Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định gấp rút chống bão

Ngày 07/08/2013 16:52 PM (GMT+7)

Quảng Ninh đã có mưa to không ngớt từ chiều nay, Hải Phòng, Nam Định dừng tất cả các cuộc họp để tập trung lực lượng chống bão.

Nghiêm cấm vớt củi trong mưa lũ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, do ảnh hưởng của bão số 6 ở Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 12m/s (cấp 6), giật 19m/s (cấp 8), ở Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật 15m/s (cấp 7); ở Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật 14m/s (cấp 7); Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 15m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10); Ở các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 40 – 60mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Hà Tĩnh 85mm; Quỳ Hợp (Hà Tĩnh) 188mm, Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 205mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 104mm...

Hồi 13 giờ ngày 7/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Thanh Hóa khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ - Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 8/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp7.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4m.

Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định gấp rút chống bão - 1

Bão đã áp sát các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa (Nguồn: TTDBKTTV)

Tiếp theo công điện khẩn ngày hôm qua, sáng nay (7/8), Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tiếp tục có công điện số 41/CĐ-TW điện Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,vBắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Ban chỉ huy PCLB và TKCN các Bộ, ngành.

Công điện yêu cầu, các tỉnh và Bộ, ngành bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm từ 9h30 sáng 7/8 đến 9h30 8/8 được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 16,5 độ và phía Tây kinh tuyến 111 độ. Các tàu thuyền gần đảo khẩn trương vào các đảo trú tránh.

Hướng dẫn, neo đậu tàu thuyền vào nơi trú tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước 18h ngày 7/8. Các địa phương căn cứ tình hình quyết định chỉ đạo việc cấm biển.

Chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm là vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ. Hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang.

Đặc biệt, nghiêm cấm việc vớt củi trong mưa lũ. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi trong đợt mưa lũ trước bão số 5 vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc các nạn nhân đều bị thiệt mạng vì nguyên nhân đi vớt củi trong lúc xảy ra mưa lũ.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt với các hồ chưa bị sự cố hoặc có nguy cơ mất an toàn. Chỉ đạo các chủ hồ tổ chức trực ban, theo dõi mực nước và lưu lượng về hồ, tuần tra, canh gác, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu khi có tình huống xảy ra.

Hải Phòng, Nam Định dừng họp chống bão

Tại Quảng Ninh, từ 10h sáng nay, đã xuất hiện mưa to ở nhiều nơi. Đến đầu giờ chiều thì mưa to kéo dài không ngớt ở TP. Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Đông Triều…Một số nơi như TP. Hạ Long đã có gió tương đương cấp 3, cấp 4, Cẩm Phả gió nhẹ hơn, tương đương cấp 2, 3. Từ 7h sáng nay, Quảng Ninh cũng đã phát lệnh cấm biển đối với tất cả các tàu thuyền để hạn chế thiệt hại xảy ra trong bão.

Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định gấp rút chống bão - 2

Đã có mưa to tại Quảng Ninh từ khoảng 10h sáng nay (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Tuấn đã chỉ đạo hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung lực lượng phòng chống bão số 6. Tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Nam Định cho hay, đêm nay trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ có mưa to đến rất to và dông. Đêm và sáng có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do vậy, ông Tuấn cũng yêu cầu mọi công việc sơ tán, di dời dân ở những vùng nguy hiểm như các chòi canh, đầm nuôi thủy sản, hải sản, vùng dân cư ngoài đê, cửa sông, trong bối, ven biển, các khu du lịch phải hoàn thành xong trước 14h chiều nay (7/8/2013). Trung

Điện lực Nam Định cũng được yêu cầu khiểm tra lưới điện, sẵn sàng phương án chủ động cấp đủ điện đảm bảo chất lượng nguồn điện để phục bụ tiêu úng.

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nam Định cũng cho hay, tất cả các đồng chí thuộc Ban chỉ huy đã xuống các địa bàn được phân công để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão.

Tính đến 14h chiều 7/8/2013, Nam Đinh đã kêu gọi được tất cả gần 2.100 phương tiện khai thác hải sản trên biển với hơn 11.000 ngư dân về nơi an toàn. Nhiều phương tiện tàu thuyền của các tỉnh khác như Thanh Hóa cũng đã vào nơi trú tránh an toàn tại tỉnh. 1.500 người ở 700 lều, chòi canh thủy, hải sản cũng đã lên bờ tránh bão.

Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã thông báo cấm biển bắt đầu từ 12h ngày 7/8/2013; điều động tàu cứu nạn CN09 của Bộ đội biên phòng Hải Phòng ứng trực tại khu vực trọng điểm vùng biển Cát Bà.

Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã chỉ đạo các Đồn, Trạm biên phòng phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng, địa phương thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về diễn biến bão để chủ động di chuyển phòng, tránh; tiếp tục nắm tình hình, kiểm đếm số phương tiện, số người còn đang hoạt động trên biển để có phương án gọi vào bờ, bố trí nơi neo đậu. Bố trí lực lượng thường trực gồm 315 cán bộ, chiến sỹ và 37 phương tiện các loại.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tổ chức thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn với lực lượng 7595 người và 82 phương tiện cần thiết.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối chỉ đạo các đơn vị trực thuộc  triển khai các biện pháp phòng chống bão. Chi cục Đê điều và PCLB phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát vị trí đê điều xung yếu, ứng trực sẵn sàng xuất cấp vật tư dự trữ PCLB và xử lý sự cố phát sinh.

Ở Huyện Bạch Long Vỹ, các lực lượng chức năng đã chỉ đạo công tác phòng chống bão trên đảo và âu cảng; kêu gọi, vận động tàu thuyền đang hoạt động di chuyển về đất liền. Đặc biệt, 12 hộ dân khu 32 gian làng cá đã được tuyên truyền, vận động để tổ chức chằng chống nhà cửa, tài sản, sẵn sàng di dời tới khu vực tránh trú bão an toàn khi có lệnh.

Ở Huyện Cát Hải, công tác phòng chống bão theo phương án “4 tại chỗ” đã được triển khai. Lực lượng chức năng huyện đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng xung kích tham gia hỗ trợ nhân dân sơ tán.

Các quận, huyện khác như Hồng Bàng, Đồ Sơn, Hải An, An Dương, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão trên địa bàn.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến sáng7/8/2013, đã thông tin cho 3.211 phương tiện, lồng bè/11.447 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, đang hoạt động trên biển có 452 phương tiện/1.932 lao động (xa bờ 149 phương tiện/751 lao động, ven bờ 303 phương tiện/1.181 lao động); đang neo đậu tại bến: 2.657 phương tiện/9.314 lao động; bè nuôi trồng thủy sản có 102 bè/201 lao động.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố Hải Phòng nhận đinh, cơn bão số 6 có diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh, dự kiến sẽ đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ từ chiều 7/8 bão đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến khu vực ven biển Đông Bắc Bộ. Trước 12h hôm nay (7/8), Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thành phố đã đề nghị UBND thành phố và các lực lượng chức năng tỉnh bằng mọi biện pháp hoàn thành các việc: Thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu thuyền khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; Dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa, hoạt động vui chơi giải trí biển; Tổ chức sơ tán người già, trẻ em ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản; Các lực lượng ứng trực sẵn sàng thực hiện biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão, mưa lớn có thể xảy ra; Kiểm tra, rà soát đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư khu vực chân đồi núi, mỏ đất đá, công trình giao thông đang thi công; Tạm dừng các cuộc họp trong ngày 7/8 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan