Người Việt mũi dài...?

Ngày 04/10/2013 00:01 AM (GMT+7)

Nói như vậy để ám chỉ rằng, người Việt rất hay thích chõ mũi vào việc của người khác, thấy đám đông là xúm vào xem...

Cơn bão số 10 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến miền Trung, gây ra rất nhiều thiệt hại về của lẫn về người. Trong lúc có bao nhiêu người phải chạy lũ chạy bão để lo bảo toàn tính mạng của mình và người thân thì cũng có kha khá người coi nhẹ sự sống chết của chính mình chỉ để thỏa mãn cái tính…thấy cái gì hay hay lạ lạ là xúm xít vào.

Từ vụ bão ở Hải Phòng cho tới cơn bão vừa qua ở Đà Nẵng, liên tiếp trên mạng xuất hiện những bức ảnh chụp các thanh niên “đi đón bão”. Họ chẳng màng sóng to gió lớn, mà sóng càng to gió càng lớn thì càng thích vì lên ảnh lại đẹp. Nam thanh nữ tú đứng tạo dáng xì tin chụp ảnh trong khi đằng sau sóng đập ầm ầm, cây cối nghiêng ngả. Hậu quả ngay và luôn là đã có vụ một thanh niên vì đứng chụp ảnh quá gần biển nên đã bị sóng lớn cuốn đi mất. Vậy mà vẫn không chừa! Thật không thể hiểu nổi mấy thanh niên trẻ trâu ấy nghĩ gì trong đầu.

Chợt nhớ tới một vụ tai nạn … rất kì khôi cũng xảy ra khá gần đây: vì đứng xem tai nạn giao thông mà lại gặp tai nạn giao thông. Một chiếc xe khách mất lái đã đâm vào một đám đông đang đứng xem một tai nạn giao thông xảy ra trước đó khiến một người thiệt mạng ở ngay Phú Thọ. Chuyện đi đường gặp những đám người xúm đông xúm đỏ để xem tai nạn giao thông là việc bất cứ người Việt Nam nào đi ra đường đều đã từng chứng kiến.

Người Việt mũi dài...? - 1

Người Việt thấy đông là xúm lại đứng xem nhưng không ai hành động ngay cả khi có tai nạn giao thông (ảnh minh họa)

Điểm chung của hai câu chuyện trên là chuyện người Việt Nam ta quả thực có cái thói xấu là thích tụ tập hóng hớt những chuyện không phải của mình và cứ thấy có gì lạ lạ thì lại bu lấy mà không thèm cân nhắc tới hậu quả. Đừng nói vơi tôi rằng chuyện người ta quan tâm, chú ý tới những thứ bất thường chứng tỏ sự không vô tâm và thái độ hợp tác tích cực. Nếu quả thực người ta quan tâm tới những chuyện bên ngoài, chuyện ngoài đường vì muốn giúp đỡ, vì muốn thay đổi cho mọi sự tốt đẹp hơn thì ai lên tiếng làm gì. Vấn đề là nhiều người Việt thật sự thích xía mũi vào chuyện của người khác chỉ là vì tò mò, vì muốn tỏ ra cái gì cũng phải biết, vì muốn tận mắt chứng kiến những việc bất bình thường.

Trong đám đông xúm xít quanh hiện trường vụ tai nạn giao thông kia chưa chắc đã có ai nhấc điện thoại lên gọi điện cho cảnh sát, cho xe cấp cứu hay tích cực nhất là đứng phân luồng đường sao cho tai nạn không ảnh hưởng tới giao thông xung quanh. Hoặc khi có một người bị giật túi chưa chắc đã có ai dám đứng ra vờ ngáng chân thằng ăn trộm một cái nhưng chắc chắn sẽ lập tức xúm vào đưa ra ti tỉ lời khuyên cho người vừa mới bị cướp. Rồi cái đám thanh niên ngu dại chụp ảnh đùa giỡn trước gió bão kia cũng chỉ vì ham vui, ham lạ mà dám đánh liều cả mạng sống của mình để đổi lấy vài cái ảnh up FB câu like.

Nhiều người chê bôi kiểu sống “thân ai người nấy lo” bây giờ nhưng thật ra kiểu “chuyện nhà hàng xóm còn tường tận hơn chuyện nhà mình” cũng không phải hay ho gì. Vợ chồng người ta cãi nhau thì đã bị loan tin là sắp li dị. Vô tình bị bắt gặp đứng trước cửa nhà nghỉ thì bị vu luôn cho tội “ngoại tình”. Đại diện tiêu biểu của cái dạng “mũi dài” thích chõ vào việc của người khác nay là một nhân vật được mệnh danh là “bà Tám showbiz Việt”. Vấn đề gì xảy ra dù ở đâu đẩu, lại dính tới những nhân vật chưa từng gặp đến một lần trong đời cũng được “bà Tám” này đưa lên mặt báo để bàn luận và cho ý kiến. Trong cuộc sống thì còn ti tỉ các “bà Tám” kiểu này, sự quan tâm thật lòng thì chẳng thấy đâu nhưng cái tinh thần hóng hớt và đưa chuyện thì ngùn ngụt.

Để đưa ra cái gọi là “phương pháp” giảm thiểu và ngăn chặn hội chứng “mũi dài” này thì không phải đơn giản, nếu không muốn nói là bất khả thi. Bởi vốn dĩ tính cách này đã trở thành “thói quen” “đặc tính” người Việt mất rồi. Chỉ hi vọng những chuyện nhãn tiền như vụ “bị sóng cuốn lúc chụp ảnh”; “gặp tai nạn khi đứng xem tai nạn” kiểu trên sẽ khiến người ta biết cân nhắc hơn lúc nào thì nên a dua, hóng hớt. Thật không muốn nhưng đôi lúc “thân lừa” cứ phải “ưa nặng”; nói mãi cũng thế mà thôi!

Người Việt mũi dài

Bạn có nghĩ người Việt thích xu hướng đám đông không?



Hordor
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện