Lấy chồng rồi là con của người ta

Ngày 25/12/2014 00:06 AM (GMT+7)

Một khi mẹ cha đã đưa con sang nhà người khác làm con, nghĩa là con phải sống mạnh mẽ và bản lĩnh hơn.

Dù ở nhà con gái có được mẹ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thì khi đã gả cho người khác thì con sẽ trở thành con của người ta. Sướng khổ bây giờ cha mẹ không thể nào quyết định được nữa. Hư hay ngoan cũng không phải cha mẹ nói mà ra. Có lẽ chính vì thế, mà ngày lên xe hoa, có mấy người con gái cầm được nước mắt khi nghĩ ngày mai phải xa mẹ, xa cha, xa anh, xa em… Để đến sống ở một nơi dù có người đàn ông mình yêu thì vẫn lạ nhà, lạ nước, là người, lạ bạn, lạ cả đường đi lối về…

Trước khi nhà trai đón dâu, mẹ Chị dặn: Khi họ đón dâu đi thì con đừng quay đầu lại. Nếu quay đầu lại thì sẽ không tốt đâu con. Chẳng biết có phải là khi cô dâu bước chân đi quay đầu lại có gì là không tốt? Chị cũng không biết nữa, chỉ biết là mẹ dặn thế thì sẽ ngoan ngoãn mà làm theo. Sau này rồi, mới nghĩ: Có lẽ mẹ dặn vậy chỉ là là để con gái không nhìn thấy ánh mắt rưng rưng của cha mẹ mình mà òa khóc nức nở thôi, cô dâu mà khóc sẽ xấu lắm! Và quan trọng hơn, có lẽ mẹ muốn dặn khéo con gái là: Khi đã bước chân đi làm dâu, thì sướng hay khổ con cũng gắng mà chịu, đừng nghĩ quay đầu lại là dễ! Đừng nghĩ bước chân quay về là có lối mà đi. Đời người đàn bà làm dâu là khổ, nhưng nếu suốt đời không được làm dâu nhà ai thì còn khổ hơn nhiều!

***

Thế nhưng, mặc dù mẹ đã dặn đừng có quay đầu lại, mà khi chiếc xe dâu chuyển bánh, chị cũng không thể nào ngăn được mình ngoái đầu lại nhìn cha mẹ đứng trên cầu nhỏ nhìn theo bóng chiếc xe đón dâu xa dần. Vẫn biết là trước sau gì con gái lớn cũng phải đi lấy chồng, mà đi lấy chồng chứ có đi đâu mất đâu. Nhưng có bao nhiêu thứ cảm xúc nghẹn ngào cứ ứ lên trong cổ và rồi trào dâng lên khóe mắt. Để rồi, chị cũng không ngăn được cơn nức nở cố nén trong ngày vui của mình. Mặc dù, tất cả là do chị lựa chọn, là do chị muốn được lấy người mình yêu, là chị tự nguyện về nhà anh dù xa cách nghìn trùng…

Lấy chồng rồi là con của người ta - 1

Chị về nhà chồng như bao nhiêu người con gái khác. Chỉ khác là chị làm dâu xứ người.
(Ảnh minh họa)

Lúc yêu thì thấy mọi chuyện đơn giản lắm! Và chị cũng luôn nghĩ: tình yêu có thể vượt qua được tất cả. Mà sao ngay lúc đặt bước chân đầu tiên lên con đường mà mình đã chọn ấy, chị lại không thể nào nén được cơn nức nở cứ cuộn lên trong lòng mình. Tình yêu phía trước thì chưa có kết luận, còn phía sau thì coi như đã bước chân qua. Bỗng dưng trong cái phút giây đáng nhẽ là hạnh phúc toại nguyện nhất ấy, chị lại thấy lòng mình có chút thắc thỏm, lo lắng…Còn anh chỉ biết lặng lẽ lau giúp chị giọt nước mắt đang lăn hối hả trên đôi má hồng, và làm nhòa cả mascara trên mắt. Nhìn cô dâu mà lem luốc như đứa trẻ nghịch dại. Chẳng biết lấy chồng sớm, lấy chồng xa có là trò “nghịch dại” hay không? Đôi khi tình yêu không phải khi nào cũng chỉ cho người ta đi đúng con đường hạnh phúc. Nhưng có lẽ chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho chị nỗi thắc thỏm lo âu đó!

Dù trong đời người đàn bà, khi có thể hiểu ra được nhiều điều, cũng là khi biết chắc được một điều: Khi biết đời mình cần cái gì nhất, cũng là khi người đàn bà chỉ có thể nói lại điều đó cho con gái của mình chứ không thể nào nói được cho cuộc đời mình được nữa. Nhưng có được mấy người con gái có thể hiểu được những điều mẹ dạy. Họ lại cần có thời gian để học và khi học ra được những điều mẹ nói là đúng thì họ cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn con gái mình bước đi trên con đường như mình đã từng đi mà thôi! Và người đàn bà lại tiếp tục nói với con gái mình rằng: Khi đi lấy chồng rồi, con sẽ là con của người ta! Và đừng quay đầu lại!

***

Chị về nhà chồng như bao nhiêu người con gái khác. Chỉ khác là chị làm dâu xứ người. Nhưng khi ấy chị đã  nghĩ: khoảng cách không phải là thứ có thể ngăn cách được tình yêu trong thời buổi hiện đại này. Và dù là về sống ở nhà “người ta”, nhưng chị đã nhủ lòng mình sẽ: coi mẹ chồng như mẹ đẻ, cha chồng như người sinh thành. Bởi cha mẹ cũng chính là những người sinh ra người đàn ông mà mình yêu thương nhất. Dù cho những ngày đầu, gọi cha gọi mẹ mà vẫn ngượng ngùng đỏ mặt, xưng con mà vẫn thẹn thùng. Đó là cái cảm giác hết sức tự nhiên thôi. Sống gần nhau rồi cũng sẽ thành quen thân, mến trọng nhau thì cũng sớm thành ruột thịt. Chỉ là khi ấy chị chưa biết được, rằng thời gian nhiều khi làm phai nhạt những thứ mà bắt đầu thì có mặn nồng. Hẳn người dưng thì khó thành người thân. Và kiếp làm dâu chưa khi nào làm nên được quãng thời gian ngọt ngào nhất trong đời người phụ nữ. Nó chỉ khiến nước mắt có thể cạn vơi mà thôi!

Những khi oan ức tủi hờn, chị cũng chỉ biết khóc thầm. Vì mẹ dặn  rồi: khó đến mấy cũng đừng quay đầu lại! Sẽ không còn nữa cái khoảng thời gian sung sướng bên mẹ cha. Nếu cứ nghĩ mãi về những tháng ngày đã qua thì sẽ không thể nào sống được với những tháng ngày của hiện tại và phía trước. Cho nên đừng nhìn lại và cũng đừng nuối tiếc.

Lấy chồng rồi là con của người ta - 2

Con đường trưởng thành của người đàn bà, chính là được trải bằng nước mắt và trải nghiệm. (Ảnh minh họa)

***

“Cha mẹ anh cũng như cha mẹ em”. Chỉ vì, đúng rồi, đó không phải là thứ tình cảm không có lí do, nó có một lí do, lí do đó là vì: chị yêu anh. Chị yêu anh nên sẽ nguyện lòng yêu cả cha mẹ anh. Nhưng có một điều mà ai cũng biết: tình yêu cũng có khi đầy khi vơi, khi nồng khi nhạt, khi ngọt khi cay… Và cuộc sống vợ chồng cũng có khi va chạm, giận hờn, bất đồng, mâu thuẫn… Và có nhiều khi chính người trong cuộc cũng muốn buông tay… thì có lẽ nào thứ tình cảm kéo theo kia có thể nào không đầy không vơi, không mặn không nhạt, không đắng không cay?... Có những phút giây, tất cả những “người dưng” mà chị nguyện sẽ thương yêu như “người thân” ấy cùng đứng về bên kia chiến tuyến. Chị thấy mình cô độc và bơ vơ. Nhưng nghĩ tới con nhỏ, nghĩ tới lời mẹ dặn: Khi bước chân đi, con đừng nhìn lại. Mà chị lại nhủ lòng phải tiếp tục bước lên phía trước, phải tiếp tục vượt qua giông bão. Giờ là con người ta, người ta thương thì mừng, người ta ghét thì phải chịu. Giống như phận làm con không được chọn mẹ cha. Đàn bà có thể chọn chồng, nhưng cũng không thể chọn được cha mẹ chồng.

Cho nên nhiều khi có gọi điện cho mẹ chị phải cố gắng giấu đi tiếng khóc, gặng mà cười cho mẹ vui, cố giấu đi nỗi khổ và nghĩ tới những hạnh phúc mà mình không có để nói cho mẹ nghe. Giấu đi những tủi hờn mà vẽ ra những niềm vui… Vì giờ chị đã là một người đàn bà, không còn là đứa con gái trẻ bồng bột dại khờ mà mẹ vẫn phải bao bọc nữa. Bây giờ có khóc, cũng chỉ có người đàn ông bên cạnh có thể nhìn và lau nước mắt cho thôi. Còn nếu như người đàn ông chị chọn cũng không còn nhìn thấy giọt nước mắt như ngày chị khóc đầu tiên trên xe cưới thì chị cũng sẽ tự lau nước mắt cho mình.

Một khi mẹ cha đã đưa con sang nhà người khác làm con, nghĩa là con phải sống mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Là con của mẹ của cha thì có thể được biếng lười, được ăn cơm mẹ nấu, được tiêu tiền cha cho, được dỗ dành khi khóc, được an ủi khi tủi hờn, được động viên khi thất bại… Nhưng làm con người ta thì phải biết tự chăm sóc mình, biết tự lau nước mắt cho mình, phải biết tự dựng mình lên khi vấp ngã, và tự biết làm lại khi thất bại, tự biết mỉm cười sau khi đã lau khô nước mắt… Con đường trưởng thành của người đàn bà, chính là được trải bằng nước mắt và trải nghiệm. Mà quãng thời gian làm con người ta chính là quãng thời gian dạy cho người đàn bà nhiều thứ thấm thía nhất trong đời. Cho nên người mẹ nào cũng ngậm ngùi khi tiễn con gái đi làm con người khác.

Đ.Thủy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện nhà chồng