Văn hóa vứt rác đâu rồi?

Ngày 14/10/2013 13:57 PM (GMT+7)

Mới sáng sớm, tôi đã nghe văng vẳng bên tai tiếng cãi nhau của hai chị hàng xóm. Có mấy nhà đi chung một con ngõ hẹp, nhưng vấn đề vứt rác thì chưa bao giờ chấm dứt.

Mà chuyện cũng chỉ xoay quanh việc nhà nọ để rác trước cửa nhà kia, rồi chó mèo bới tung tóe, không ai nhịn ai, thế là lời qua tiếng lại. Trong khi điểm tập kết rác ở ngoài đường lớn, cách có mấy bước chân, người ta đã để sẵn xe rác ở đấy. Thế nhưng không ai chịu đi, vẫn để rác ra ngõ và cãi nhau. Mà cái sự cãi nhau này mệt hơn nhiều so với việc xách rác đi thêm mấy bước, vứt vào đúng nơi quy định. Tôi tự hỏi: Người Việt Nam có văn hóa vứt rác không?

Việt Nam đang tiến nhanh vào thời kỳ công nghiệp hóa, khi rác thải càng ngày càng nhiều thì việc vứt rác không phải là chuyện nhỏ mà thực sự là vấn đề văn hóa của mỗi cá nhân. Vứt rác cũng có lắm kiểu, có người cho vào túi bóng buộc cẩn thận, để gọn gàng vào xe rác, có người xách cả xô cứ thế úp xuống, mặc cho rác vung vãi. Có người vứt rác đúng nơi quy định, nhưng cũng có người cứ thấy chỗ nào vắng vẻ là vứt, ở đâu cũng được, miễn không phải nhà mình. Nhiều lần đi trên đường, tôi suýt bị các vật thể lạ bay vào mặt vì những người ngồi trên ô tô ném xuống. Tôi tự hỏi: Nếu họ là người đi đường, gặp phải trường hợp như vậy họ có bực mình không?

Ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, cứ sau mỗi sự kiện tụ tập đông người là bờ hồ lại tràn ngập rác thải. Thành phần tham gia xả rác thì đủ cả: già trẻ, gái trai, lớn nhỏ. Trong đó có cả những người gốc Tràng An vốn nổi tiếng ngàn năm thanh lịch. Chỉ thương các công nhân đô thị, họ lại có thêm một ngày lao động vất vả để giải quyết hậu quả do những người thiếu ý thức gây ra.

Văn hóa vứt rác đâu rồi? - 1

Rác vứt đầy trên đường, không có trật tự (ảnh minh họa)

Vứt rác bừa bãi thể hiện tính ích kỷ, cá nhân. Con người ta chả ai thích bẩn, nhưng nhiều người lại chỉ biết giữ gìn vệ sinh cho bản thân mà quên mất cộng đồng. Ít ai nghĩ được rằng, mình cũng là một thành viên của cộng đồng, giữ vệ sinh cho cộng đồng cũng chính là giữ vệ sinh cho bản thân. Chúng ta học những điều to tát, dự định những điều lớn lao, nhưng chúng ta đôi khi không làm nổi những điều nhỏ nhặt như vứt rác đúng nơi quy định.

Thử hỏi, một xã hội mà ai cũng xả rác ra đường thì sẽ thế nào? Một đất nước tràn ngập rác thải thì sẽ ra sao trong mắt bạn bè quốc tế? Còn ai muốn đến Việt Nam du lịch? Còn ai muốn hợp tác, thuê mướn những người kém ý thức như vậy? Thế có phải, chúng ta đang gián tiếp làm tổn hại đến chúng ta không? Riêng ảnh hưởng trực tiếp về môi trường thì đã thấy rõ, nước và không khí càng ngày càng trở nên ô nhiễm vì rác thải. Nếu vấn đề này không được xử lý kịp thời thì sự phát triển bền vững có nguy cơ bị đe dọa.

Người dân xả rác ra môi trường, các doanh nghiệp cũng đua nhau xả, hiện tượng đổ trộm phế thải gây cản trở giao thông không phải là hiếm. Đổ ngày không được, người ta tranh thủ đổ ban đêm, khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì sự đã rồi, chả bắt được tận tay ai mà quy kết trách nhiệm. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì các loại phế liệu đổ không đúng nơi quy định gây cản trở việc đi lại.

Văn hóa vứt rác, theo tôi cũng là một phần của văn hóa ứng xử, vì thế, không hẳn cứ là người học vấn cao mới là người có văn hóa cao. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện của thầy giáo tôi kể rằng: có lần, thầy lái xe chở một vị giáo sư Việt Nam và một sinh viên nước ngoài. Giáo sư của Việt Nam uống nước xong vứt luôn chai ra đường. Trong khi đó, cậu sinh viên nước ngoài uống nước xong thì cho vỏ chai vào ba lô, xuống xe, cậu đi tìm thùng rác rồi mới vứt vào đấy.

Tại sao chúng ta hay vứt rác bừa bãi? Theo tôi, điều này có một phần nguyên nhân khách quan, đó là sự phát triển chậm của nền kinh tế dẫn đến sự lạc hậu trong nhận thức. Người Việt Nam vẫn thiếu tác phong công nghiệp và ý thức bảo vệ môi trường. Pháp luật Việt Nam lại chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi làm tổn hại môi trường trong đó có việc vứt rác bừa bãi. Hiện nay, Nhà nước đã có quy định về việc vứt rác không đúng nơi quy định sẽ bị phạt. Các biển báo cấm vứt rác xuất hiện khắp nơi. Nhưng chỗ nào càng cấm thì người ta càng vứt vào đấy, vứt xong cũng chẳng thấy ai đến phạt.

Vì thế, việc vứt rác bừa bãi trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa. Còn một lý do chủ quan nữa từ bản thân mỗi người là chúng ta đang dung túng cho hành vi vứt rác bừa bãi. Thấy một người vứt rác, những người đi qua không ai nhắc nhở. Dần dần, ai nấy đều thờ ơ với hiện tượng vứt rác không đúng nơi quy định. Thậm chí người ta còn coi đó là hiện tượng bình thường trong cuộc sống.

Để khép lại vấn đề văn hóa vứt rác, tôi xin kể cho các bạn câu chuyện này: Có lần, tôi đi chơi với đứa cháu họ, mới 5 tuổi. Tôi mua cho cháu ít bánh kẹo, ăn xong nó giữ vẫn giữ khư khư giấy gói, tôi bảo cháu: "Cháu ăn xong kẹo rồi thì vứt giấy đi thôi". Cháu tôi đáp: "Cháu phải tìm thùng rác". Tôi chỉ nơi để thùng rác cho cháu, thấy nó còn đứng loay hoay một lúc với cái giấy gói kẹo rồi mới chịu vứt, tôi hỏi:

- Cháu làm gì với cái giấy gói kẹo thế?

- Cháu xếp giấy kẹo, ở lớp cháu cô giáo dạy cần phải xếp rác gọn gàng trước khi vứt cô ạ.

Tự nhiên tôi thấy xấu hổ với cháu vì văn hóa vứt rác của mình hóa ra không bằng nó, nhưng lại thấy vui vì thế hệ tương lai nếu ai cũng làm được như cháu tôi thì đất nước mình sẽ sạch đẹp biết bao.

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện