Hoá ra bà nội là người đã khiến cháu trai rơi vào tình trạng sợ hãi như vậy.
Chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ, mỗi ngày các bậc phụ huynh sẽ có 1001 những mối lo, mối bận tâm khác nhau, xoay quanh các vấn đề như ăn uống, ngủ nghỉ, ăn mặc, đi học hay vui chơi… của con. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, con khoẻ thì bố mẹ cũng vui, thế nhưng nếu đứa trẻ xảy ra bất kỳ vấn đề gì bất ổn thì bố mẹ sẽ nhận ra ngay. Dù đó chỉ là biểu hiện nhỏ, vì làm bố mẹ rồi thì ai cũng sẽ biết, con cái chính là đối tượng kích thích sự nhạy cảm của họ mạnh mẽ nhất.
Minh chứng như câu chuyện xảy ra với gia đình chị Tiểu Bạch (Trung Quốc) cách đây vài ngày, được chị chia sẻ trên mạng xã hội như một cách muốn nhắc nhở, cảnh tỉnh các bậc bố mẹ khác đang trong hành trình chăm con nhỏ.
Cụ thể chuyện bắt đầu khi chị Bạch phát hiện ra bất thường của con trai 2 tuổi dạo gần đây. Hễ mỗi lần đi tắm, thay vì háo hức như trước vì được nghịch nước thì đứa trẻ lại tỏ ra sợ hãi, thậm chí còn khóc lóc, mè nheo không chịu bước vào nhà tắm. Nhận thấy điểm lạ ở con, chị Bạch dự đã có chuyện chẳng lành.
Tuy nhiên, bao lần gặng hỏi nhưng đứa trẻ chỉ im lặng rồi lắc đầu, vì lo lắng nên chị Bạch đành đưa con đến bệnh viện kiểm tra để biết con trai đang gặp phải vấn đề gì. Thế nhưng, sau khi bác sĩ kiểm tra tổng quát thì báo kết quả là thằng bé vẫn khoẻ mạnh, mọi thứ đều đang tốt chứ không có bất thường nào cả. Nghe đánh giá từ bác sĩ nói, chị Tiểu Bạch thở phào nhẹ nhõm.
Dẫu vậy, khi về nhà, tình trạng sợ đi tắm của con trai vẫn như cũ và không có sự tiến triển hay thay đổi tích cực gì cả. Quá hoang mang, chị Bạch đem chuyện này kể với những người thân trong nhà. Nào ngờ mẹ chồng của cô sau khi về quê vài ngày có việc rồi lên lại nhà chăm sóc cháu trai, thì mọi sự mới vỡ lẽ.
Hoá ra, trong thời gian chị Bạch đi công tác, mẹ chồng cô đã giúp cô trông nom con. Một hôm, trong lúc mẹ chồng đang tắm cho đứa trẻ thì có người hàng xóm gõ cửa, nghĩ rằng nước trong bồn không sâu nên bà tạm rời đi để lại cháu trai một mình trong phòng tắm.
Không ngờ, lúc quay lại, bà nội tá hỏa phát hiện cháu trai đang vùng vẫy trong bồn nước, bị ngạt đứa trẻ khóc điếng. May mắn là bà nội đã kịp thời phát hiện tình huống nguy hiểm, khẩn cấp ứng cứu nên cháu trai mới thoát khỏi cửa tử, nếu không thì thực sự hậu quả rất khó lường và có thể khiến bà phải ân hận cả đời.
Tai nạn này tuy không gây hại về mặt thể chất, nhưng đã để lại nỗi ám ảnh, sợ hãi trong tâm lý của con trai chị Tiểu Bạch. Đó là nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện lạ của nhóc tỳ thời gian gần đây, đứa trẻ thường hay khóc khi đến giờ đi tắm. Biết được sự thật, chị Bạch vừa xót thương con, vừa giận đỏ mặt trước hành động bất cẩn của mẹ chồng.
Đối diện với hoàn cảnh này, các chuyên gia bác sĩ đã khuyên rằng sẽ không có giải pháp nào chữa khỏi ngay được tình trạng ảnh hưởng tâm lý của con trai chị Bạch, điều duy nhất phụ huynh cần làm lúc này là kiên nhẫn đồng hành cùng đứa trẻ để giúp con dần dần thoát ra khỏi bóng đen tâm lý đó.
Qua câu chuyện, đây cũng là một lời cảnh tỉnh sâu sắc gửi đến các bậc phụ huynh. Khi nhà có con nhỏ, mọi thứ bố mẹ đều phải cẩn thận từng li từng tí, nếu không muốn sau này hối hận cả đời.
Trong quá trình chăm sóc con cái, mỗi gia đình, mỗi ông bố bà mẹ cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
- Giám sát liên tục: Bố mẹ nên giám sát con trẻ một cách liên tục trong suốt quá trình vui chơi. Điều này đảm bảo rằng con không tiếp xúc với các nguy hiểm tiềm ẩn hoặc không thể tự mình đối phó với những sự cố khi vui chơi một cách hiệu quả nhất.
- Tạo môi trường an toàn: Xác định và loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường chơi, bao gồm đồ chơi gây nguy hiểm, các vật sắc nhọn, các chất độc, và các bề mặt trơn trượt. Đồng thời, đảm bảo rằng không có những đồ chơi với kích thước quá nhỏ có thể dễ dàng gây ra tình huống đứa trẻ bỏ vào miệng và nuốt.
- Hướng dẫn và giáo dục con trẻ: Dạy con trẻ về các quy tắc cơ bản đảm bảo an toàn khi chơi, bao gồm không leo lên những nơi nguy hiểm, không chơi gần nước nếu không có sự giám sát, và không chơi với đồ chơi hoặc vật phẩm có thể gây nguy hiểm.
- Chọn trò chơi đúng độ tuổi và phù hợp với sự phát triển của con: Chọn những hoạt động chơi phù hợp với độ tuổi và khả năng phát triển của con trẻ. Tránh đưa con vào những hoạt động quá phức tạp hoặc nguy hiểm mà con không thể tự xử lý được.
- Áp dụng biện pháp bảo vệ cá nhân: Đảm bảo rằng con trẻ luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động ngoài trời như xe đạp, trượt patin, hay trượt ván. Sử dụng các biện pháp bảo vệ khác như găng tay, tất hay đồ bảo hộ cơ thể khi cần thiết.
- Kiểm tra địa điểm chơi: Trước khi cho con tham gia vào một khu vui chơi công cộng hoặc khu trò chơi ngoài trời, hãy kiểm tra an toàn cơ sở vật chất xung quanh và các yếu tố khác để đảm bảo rằng nó đáng tin cậy, phù hợp cho con.
- Sẵn sàng sơ cứu: Bố mẹ nên nắm vững kiến thức sơ cứu cơ bản để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp nếu cần thiết. Hãy luôn có sẵn một hộp sơ cứu và biết cách sử dụng nó.