Trẻ mập nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng cho chế độ ăn không hợp lý.
Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý dẫn đến mặc cảm, thiếu tự tin…
Có lẽ không đơn giản để nhận xét chính xác ai đó là vừa người hay mập. Bởi lẽ mập ốm không chỉ dựa vào cân nặng mà còn dựa vào quan niệm của từng dân tộc.
Bụ bẫm cỡ nào gọi là mập?
Có nơi thừa cân đôi chút đã gọi là mập nhưng có nơi tròn trĩnh cỡ nào cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên môn đều sử dụng công thức BMI để xác định mức độ mập ốm của một người dựa trên thông số cân nặng với chiều cao.
BMI = cân nặng (kg)/ chiều cao2 (m)
18.5 > BMI: gầy
18.5 <= BMI <= 25: bình thường
25> BMI: thừa cân
25<= BMI <= 30: tiền béo phì
30 < BMI <= 35: béo phì độ 1
35< BMI < 40: béo phì độ 2
40< BMI: béo phì độ 3
Trẻ mập nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng cho chế độ ăn không hợp lý. (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân
Theo nghiên cứu, nếu mỗi ngày năng lượng đưa vào cơ thể nhiều hơn 100 kilocalories so với mức cần thiết thì cân nặng sẽ tăng thêm 4,5 kg sau một năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối giữa năng lượng được đưa vào và tiêu thụ trong cơ thể như:
Yếu tố di truyền: Trẻ có khả năng thừa cân cao nếu cha mẹ hay anh chị bị béo phì. Tuy nhiên, trẻ sẽ không dư cân nếu được cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý với mức năng lượng đưa vào không cao hơn mức năng lượng tiêu hao.
Thói quen ăn uống: Những trẻ ít ăn trái cây, rau xanh, ngũ cốc nhưng lại ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và giàu năng lượng như thức ăn nhanh, nước uống nhiều đường hoặc có gas sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn. Thường ăn uống khi không đói, khi đang học bài hay xem ti vi cũng góp phần làm trẻ thừa cân.
Ít vận động: Có thể do môi trường sống bị thu hẹp và cha mẹ sợ trẻ bị nhiễm thói hư tật xấu nên ít cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội hay tập luyện thể dục thể thao. Thay vào đó, ngoài giờ học, trẻ chỉ tiếp xúc với những phương tiện giải trí trong nhà như nghe nhạc, xem phim, chơi game online hay tham gia vào các trang mạng xã hội…
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trẻ sẽ có khả năng mập phì nếu sống trong gia đình có thu nhập thấp. Sự thật là trẻ ở những gia đình này thường được cho ăn nhiều hơn so với năng lượng chúng cần.
Chế độ ăn thiếu thịt cá nhưng nhiều bột đường vẫn làm trẻ thừa cân. Trong tình huống này, trẻ mập nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng. Đôi khi mập là biểu hiện của nhiều bệnh lý rối loạn chuyển hóa hay do tác dụng phụ khi sử dụng thuốc để điều trị.
“Chuẩn không cần chỉnh”, tại sao không? Một khi đã xác định trẻ béo phì, bạn cần giảm cân cho bé một cách an toàn và hợp lý để trẻ sớm có lại vóc dáng “chuẩn không cần chỉnh” của bé. Hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện và điều trị sớm nhữngb ệnh lý tiềm ẩn đồng thời thiết kế chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện hợp lý. Để việc trị liệu thành công, bạn và người thân nên khuyến khích hơn là chọc ghẹo trẻ. Cần kiên nhẫn nhưng nghiêm khắc để trẻ có thể giảm cân theo đúng dự tính. Tiến trình giảm cân được xem là hiệu quả và an toàn khi trẻ giảm được 1 kg mỗi tháng. |