần mà vẫn còn cảm thấy chưa làm đúng nghề, huống hồ gì các con mới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, mình nghĩ các con ở tầm tuổi này cũng vẫn còn gặp khó khăn trong chuyện quan sát mọi thứ xung quanh, suy nghĩ và nhận thức về những biến động của cuộc sống, kinh tế xã hội… Vậy nên cũng không khó hiểu khi con lúc bảo thích nghề này, rồi lại thích nghề kia.
Chính vì vậy, mình không đặt nặng ngay từ lúc này, con phải xác định rõ nghề nghiệp trong tương lai sẽ dựa trên niềm đam mê, yêu thích, sự phù hợp của con để phát triển đã, câu chuyện phù hợp hay thay đổi là ở phía sau.
- Bố Lý động viên con trai như thế nào và có định hướng gì cho con?
Thời gian này anh Lý vẫn đang hồi phục sức khỏe, anh ấy chỉ hỏi han chứ chưa thể dành thời gian nhiều để động viên con trai hay định hướng gì cả. Tít cũng biết tình trạng sức khỏe của bố nên cũng chia sẻ với bố để bố biết rõ tình hình. Chủ yếu Tít qua chơi, thăm bố và trò chuyện cùng bố.
- Nhiều bạn trẻ cho rằng học đại học làm gì vì ra đường quá nhiều người sở hữu 1 thậm chí 2 bằng đại học mà vẫn thất nghiệp? Chị nghĩ sao về quan điểm này?
Đây cũng là một thực tế đang diễn ra. Mình nghĩ nó không sai. Có nhiều người có 2 thậm chí nhiều bằng đại học lại không thành công, còn có người không tấm bằng đại học nào lại vẫn thành công.
Chúng ta thành công hay không, việc quyết định là ở cách chúng ta nỗ lực và cố gắng cho công việc như thế nào. Nếu làm việc gì mà hời hợt, không tâm huyết thì dù có nhiều bằng cấp cũng không ăn thua.
Chuyện thành công không phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu bằng, bạn có học đại học hay không mà là việc bạn phấn đấu và theo đuổi công việc thế nào. Chỉ cần bạn có công việc, bạn luôn đam mê và nỗ lực vì nó, thì chắc chắn sẽ có cơ hội để thành công!
- Có nhiều phụ huynh rất gay gắt nếu con không đỗ đại học. Nếu không may rơi vào trường hợp đó, chị nghĩ cảm xúc của mình sẽ như thế nào?
Phản ứng đó cũng xuất phát từ mong muốn của các bậc phụ huynh: Muốn con có được công việc ổn định sau này, tương lai tốt đẹp, nên cũng dễ hiểu và thông cảm được cảm xúc này.
Ví dụ bây giờ mà Tít không đỗ đại học, chắc chắn cảm xúc đầu tiên của mình là buồn, buồn lắm chứ. Bởi con đã bỏ lỡ mất một dịp rất quan trọng để xem khả năng của mình thế nào, sự cố gắng của mình đến đâu, mất một cơ hội rồi. Mình thấu hiểu tâm lý ấy ở các ông bố bà mẹ. Đấy là mình còn không quá tạo áp lực trong việc học hành của con, huống hồ nhiều bố mẹ luôn kỳ vọng ở con, nên phản ứng đầu tiên có thể là gay gắt khi con trượt đại học.
Nhưng mình tin, bố mẹ rồi cũng nhận ra một cách phù hợp để cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng ta cần hiểu, con trượt đại học, người không vui nhất là con. Các con mới là người đầu tiên buồn bã, khổ sở, ân hận… Lúc này, chúng ta là những người lớn hơn, từng trải và trưởng thành hơn, sự đối diện với những khó khăn của chúng ta ở chừng mực nào đó bình thản hơn thì chúng ta nên giúp các con.
Điều cốt lõi ở đây chính là sự đồng hành và thấu hiểu con, tránh việc đổ lỗi cho nhau, giận dỗi, thậm chí chửi rủa, đánh mắng con. Khi đó, mọi thứ đã ở đáy của cảm xúc rồi, chúng ta tuyệt đối tránh cảm xúc tiêu cực và việc làm tổn thương lẫn nhau, khiến không chỉ bố mẹ, con cái mà cả những người xung quanh rất là mệt mỏi. Bố mẹ cố gắng bình tĩnh vượt qua được giai đoạn này, mình tin là có rất nhiều cách để tiếp tục xem nên xử lý thế nào.
Chẳng hạn như có thể động viên con dành thời gian để ôn thi lại. Đúng là 1 năm rất dài nhưng không phải đến mức quá tệ. Hoặc cũng có thể trong giai đoạn đó con lại tìm được một niềm đam mê, học một trường cao đẳng nghề hay làm một công việc khác. Mình nghĩ là ổn mà. Con người chúng ta rất biết cách vươn lên để sống.
Không đỗ đại học sẽ chỉ là một trong rất nhiều những điều chưa thành công mà chúng ta sẽ gặp trong cuộc đời, chứ không phải là “ngày tận thế” hay trời đất sụp đổ. Nên bố mẹ và những người trong nhà cố gắng đồng hành cùng với con, để xem tới đây nên làm thế nào cho phù hợp.
- Khi con thất bại hay chọn sai, chị sẽ đồng hành cùng con ra sao?
Xuất phát từ điều trên nên mình cũng sẽ làm như thế nếu Tít chẳng may rơi vào trường hợp đó. Tất nhiên ở đây không loại trừ việc câu chuyện định hướng của người lớn dành cho con, có thể ở thời điểm này chưa đúng.
Khi con thất bại hay chọn sai, quan điểm của mình, chúng ta là người lớn, hãy đừng trách móc, trách cứ con, hãy cố gắng nhẹ nhàng để con cảm nhận sự yên tâm: Dù có thế nào, gia đình vẫn luôn ở bên con. Đầu tiên là giúp con giải tỏa cảm xúc, tránh việc con bị stress, cảm thấy có lỗi nặng nề, đừng để con cảm thấy bị cô đơn và lạc lõng như bị “cả thế giới quay lưng” ngay từ thất bại đầu tiên trong cuộc đời.
Song song với đó, hãy chia sẻ và cùng con phân tích để con tự nhìn nhận được việc lần này con chưa thành công nhưng sau này con sẽ cố gắng thay đổi để không lặp lại sai lầm. Từ đó tạo cho con tâm lý vững vàng để đương đầu với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống sau này.
- Chị đã lên kế hoạch về tài chính như thế nào cho quãng thời gian học đại học của con?
Mình vẫn luôn luôn để ý và dành dụm để cho Tít học trong tương lai. Mình không mong muốn lắm việc con vừa học vừa làm (tất nhiên có nhiều hoàn cảnh sẽ phải như vậy).
Tuy nhiên, với hoàn cảnh của nhà mình, mình cũng dành dụm khoản nho nhỏ, không nhiều nhưng đủ cho con trong những năm đầu đại học, để con tập trung học tập. Về sau này, con chững chạc hơn, con có thể biết tự lập, có công việc và vững vàng trong cuộc sống.
- Chị có nghĩ về việc đưa con đi du học để trải nghiệm nhiều hơn và có những tích lũy kiến thức, kinh nghiệm tốt cho tương lai? Chị đã sẵn sàng nếu con trai xa nhà?
Nếu như có điều kiện, mình nghĩ việc du học rất tốt, bởi chúng ta đều biết “Một bước chân đi ra là vô vàn điều mới”. Mình cũng rất mong muốn con có thể học, sau đó đi du học để mở mang tầm nhìn, để thấy cuộc sống bên ngoài vô cùng rộng lớn và bao la, con sẽ cần phải trang bị kiến thức, cố gắng như thế nào.
Du học được là tốt nhất, nhưng tất nhiên đó cũng vẫn là một trong những cách để con tiếp cận với kiến thức và cuộc sống thôi. Con hoàn toàn có thể học tập thật tốt trong nước, sau đó học lên, hoặc đi du học sau. Thậm chí kể cả việc đi du lịch cũng mang đến cho con nhiều trải nghiệm phong phú và thú vị.
Việc đi du học hay không là phụ thuộc vào mong muốn của con và sự cố gắng của con. Nếu Tít mong muốn, mình vẫn ủng hộ hoàn toàn trong việc tìm hiểu đi du học ở đâu, như thế nào và thời gian bao lâu. Mình sẵn sàng đồng hành cùng con, trao đổi, chia sẻ thẳng thắn cùng con, bởi chỉ khi chia sẻ cởi mở như vậy, nhiều vấn đề mới được giải quyết!
Chân thành cảm ơn chị Thảo Vân vì những chia sẻ thú vị. Chúc hai mẹ con gặt hái được những thành quả thật ngọt ngào!
Tin liên quan
Ngoài ra là những thông tin: Con gái út của Khánh Thi mặc lại đồ cũ của chị gái, 2 nhóc tì có biểu cảm giống y hệt nhau; Hoà Minzy lên tiếng...
Nữ MC phải bất ngờ với con trai và bày tỏ với bạn bè rằng "quá khôn, tính đâu ra đấy".
MC Thảo Vân gặp tình huống tréo ngoe bị nhầm là vợ Tự Long, bạn bè truy "Cưới lúc nào mà không mời?"
Nhiều bạn bè đã trêu nữ MC cưới lúc nào mà không mời họ. Cô cũng nghĩ phản ứng của Tự Long là: "Long nó chắc khóc thét".
Tin bài cùng chủ đề Gỡ rối cho bố mẹ có con tốt nghiệp THPT
Nữ diễn viên Quỳnh Lương đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả hơn sau những dự án thành công. Nhưng cô từng có khoảng thời gian khó khăn sau khi rời khỏi mái trường phổ...