Nỗi đau của các bệnh nhân trong 'khách sạn ung thư' TQ

Ngày 05/05/2015 14:00 PM (GMT+7)

Tòa nhà 2 tầng ở phía tây Bắc Kinh, cách bệnh viện nghiên cứu và điều trị ung thư hàng đầu Trung Quốc vài trăm mét, đã trở thành nơi chứa đựng những nỗi đau không kể xiết của các bệnh nhân.

Địa phương gọi là "khách sạn ung thư" vì nhiều bệnh nhân nghèo trên khắp đất nước đổ về đây chữa trị đều muốn chỗ ở tạm thời giá rẻ này.

Vào ban đêm, những tiếng nức nở, đau đớn của các bệnh nhân vọng ra ngoài hành lang. Họ chấp nhận xa nhà vì ở vùng nông thôn và các thành phố nhỏ không đủ phương tiện lẫn bác sĩ giỏi chữa trị.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 1

"Tôi nghĩ tôi đã sụp đổ khi nghe tin", anh Liu Dajiang, người đang chăm sóc vợ bị ung thư cho biết.

Họ đã sử dụng một phòng trong khu nhà nghỉ khiêm tốn này để chờ đợi được hóa trị, phẫu thuật và xạ trị tại bệnh viện. Hai vợ chồng anh đã sống ở đây kể từ khi vợ anh phát hiện bị ung thư cổ tử cung vào tháng 9/2014.

Không có dịch vụ chăm sóc y tế tại chỗ nhưng bù lại họ có một căn bếp công cộng để tiết kiệm chi phí dành cho chữa bệnh.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 2

Tỷ lệ ung thư tăng mạnh

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tỷ lệ ung thư ở Trung Quốc đang phát triển mạnh với 2,2 triệu người chết vì ung thư mỗi năm - nhiều người trong số đó có thể được ngăn chặn. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và phụ nữ thì bị ung thư vú.

Bernhard Schwartlander, Trưởng đại diện WHO tại Trung Quốc bày tỏ, những khách sạn ung thư phát triển xung quanh bệnh viện có uy tín ở các thành phố lớn là minh chứng cho thấy sự yếu kém trong hệ thống y tế của Trung Quốc. Hầu hết bệnh nhân không được lựa chọn nơi ở có giá cả lẫn chất lượng tốt để điều trị ung thư.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 3

Điều trị ung thư rất tốn kém và bảo hiểm thì không chi trả đầy đủ. "Bỏ tiền túi của mình để dùng thuốc chữa trị ung thư là khoản tài chính khổng lồ đối với các hộ nghèo ở nông thôn. Bởi vậy, một chẩn đoán ung thư là thảm họa tài chính đối với nhiều người, đẩy các gia đình càng nghèo hơn.

Mặc dù hầu hết các bệnh viên quận có chẩn đoán ung thư và khả năng điều trị nhưng một số người tin rằng chất lượng tốt nhất vẫn ở các thành phố lớn. Tuy nhiên đây không phải là lựa chọn tốt", Bernhard cho biết.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 4

Căn phòng thuê của vợ chồng anh Liu có 2 giường, không có nội thất gì thêm trừ một chiếc ti vi. Vợ anh Liu nằm trên giường nhắm mắt mặc dù ti vi đang bật. Cô cũng không muốn nói chuyện với ai. "Cô ấy rất yếu và hiếm khi được ra khỏi giường. Chúng tôi chỉ đi bộ xung quanh khu phố", anh Liu cho biết.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 5

Những mảnh đời bất hạnh

Anh Meng, chủ khách sạn ung thư cho biết, anh đã gặp nhiều bệnh nhân phải bán cả nhà để chữa bệnh. Hầu hết trong số họ được chữa khỏi nhưng nhiều người đã không bao giờ bao giờ quay trở lại.

Trong năm 2010, Meng cho cải tạo nhà thành một khách sạn 70 phòng với 10 phòng tắm công cộng.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 6

"Các bệnh nhân cần được bồi bổ và họ có thể làm bất cứ món gì khi muốn ăn ở đây. Tất cả mọi người đều sống hòa hợp và quý mến nhau vì có chung nỗi đau bệnh tật", Meng lý giải.

Chủ khách sạn cũng tâm sự rằng đã nghe vô số những câu chuyện về sự bất hạnh lẫn đau đớn.

Một người đàn ông giấu tên, quê Cát Lâm, đã ở tại khách sạn này gần 2 tháng với vợ và con gái. Ông đến Bắc Kinh sau khi phát hiện bị ung thư vòm họng và đang xạ trị tại Bệnh viện Ung thư Bắc Kinh. Ông đã mất 70.000 USD kể từ khi biết bệnh.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 7

"Mọi người đều muốn có một bác sĩ tốt tuy nhiên bác sĩ của tôi còn không muốn tốn hơi nói chuyện với tôi", người đàn ông này bày tỏ.

Nỗi đau của các bệnh nhân trong khách sạn ung thư TQ - 8

Vợ anh Liu sẽ chụp X-quang lần cuối trước khi rời khỏi khách sạn về nhà. Nhưng số tiền 30.000 USD nợ kia là gánh nặng đối với vợ chồng anh. "Chúng tôi phải đếm từng đồng xu để sống. Chúng tôi là nông dân, không có khả năng chi trả y tế cao như vậy", anh Liu buồn rầu nói.
 

Tào Nga (CNN)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự