Bác sỹ tâm sự lấy tinh trùng từ tử thi

Ngày 30/12/2013 17:45 PM (GMT+7)

Trường hợp cặp song sinh Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải chào đời ngày 9/12 nhờ lưu trữ tinh trùng của người bố đã mất cách đây 4 năm khiến nhiều người rất quan tâm.

Sau khi anh Hồ Sỹ Ngọc qua đời, chị Hoàng Thị Kim Dung quyết định sẽ lưu trữ tinh trùng của chồng. 4 năm sau, 2 bé trai kháu khỉnh chào đời trong niềm hạnh phúc không gì tả được của gia đình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS - Bác sĩ Vương Văn Vệ (Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) về câu chuyện chưa bao giờ có ở Việt Nam.

Việc lấy tinh trùng từ người chồng đã qua đời của chị Dung được tiến hành như thế nào, thưa bác sĩ?

Ngày hôm đó khi đang đi trên đường thì nhận được cuộc gọi trình bày về nguyện vọng của chị Dung muốn bảo quản tinh trùng của chồng  vừa qua đời. Sau khi nhận được cuộc gọi tôi cùng 2 nhân viên nữa đến nhà xác bệnh viện Thanh Trì, thời điểm đó là đã hơn 5 tiếng sau khi anh Ngọc qua đời. Dưới sự chứng kiến của cơ quan công an và gia đình, tôi đã trích lấy tinh hoàn bên phải của anh Ngọc đưa về Bệnh viện Nam khoa và Hiếm muốn Hà Nội. Sau khi kiểm tra thấy tinh trùng vẫn còn sống nên tiến hành trữ mô vào 14 ống nuncle khác nhau, đông lạnh trong nhiệt độ -196 độ C. Quá trình lưu trữ kéo dài từ năm 2010 đến tận đầu năm 2013 mới tiến hành thụ tinh như đúng nguyện vọng của chị Dung sau khi mãn tang chồng.

Bác sỹ tâm sự lấy tinh trùng từ tử thi - 1

Bác sĩ Vương Văn Vệ bế hai bé Hải và Đức

Vậy việc lưu trữ tinh trùng trong trường hợp này có gì khác với những  trường hợp thụ tinh nhân tạo đã tiến hành hàng chục năm nay ở Việt Nam?

Thực ra kỹ thuật lưu trữ tinh trùng không còn mới ở Việt Nam nhưng trường hợp này là lưu trữ tinh trùng của người đã qua đời. Trong trường hợp này, phải lưu trữ mô mà đây là kỹ thuật khó nhất. Trường hợp của chị Dung cũng là đầu tiên tại  Việt Nam lưu trữ tinh trùng của người đã qua đời. Mặt khác, trong quá trình lưu trữ đông lạnh đó phải tiến hành kiểm tra để đảm bảo tinh trùng vẫn còn sống. Ngay trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi đã phải lấy một mẫu ra kiểm tra lần cuối để xem tinh trùng còn sống hay không. Kết quả tỷ lệ sống đảm bảo cho quá trình thụ tinh diễn ra.

Việc cặp song sinh ra đời nhờ vào tinh trùng của người bố đã qua đời là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cá nhân bác sĩ lúc bắt đầu thực hiện có nhiều trăn trở?

Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng trường hợp này sẽ thành công và quyết tâm thực hiện bằng được. Chưa bao giờ có trường hợp như vậy ở Việt Nam và cả bản thân tôi cũng chưa bao giờ thực hiện lưu trữ tinh trùng của người qua đời. Tất cả chỉ là đọc trên lý thuyết, sách vở. Tuy nhiên, trước mong muốn của chị Dung, tôi cố gắng để thực hiện.

Bác sỹ tâm sự lấy tinh trùng từ tử thi - 2

Khu vực bảo quản lưu trữ đông lạnh

Quá trình chuyển phôi để hoàn tất thụ tinh trong ống nghiệm có gì khó khăn?

Sau khi thực hiện các quy trình của một ca thụ tinh trong ống nghiệm, tiến hành kích trứng xong, chúng tôi lấy tinh trùng rã đông để thụ tinh. Quá trình thụ tinh hoàn thành, đến ngày chuyển phôi thì chị Dung lại bị quá kích trứng nên không thể thực hiện, phải đưa phôi vào đông lạnh lần nữa. Bởi vì, khi bị quá kích trứng làm tăng tiết dịch nếu tiến hành chuyển phôi có thể dẫn đến tử vong. Sau đó, sức khỏe chị Dung ổn định, quá trình chuyển phôi thành công ngay lần đầu tiên. Đây cũng là trường hợp may mắn, bởi nhiều trường hợp trên thế giới cũng lấy tinh trùng của người đã khuất để thụ tinh nhân tạo nhưng chỉ thành công ở lần chuyển phôi thứ hai. Một số chuyên gia cũng nói viết bài để đăng lên tạp chí chuyên ngành quốc tế giới thiệu về trường hợp này ngay sau khi chuyển phôi thành công nhưng tôi vẫn chờ sinh các bé ra đời, mẹ tròn con vuông, thực hiện xét nghiệm ADN hoàn tất mới công bố rộng rãi.

Theo một số thông tin thì trường hợp này lấy tinh trùng sau hơn 5 tiếng kể từ khi người chồng qua đời. Theo bác sĩ đây là trường hợp may mắn?

Thực ra lấy được tinh trùng càng sớm càng tốt, đây là trường hợp hơn 5 tiếng mới lấy được tinh trùng sau khi gia đình gọi điện sang Pháp hỏi các thủ tục, liên hệ một số cơ sở về sản khoa ở Việt Nam không được. Có một điều cũng tình cờ là lúc mọi người đang rối trí tìm nơi có thể lưu trữ đông lạnh tinh trùng thì hai người bạn của chị Dung va vào ụ đất bên đường và thấy tấm biển ghi tên Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, sau đó liên lạc với tổng đài bưu điện để hỏi số điện thoại gọi cho tôi.

Xin bác sĩ cho biết trường hợp nào sẽ không lưu trữ được tinh trùng sau khi qua đời?

Có những trường hợp lấy được tinh trùng nhưng không sử dụng được. Đó là những trường hợp qua đời sau một căn bệnh nào đó dùng đến xạ trị, sử dụng nhiều thuốc chữa bệnh, bệnh nhiễm trùng hay nhiễm độc làm chết tinh trùng. Sự tồn tại tinh trùng trong tinh hoàn là phụ thuộc vào sức khỏe của người đó.

Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam thụ tinh nhờ lưu trữ đông lạnh tinh trùng của người đã qua đời. Cá nhân bác sĩ có mong muốn có hành lang pháp lý rõ ràng về vấn đề này?

Thực tế đến nay pháp luật Việt Nam chưa quy định gì về lưu trữ tinh trùng của người đã qua đời. Với các trường hợp đầu tiên trên thế giới cũng vậy, chưa ai tính đến những tình huống xảy ra bất ngờ như vậy. Tuy nhiên, Tôi mong muốn có một hành lang pháp lý về vấn đề này, tất nhiên hành lang pháp lý hợp lý và xuất phát từ lợi ích cho xã hội.

Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ ra đời từ tinh trùng tử thi