Nếu sớm thì 8 –9h tối mai (7/8), muộn thì đêm mai bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền, tâm bão dự báo đi qua Hải Phòng – Nam Định nhưng các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa vẫn phải đề phòng.
Khi vào bờ mạnh cấp 6
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 16 giờ ngày 6/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đi dọc theo ven biển các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 16 giờ ngày 7/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ khoảng 210km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Như vậy khoảng đêm 7/8 vùng tâm bão có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Từ ngày mai (7/8) ở Vịnh bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Từ chiều tối mai vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; từ đêm mai ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Nhận định về thời gian và tâm bão số 6 đổ bộ vào đất liền, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay: “Khả năng bão đổ bộ vào miền Bắc là rất lớn, gần như là chắc chắn. Có 2 xu hướng, nếu bão đi thấp về Nam thì vào giữa tỉnh Thanh Hóa và Nam Định, nếu đi lên phía trên hơn thì vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hải Phòng”.
Tâm bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng, Nam Định (Nguồn: TTDBKTTV)
“Về tâm bão, khu vực đổ bộ thấp hơn bão số 5, trọng tâm sẽ là Hải Phòng, Nam Định. Tuy nhiên các tỉnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa vẫn phải đề phòng. Thời gian, sớm nhất là vào khoảng 8 - 9 giờ tối ngày mai (7/8), muộn nhất là vào khoảng 3 – 4 giờ sáng 8/8 tâm bão sẽ vào bờ”, ông Tăng nói.
Từ chiều tối mai (7/8), sẽ có gió mạnh, do vậy, theo nhận định của ông Tăng, mọi công tác chống bão trên bờ phải xong trước 6 giờ tối mai.
Cũng theo ông Tăng, hiện mới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc phát tin bão, các nước khác vẫn phát là áp thấp nhiệt đới. Đến 4h chiều nay (6/8), tâm bão ở 14,5 Vĩ Bắc, 111 độ Kinh Đông, ngay sát phía nam đảo Hoàng Sa. Cường độ cấp 8, giật cấp 9, cấp. Ngày mai bão đi theo hướng Tây Bắc, men theo ven biển Trung bộ đi vào Vịnh Bắc bộ, đường đi của bão cách Trung Trung bộ khoảng 120-150km.
Khi vào sát phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc) thì bão sẽ chuyển hướng lệch Tây Tây Bắc va Tây Bắc, đi vào đất liền các tỉnh Bắc bộ. Sáng mai bão đi qua Hoàng Sa. Ven biển Trung Trung bộ, Vịnh Bắc bộ từ sáng mai gió mạnh. Toàn vịnh Bắc bộ, ven biển Bắc trung bộ có gió cấp 6,7, gần tâm bão cấp 8,9. Bão vào trúng thời kỳ triều cường nên nước dâng từ 2.5m - 4m dọc dải từ Quảng Ninh đến Nam Định.
Dự báo sau khi bão đổ bộ vào các tỉnh Hải Phòng, Nam Định sẽ suy yếu nhanh, nên chỉ ven bờ có gió mạnh. Từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió cấp 6, tâm bão cấp 7, cấp 8 giật cấp 9, cấp 10. Ở sâu đất liền 40 km - 50km thì chỉ có gió nhẹ, không có gió giật mạnh.
Về mưa trong và sau bão, ông Bùi Minh Tăng cho hay, khu vực Trung Trung bộ nằm ở rìa phía Tây của bão, nên chiều tối nay và sáng mai có mưa, lượng mưa không lớn. Từ Quảng Ngãi trở ra có mưa ven biển, lượng mưa chỉ vài chục mm. Hà Tĩnh, Nghệ An trở ra có lượng mưa 100mm, Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa từ ngày mai, kéo dài đến hết ngày 9/8 với lượng phổ biến từ 100 mm – 200mm, một số nơi trên 300mm, tập trung chủ yếu vào đồng bằng trung du và vùng núi phía Bắc.
72 hồ chứa không đảm bảo an toàn
Trong công tác phòng chống trước khi cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương cho hay, đáng lo ngại nhất hiện nay là tình hình hồ chứa. Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, các hồ chứa từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế đang hoạt động bình thường. Do đang ở cuối mùa kiệt nên mực nước các hồ rất thấp. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 2.000 hồ chứa hiện có 72 hồ không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ do bị hư hỏng đập chính, tràn xả lũ hoặc cống lấy nước. Trong đó, có 31 hồ chứa cần đặc biệt lưu tâm ngay từ đầu, 4 hồ chứa đang xả tràn, cao hơn quy định.
Bão đổ bộ phá vỡ nhiều đoạn đê Hải Phòng (Ảnh minh họa: Dân Việt)
Báo cáo nhanh từ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho thấy, đến cuối giờ chiều qua, biên phòng các tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu thuyền thông báo, kiểm đếm hướng dẫn cho gần 50.000 phương tiện/gần 250.000 người đang hoạt động . Trong đó, phần lớn là tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động ở vùng biển giữa biển Đông, 6 phương tiện đang hoạt động trong vùng Bắc biển Đông.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho hay, hơn 230.000 chiến sĩ với 1.460 phương tiện khác nhau, trong đó hơn 800 tàu tuyền, hơn 600 ô tô và 6 máy bay đã sẵn sàng túc trực, ứng cứu với mọi tình huống của bão số 6. Hiện tại, Biên phòng vẫn kiểm soát được hoạt động của các tàu đang hoạt động ở Hoàng Sa.
Về 72 hồ chứa không đảm bảo an toàn, ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi cho hay: Vụ đã nhắc nhở các chủ đập cử cán bộ túc trực, báo cáo ngay nếu có sự cố. Các tỉnh Bắc bộ, Thanh Hóa mưa như dự báo, thì ngày mai phải chỉ đạo tiêu rút nước đệm vì theo dự báo mưa đến tận ngày 9/8, có nơi đến 300mm nên phải tiêu nước để ứng phó.
Nhận định về công tác phòng chống bão từ giờ đến trước khi bão đổ bộ, ông Nguyễn Xuân Diệu, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB trung ương cho hay, pham vi bão đổ bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh nên trước 6h tối mai phải hoàn thành mọi công tác phòng chống trên đất liền, trên biển trước 6h sáng mai. Với các tàu đánh bắt xa bờ hiện đã tạm yên tâm còn tàu gần bờ, du lịch, vận tải ven biển sẽ tùy theo tình hình. Nếu cấm biển thì từ Thanh Hóa đến Hải Phòng. Trong đất liền gió chỉ cấp 6,7, nên nhà cửa của người dân ở miền Bắc không đáng ngại, có thể chống chịu được.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng chỉ đạo, các lực lượng theo dõi, bám sát tàu thuyền để kịp thời thông báo thông tin về cơn bão. Thời gian khoảng tối mai bão sẽ vào đất liền, đường đi của bão trượt theo bờ biển nên các đơn vị chống bão cần quan tâm hơn đối với các tàu và ngư dân trên biển. Một số vùng đất liền phải tiêu nước đệm, một số hồ chưa đảm bảo an toàn phải bám sát quy trình vận hành, hồ quy mô trung bình và nhỏ, chú ý trượt, sạt lở đất có thể xảy ra. Thống nhất mọi công tác chống bão trên biển phải kết thúc trước trưa mai đối với trên biển và 6h tối mai đối với trên đất liền. |