Tối và đêm nay, bão số 6 sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh Hải Phòng – Nam Định sau khi quét dọc bờ biển Trung bộ. Các tỉnh đang khẩn trương hoàn tất các công tác phòng chống bão.
Bão đang tiến vào các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, 7 giờ sáng nay (ngày 7/8), vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đi dọc theo ven biển các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km. Đến 19 giờ ngày 7/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay sát bờ biển vùng Đồng Bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới này suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Từ chiều nay (7/8), vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4m.
Đường đi của bão lúc 7h ngày 7/8 (Nguồn: TT DBKTTV)
6 máy bay sẵn sàng ứng cứu
Tại Hà Nội, đề phòng ngập úng do mưa bão gây ra, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng, bố trí 100% lực lượng công nhân ứng trực tại các vị trí dễ bị úng ngập. Ông Trần Trọng Văn, Phó Giám đốc Công ty cho hay, mực nước hồ Yên Sở và các kênh dẫn, các sông, hồ đã được điều hòa lượng nước hợp lý để chủ động đối phó với mưa. Trước đó, công ty cũng đã tiến hành nạo vét, thông dòng chảy các hệ thống tiêu thoát nước, giải tỏa những vật cả, đăng chặn, khơi thông gầm cầu, cống để đảm bảo dòng chảy, tránh ách tắc. 60.000 m3 bùn trên các tuyên sông và trên 100% trục mương chính, trên các cửa xả ra mương, sông đã được nạo vét nhằm đảm bảo khả năng đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu. Nhiều tuyến phố như Thái Thịnh, Nguyễn Công Trứ, Ngô Thì Nhậm cũng đã hoàn thành Dự án thoát nước giai đoạn 2 nên không còn tình trạng cứ có mưa là ngập nặng như trước đây nữa.
Tại Hải Phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hải Phòng, ông Đỗ Trung Thoại cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị yêu cầu: bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện, các thuyền trưởng tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động hoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Theo dõi, kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền neo đậu các vị trí quy định và trong các khu neo đậu tranh trú, di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Đảm bảo các tàu thuyền và phương tiện hoạt động thủy sản về nơi trú tránh trước 15 giờ ngày hôm nay (7/8).
Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ xung yếu, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu du lịch biển; đề phòng sạt lở bờ sông, bờ biển, đồi núi do mưa lớn. Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, cầu tàu, cầu vượt sông, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch và các cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, các khu vực khai thác tài nguyên, khoáng sản…
Hoàn thành công tác sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân ở các vùng xung yếu, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sran, các khu nhà cũ xung yếu trước 15 giờ ngày hôm nay (7/8).
Chủ động điều tiết nước trong các hệ thống công trình thủy lợi để bảo vệ lúa và hoa màu; nạo vét, khơi thông cống, kênh tiêu thoát nước, hạ thấp nước trong các hồ điều hòa để chủ động phòng chống ngập úng trong đô thị.
Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Hải Phòng cho hay, Hải Phòng nằm ở rìa bên phải đường đi của cơn bão, lại đang có thời tiết ấm nên có khả năng bão sẽ mạnh thêm khi đi vào đây. Do đó, sau cuộc họp khẩn phòng chống bão chiều qua, các ngành , địa phương đã được yêu cầu chuẩn bị chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ 8h sáng ngày hôm nay (7/8), sẽ cấm các tàu thuyền ra khơi, đến 12h trưa sẽ dừng tất cả các hoạt động vận chuyển hàng hóa, du lịch trên biển, hoàn thành sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm, các khu nhà xuống cấp trước 16h chiều nay (7/8).
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, lực lượng biên phòng đã thông tin cho gần 3.000 phương tiện với hơn 9/600 lao động biết vị trí và diễn biến của cơn bão số 6. Tuy nhiên, 269 tàu thuyền/1.294 ngư dân mới ra khơi sau cơn bão số 5, hiện đang đánh bắt xa bờ nên việc kêu gọi vào bờ gặp khó khăn.
Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Đọc cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các tàu xa bờ đang hoạt động ngoài khơi khẩn trương đi ra khỏi vùng nguy hiểm về các khu neo đậu, trú tránh an toàn gần nhất hoặc khẩn trương về đất liền. Nghiêm cấm các tàu xa bờ đang trong đất liền ra khơi từ 7h sáng nay (7/8).
Quảng Ninh bị thiệt hại trong cơn bão số 5 vừa qua (Ảnh: Dân Việt)
Tại Bình Định, ông Phan Xuân Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Bình Định cho hay, tuy không nằm trong vùng đổ bộ của bão nhưng tàu thuyền trên biển cũng bị ảnh hưởng bởi bão số 6. Hiện hầu hết các tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin và diễn biến của cơn bão để trú tránh. Hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng, Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn và trạm bờ tại chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đang tiếp tục ứng trực, thông báo thông tin.
Trên toàn tuyến biển, theo báo cáo nhanh số 339/BC-CQTT của Cơ quan thương trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN/BĐBP, tính đến 6 giờ ngày 7/8/2013, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa Vũng Tầu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.205 phương tiện/ 263.975 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó, có 35 tàu/ 336 người (Đà Nẵng: 11 tàu/ 109 người; Quảng Ngãi: 20 tàu/ 197 người; Quảng Bình: 4 tàu/ 40người) neo đậu ở khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc).
5 tàu/ 58 người (Quảng Ngãi: 4 tàu/ 48 người; Khánh Hòa: 01 tàu/ 10 người) neo đậu ở khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa).
21.637 tàu/88.362 người neo đậu tại các bến và hoạt động ven bờ từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế (từ vĩ tuyến 16,5 trở lên).
42.528 tàu/ 175.219 người hoạt động ở các vùng biển khác (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, khu vực giữa biển Đông) và neo đậu tại bến.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn cũng đã huy động 233.478 cán bộ, chiến sĩ với 1.460 phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 6, trong đó có 828 tàu, xuồng các loại; 624 phương tiện ô tô và 6 máy bay.